14/01/2016 - 20:58

NĂNG ĐỘNG HỘI NHẬP

Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Đây là sự kiện trọng đại và là dấu mốc quan trọng trong quá trình hợp tác phát triển của 10 nước thành viên ASEAN. Trên thực tế, đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Để thanh niên nhận thức đầy đủ hơn về Cộng đồng ASEAN, các cơ sở Đoàn – Hội trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, khơi dậy tinh thần học tập, rèn luyện, góp phần đưa Cộng đồng ASEAN đi đến thành công…

Nâng cao kiến thức về Cộng đồng ASEAN

Quá trình hội nhập quốc tế, việc mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế là yêu cầu và xu thế tất yếu để phát triển. Trong quá trình đó, vai trò của văn hóa ngày càng được coi trọng, thông qua văn hóa, các dân tộc ở các nước có thể hiểu biết lẫn nhau, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp và bền vững hơn. Ngay khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, Đoàn Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức sự kiện Ngày Cộng đồng ASEAN, thu hút khoảng 1.000 sinh viên tham gia. Trong đó, có hơn 600 sinh viên đã tái hiện không gian văn hóa, xã hội, đời sống của 10 quốc gia thuộc Cộng đồng ASEAN, với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày ẩm thực các nước. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết của sinh viên về sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa của các nước ASEAN. Nhóm sinh viên do Phùng Diệp Huy Vũ, sinh viên ngành Công nghệ sinh học tiên tiến để lại ấn tượng với nhiều bạn trẻ bởi điệu múa truyền thống của người Brunei Aduk aduk và Zapin. Huy Vũ chia sẻ: "Để chuẩn bị cho 2 tiết mục múa này, chúng em phải tập luyện gần 1 tháng, từ việc lên mạng tìm hiểu về văn hóa – nghệ thuật của truyền thống của Brunei, rồi thuê trang phục, đến phân công từng sinh viên biên đạo, luyện tập. Nhờ vậy, chúng em hiểu hơn về ý nghĩa trong trang phục và nghệ thuật múa của đất nước và con người Brunei".

Tuổi trẻ TP Cần Thơ diễu hành tuyên truyền Giờ Trái Đất.

Theo anh Lê Thanh Sơn, Bí thư Đoàn Trường Đại học Cần Thơ, trong khuôn khổ chương trình, Đoàn trường còn tổ chức Diễn đàn "Sinh viên Đại học Cần Thơ trên đường hội nhập", giúp sinh viên chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ và các hoạt động cộng đồng có yếu tố nước ngoài. Ban Tổ chức cũng bố trí góc tư vấn, hướng dẫn sinh viên học tập ngoại ngữ hiệu quả và rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Bên cạnh đó, để nâng cao kỹ năng hội nhập cho sinh viên, trong năm 2015, Đoàn – Hội Sinh viên trường đã cử hơn 70 sinh viên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại các nước khu vực Đông Nam Á, đồng thời có hàng trăm sinh viên tham gia hoạt động giao lưu quốc tế tại trường. Thông qua các diễn đàn, giao lưu quốc tế, sinh viên tìm hiểu phương pháp học tập của sinh viên nước ngoài, chia sẻ những vấn đề thời sự mà thanh niên quốc tế quan tâm, qua đó rèn khả năng phản biện. Các buổi thuyết trình, thảo luận với sinh viên nước ngoài không chỉ giúp em nâng cao kiến thức về kinh tế - xã hội các nước, mà còn dạn dĩ và tự tin hơn trong giao tiếp.

Ở Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Đoàn – Hội Sinh viên trường cũng đã tổ chức hội thi tìm hiểu về văn hóa các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN. Chị Lâm Khánh Linh, Chủ tịch Hội Sinh viên trường, cho biết: "Thông qua các tiết mục múa, hát, sinh viên tái hiện những nét văn hóa, phong tục tập quán của đất nước và con người các nước Đông Nam Á. Hiểu rõ về kinh tế, văn hóa, xã hội của các nước là nền tảng để các sinh viên nâng cao kỹ năng hội nhập tốt hơn". Trong các buổi sinh hoạt đầu khóa, trường còn lồng ghép sinh hoạt chuyên đề về vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thời kỳ hội nhập, trang bị các kiến thức về tổ chức ASEAN, WTO; cơ hội, thách thức mà người trẻ phải đối mặt khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Theo định hướng của Hội Sinh viên trường, từ năm 2015 đến 2018, trường sẽ đẩy mạnh thực hiện phong trào "Sinh viên 5 tốt" (đạo đức tốt, học tập tốt, tình nguyện tốt, thể lực tốt và hội nhập tốt) nhằm trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên; phấn đấu tổ chức ít nhất 2 hoạt động tạo môi trường, hỗ trợ sinh viên hội nhập quốc tế; 3 hoạt động phát huy tính sáng tạo của sinh viên… Hội Sinh viên trường cũng sẽ nâng chất các câu lạc bộ, đội, nhóm sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và tin học.

Tạo môi trường giúp người trẻ hội nhập

Chị Trần Thị Vĩnh Nghi, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho rằng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện tạo ra những cơ hội để cho mọi công dân có thể mở rộng sự giao lưu và tìm kiếm cơ hội phát triển. Đối với thanh niên, điều này càng trở nên quan trọng hơn bởi tuổi trẻ luôn năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, nhanh nhạy nên có nhiều hơn các cơ hội để giao lưu, học tập. Song, hội nhập quốc tế cũng đã và đang đặt ra cho thanh niên thành phố nhiều thách thức lớn. Đó là sự tương thích giữa trình độ học vấn với các cơ hội tìm kiếm việc làm; sự tác động của lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền; việc làm thế nào để dung hòa được giữa đạo đức truyền thống và lối sống hiện đại… Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp bộ Đoàn – Hội là đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế cho đoàn viên thanh niên; khuyến khích thanh niên học ngoại ngữ, tăng cường đào tạo kỹ năng về hội nhập. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế; kịp thời nắm bắt thông tin, định hướng chỉ đạo các hoạt động giao lưu hữu nghị, đối ngoại thanh thiếu nhi trong thành phố. Thành đoàn sẽ kết nối hỗ trợ, định hướng hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện cộng đồng; phối hợp với các tổ chức tình nguyện quốc tế trong tổ chức các hoạt động tình nguyện tại thành phố. Song song đó, các cấp bộ Đoàn phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới, sáng tạo các hoạt động huấn luyện kỹ năng, nhằm nâng cao khả năng thích ứng, kỹ năng hội nhập cho thanh thiếu niên…

Nét mới của các lớp tập huấn do các cấp bộ Đoàn – Hội tổ chức là phổ biến kiến thức về Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); kỹ năng sử dụng hiệu quả mạng xã hội và xây dựng hình ảnh cá nhân; kỹ năng tự kinh doanh trong môi trường hội nhập quốc tế. Lâm Nguyễn Huỳnh Quốc Trưởng, sinh viên ngành Kỹ thuật – Môi trường, Trường Cao đẳng Cần Thơ đánh giá những kiến thức về hội nhập quốc tế vừa mang tính thời sự vừa bấm trúng nhu cầu của sinh viên. Với Trần Thị Thu Trang, sinh viên ngành Hóa Dược, Trường Đại học Cần Thơ, hội nhập quốc tế bắt đầu từ những vấn đề mà giới trẻ các nước Đông Nam Á quan tâm, như: Bảo vệ môi trường, tình trạng biến đổi khí hậu, hay như việc bảo tồn văn hóa của chính nơi mình đang sinh sống. Trang cũng từng tham gia triển khai mô hình "Tập huấn thanh niên với biến đổi khí hậu và phát triển thủy điện trên dòng sông Mê Kông" và một dự án về bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Thông qua những hoạt động truyền thống của các dự án, mô hình, Trang có cơ hội cùng thanh niên các nước có tiếng nói trước những vấn đề về môi trường và bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Bên cạnh đó, trong các hoạt động giao lưu, sự kiện quốc tế diễn ra tại Cần Thơ, Đoàn – Hội Sinh viên thành phố cũng đã tuyển thanh niên tham gia lực lượng tình nguyện viên, nhằm tạo cơ hội cho các bạn trẻ rèn luyện khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng tiếp tân quốc tế. Các cấp bộ Đoàn còn tiếp tục duy trì và thành lập nhiều câu lạc bộ tiếng Anh, kỹ năng mềm, qua đó góp phần tạo môi trường giúp đoàn viên thanh niên tự tin hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết