25/02/2009 - 09:33

Năng lực nghề nghiệp là yếu tố hàng đầu

Ngành nghề nào đang “nóng”, xã hội đang có nhu cầu...? Đó là điều mà không ít phụ huynh, thí sinh băn khoăn và cố gắng tìm lời giải đáp với mong muốn chọn được ngành dễ tìm việc làm. Thực tế cho thấy, nhu cầu ngành nghề của xã hội luôn có sự biến động. Chỉ có một điều chắc chắn là nhà tuyển dụng nào cũng luôn đặt yêu cầu về năng lực nghề nghiệp, sự chăm chỉ, cần mẫn... lên hàng đầu khi tuyển dụng lao động.

* Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP Cần Thơ: Ngành nghề nào xã hội cũng cần, nhưng chỉ cần những người có tay nghề vững vàng

 

Năm 2008, Trung tâm đã giới thiệu việc làm ổn định cho trên 5.100 lao động. Trong đó, có 40% lao động tốt nghiệp đại học, 20% lao động tốt nghiệp trung cấp, 50% lao động tốt nghiệp THCS và THPT. Làm công tác giới thiệu việc làm nhiều năm, tôi nhận thấy ngành, nghề nào xã hội cũng có nhu cầu. Thế nhưng, như ông bà ta thường nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, xã hội cần những người có tay nghề vững vàng chứ không chỉ là những người cầm chứng chỉ nghề trong tay mà không làm được việc. Vì vậy, dù học bất cứ ngành nghề nào, người học cũng phải xác định được mục tiêu, nắm vững lý thuyết, vận dụng tốt vào thực tế để sau này ra trường có được nền tảng kiến thức vững vàng, chứ không phải chỉ chăm bẳm vào học để lấy được chứng chỉ này, bằng cấp nọ.

Khi chọn ngành, nghề, các thí sinh hãy thử đặt mình vào một chuyến đi. Khi ấy, phải chọn những gì mang theo để hành trang gọn nhẹ mà hiệu quả và đi như thế nào để chi phí thấp nhất mà đi được xa nhất. Điều quan trọng cần phải xác định đây là một chuyến đi dài đến tương lai, có thể là 5 năm hay 10 năm sau. Do đó, không phải chỉ xác định học xong là xong, còn chuyện việc làm sau khi ra trường hãy tính mà phải xây dựng được từng chặng cho chuyến đi vào tương lai của mình.

Nhà tuyển dụng rất cần lao động có tư duy nghề nghiệp, khả năng thực hành công việc, không thụ động, ỷ lại. Đồng thời, biết cảm thông và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Để đáp ứng được những yêu cầu này, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải học tập thật nghiêm túc, rèn luyện tốt các kỹ năng cần thiết cho ngành nghề của mình.

* Bà Nguyễn Mỹ Loan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ: Xã hội luôn có nhu cầu đối với những người thật sự giỏi nghề

 

ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên nhu cầu đội ngũ lao động có tay nghề cao, được đào tạo chính qui, luôn ở mức cao. Theo thống kê sơ bộ của trường, hằng năm khoảng 85% học viên của trường tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, chưa kể nhiều người tự mở cơ sở riêng. Ngoài ra, trường còn phối hợp xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc. Hiện nay, trường vẫn kết hợp với Trung tâm Giới thiệu Việc làm của Liên đoàn Lao động thành phố tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động. Điều này chứng tỏ ngày càng có nhiều công việc phù hợp, nhiều hướng đi đa dạng cho học sinh sau khi tốt nghiệp trường nghề.

Những năm gần đây, tôi nhận thấy học sinh tốt nghiệp các nghề: Hàn, xây dựng dễ tìm được việc làm nhưng lại rất ít học viên đăng ký học. Tuy nhiên, rất khó khẳng định ngành, nghề nào đang “nóng” bởi bất cứ lúc nào, đối với ngành nghề nào, xã hội cũng có nhu cầu riêng, dù ít hay nhiều. Có thể hiện nay xã hội đang có nhu cầu cấp bách về một ngành, nghề nào đó nhưng không có nghĩa là 3- 5 năm sau nhu cầu đó vẫn còn cao. Chính vì vậy, thay vì chỉ chăm bẳm chạy theo những ngành đang “nóng” thì thí sinh hãy bình tĩnh cân nhắc để chọn được cho mình ngành học phù hợp với sở thích, năng lực. Đó sẽ là động lực để các em học tốt, trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng vững vàng. Khi ấy, không lo thất nghiệp bởi xã hội luôn có nhu cầu đối với những người thật sự giỏi nghề.

* Ông Đào Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ: Địa phương có nhu cầu về nghề hàn, xây dựng và các nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp

 

Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ đang đào tạo 18 ngành nghề khác nhau. Trong đó, có nhiều ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương và điều kiện học tập của thí sinh, như: nông nghiệp, chế biến thủy sản, xây dựng... Ngoài những lớp nghề được tổ chức tại trung tâm ở thị trấn Thới Lai, Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ còn mở lớp tại các xã Trường Xuân, Thới Hưng... để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học. Qua những đợt tổ chức ngày hội việc làm, trung tâm nhận thấy, đối với các nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp, lao động có nhiều cơ hội tìm được việc làm tại địa phương. Nhu cầu lao động nghề hàn, xây dựng hiện nay cũng khá cao. Với bất cứ ngành nghề nào, nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi người lao động phải chịu khó, chăm chỉ, có tay nghề khá.

Tâm lý của phần lớn phụ huynh, học sinh là muốn vào đại học. Tuy nhiên, đối với nhiều học sinh, chọn học nghề ở địa phương sẽ phù hợp và thuận lợi hơn, bởi chi phí học tập thấp hơn rất nhiều so với đi học xa nhà. Hơn nữa, học gần nhà, phụ huynh có thể quan tâm, chăm sóc và quản lý con em mình. Trong quá trình đào tạo và tổ chức ngày hội việc làm, giới thiệu việc làm cho học viên và người lao động, trung tâm đã dần xây dựng nhiều ngành nghề phù hợp với địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp. Với 18 nghề hiện tại của trung tâm, học viên có nhiều cơ hội chọn được nghề phù hợp. Đặc biệt, Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ cũng vừa có quyết định nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề huyện Cờ Đỏ. Theo đó, cơ hội học liên thông của học viên sẽ rộng mở hơn.

LY GIANG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết