06/02/2015 - 14:19

NĂNG ĐỘNG ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

ANH DŨNG

Nghị quyết của đảng bộ là kết tinh trí tuệ, tâm huyết của tập thể đảng viên. Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cần sự đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị, mà đứng đầu là Bí thư. Với sự gương mẫu, tận tụy, gần gũi, gắn bó với nhân dân, hết lòng vì việc chung, các Bí thư Đảng ủy xã, phường: Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Thành Út và Nguyễn Thanh Hùng đã năng động lãnh đạo, biến chủ trương, nghị quyết của đảng bộ thành hiện thực sống động, góp thêm những mùa xuân vui từ vùng ven đến đô thành.

1. Những ngày cuối năm, công việc của chị Nguyễn Thị Linh, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ) càng tất bật hơn ngày thường. Hết vận động bà con chỉnh trang thiết chế văn hóa, chị lại quay sang vận động xã hội hóa để chăm lo Tết cho người nghèo… Chị nói: “Công việc ở cơ sở cứ bận bịu như nuôi con nhỏ, phải gần gũi bà con để biết họ cần gì, vướng gì... Có vậy, Đảng ủy đưa ra các chủ trương, nghị quyết mới sát thực, đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng tình ủng hộ”.

 

Chị Linh còn nhớ, đầu nhiệm kỳ 2010-2015, bà con bức xúc nhất là một nửa địa bàn phía Đông của xã và nửa địa bàn phía Tây ngăn cách bởi sông Thốt Nốt. Con em đến trường, bà con qua lại phải đều lụy đò. Rồi mong ước của bà con trở thành hiện thực khi chị Linh và Đảng ủy xã đã táo bạo đề ra phương án xây cầu dựa vào sức dân là chính. Anh Đỗ Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã, kể: “Khi quyết định xây cầu, đồng chí Linh đã xin chủ trương của huyện, chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc họp dân để vận động đóng góp và lựa chọn vị trí xây cầu. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã gương mẫu đóng góp mỗi người 2 triệu đồng, cá nhân chị góp 5 triệu đồng. Nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 1,2 tỉ đồng và hàng ngàn ngày công; UBND huyện cũng ủng hộ 500 triệu đồng để xây cây cầu này”. Anh Hưng cho biết thêm, 4 năm qua, đồng chí Linh đã chủ động bàn bạc với Đảng ủy, xin chủ trương của huyện và vận động nhân dân đóng góp hơn 9 tỉ đồng, hàng ngàn ngày công xây 58 cầu và nâng cấp, mở rộng hơn 6.000 mét đường giao thông, giúp bà con đi lại dễ dàng.

Trí tuệ, công sức của nữ Bí thư trẻ có dáng người nhỏ nhắn này không chỉ tạo dấu ấn trên những cung đường, cây cầu, mà còn thể hiện rõ nét trong các phong trào của địa phương. Ngày cuối năm, bon xe dọc Tỉnh lộ 921, tôi thấy nhiều nhà máy chế biến và kinh doanh lúa, gạo đã mọc lên. Trên bến, dưới thuyền, người dân trong xã tấp nập chở lúa đến bán cho các nhà máy. Theo chị Linh, đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã xác định khâu đột phá trong phát triển kinh tế là phải đẩy mạnh vận động liên kết bốn nhà, giúp nông dân tăng thu nhập. Vì thế, bên cạnh vận động nhân dân xây dựng 1.021 ha cánh đồng lớn, đưa giống lúa ZACMIN 85 và Nàng Hoa Chín vào gieo sạ 95% diện tích đất, chị cùng Đảng ủy và các ban, ngành, xã xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, lao động, an ninh trật tự… để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Kết quả đã có thêm 4 doanh nghiệp đầu tư 250 tỉ xây dựng nhà máy chế biến, kinh doanh lúa gạo trên địa bàn, vừa thu mua lúa của bà con, vừa giải quyết việc làm 730 lao động trong xã.

Ghé thăm mô hình nuôi bò của gia đình anh Lê Văn Thuận, ấp Thạnh Lợi 2, anh Thuận bồi hồi tâm sự: “Nhà không ruộng, con bị nhiễm chất độc da cam nên trước đây tôi phải chạy ăn từng bữa. Được xã hỗ trợ vốn vay, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã nuôi bò 3 năm nay, mỗi năm thu lời hơn 20 triệu đồng. Nhờ xã hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay, giúp nhiều gia đình trong ấp nuôi bò, nuôi ếch, nuôi lươn nên cuộc sống no đủ hơn.”. Đầu nhiệm kỳ đến nay, cùng với đề nghị cấp trên xây dựng 211 nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, chị Linh cùng Đảng ủy xã còn vận động mạnh thường quân và doanh nghiệp đóng góp xây dựng 57 căn nhà tình thương cho các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 10% xuống còn 4,8%”.

Ông Phạm Đình Đồng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã nói: “Năm 2011, lúc ấy Linh mới 35 tuổi được cấp trên chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã, một số cán bộ, đảng viên hoài nghi khả năng lãnh đạo của Linh vẫn còn “non”. Nhưng với sự tận tụy, quyết đoán, chịu “xốc vác”, Linh đã làm cho mọi người thán phục và tín nhiệm”.


2. Lúc tôi đến Đảng ủy xã Thới Thạnh thì anh Nguyễn Thành Út, Bí thư Đảng ủy đã xuống ấp Thới Bình B dự “Diễn đàn UBND xã Thới Thạnh lắng nghe ý kiến nhân dân”. Đứng trên diễn đàn, người Bí thư Đảng ủy xã, dáng người thấp đậm, nhanh nhẹn xử lý những vấn đề người dân đặt ra khiến tôi rất ấn tượng. Qua 14 lần tổ chức diễn đàn, hàng trăm ý kiến đề xuất của bà con đã được anh Út chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Từ Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, tháng 12-2012, anh Út được Ban Thường vụ Huyện ủy Thới Lai luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, huyện. Lúc bấy giờ, nội bộ xã lủng củng, người đứng đầu Đảng ủy xã vi phạm phải điều chuyển công tác. Bên cạnh sắp xếp lại tổ chức, xây dựng lại quy chế làm việc của Đảng ủy, anh Út thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Chẳng hạn, khi nghe bà con ở một số ấp phản ánh không có nước sạch sử dụng, tình trạng trộm cắp, gây rối mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường trên các tuyến mương, anh Út đã đề xuất và chỉ đạo giải quyết kịp thời. Hay như việc bà con bức xúc các tuyến lộ Rạch Tra, tuyến cống Ông Phê, tuyến Rạch Gập, cầu Bà Liếu, cầu ngọn Rạch Gầy… xuống cấp, đi lại khó khăn, anh Út đã bàn bạc với Đảng ủy và các ban, ngành đoàn thể xã xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động nhân dân và đến vận động nhiều doanh nghiệp đóng góp để nâng cấp.

 

Với vai trò Bí thư Đảng ủy, anh Út luôn thể hiện rõ trách nhiệm vì dân, chăm lo cho nhân dân có cuộc sống ấm no. Anh Huỳnh Kỳ Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hai năm qua anh Út đã rất tích cực trong công tác vận động. Nhờ vậy, 8 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tặng nhà tình thương, 13 hộ nghèo được tặng nhà đại đoàn kết; các hộ nghèo, khó khăn được tặng gần 2.000 phần quà nhân dịp lễ, Tết…”.

Tôi cùng anh Út đến thăm một số mô hình kinh tế mới. Ngày cuối năm, trên cánh đồng, nhiều bà con ấp Thới Bình B đang tất bật thu hoạch dưa hấu. Nhìn ruộng dưa lúc lỉu quả, nông dân Nguyễn Văn Trung cho biết: “Tôi có hơn 4 công ruộng nên cuộc sống chỉ đủ ăn. Năm 2013, nghe xã vận động, hướng dẫn kỹ thuật và được hội nông dân tín chấp vay vốn ngân hàng, tui quyết định chuyển sang trồng dưa hấu, mỗi năm trừ chi phí còn lời 50 triệu đồng...”. Nhận thấy đời sống nhiều hộ còn khó khăn, anh Út và Đảng ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và tín chấp cho bà con vay vốn để chuyển đổi một số diện tích lúa không hiệu quả sang trồng dưa hấu, cải tạo vườn tạp, nuôi bò, nuôi heo sinh sản, nuôi chạch lấu… Bước đầu các mô hình đã mang hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 5,65% xuống còn 3,5%”.

3. Tôi đến trụ sở làm việc tìm gặp anh Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Đảng ủy phường Thường Thạnh (quận Cái Răng) nhưng từ sáng sớm anh đã cùng cán bộ phường đi vận động bà con khu vực Thạnh Hòa giao đất để mở tuyến rộng tuyến đường đê bao Lung Châu. Theo cán bộ xã, anh Hùng ít khi ngồi ở văn phòng, cứ xong việc cơ quan là anh xuống các khu vực.

Tôi biết anh Hùng cả chục năm nay, anh đã trải qua nhiều vị trí công tác. Năm 2004, khi chia tách huyện Châu Thành để thành lập quận Cái Răng, anh giữ chức Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy, rồi Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND quận. Đến tháng 12-2012, anh được Ban Thường vụ Quận ủy luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy phường Thường Thạnh. “Lúc mới luân chuyển về phường, cũng có một số ý kiến cho rằng anh Hùng chỉ về phường mấy tháng “cưỡi ngựa xem hoa” để có thời gian kinh qua cơ sở rồi trở về quận. Nhưng anh Hùng đã làm việc bằng cả tâm huyết và trách nhiệm, góp phần giúp địa phương có bước phát triển mới” – Đồng chí Võ Thành Thuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường nhận xét.

Chiều cuối năm, anh Hùng và một số cán bộ phường hướng dẫn tôi đến thăm một số mô hình kinh tế mới. Bon xe trên những tuyến đường nhựa, bê tông rộng mở, nhìn bà con trồng hoa ven đường chuẩn bị đón Tết, lòng tôi rộn lên niềm vui. Những tuyến đường này trước đây gập ghềnh, sình lầy, nhiều năm bà con mong đợi được đầu tư nâng cấp, nay đã thỏa lòng. Anh Hùng cho biết: “Năm 2013, Quận ủy đề ra Nghị quyết phát triển toàn diện phường Thường Thạnh. Nghị quyết chỉ đề ra định hướng, còn phát triển ra sao thì thuộc trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phương phải tính toán và thực hiện”. Qua nhiều cuộc họp bàn trong nội bộ Đảng và ra trưng cầu ý Dân, Đảng ủy đã xây dựng được chương trình hành động sát thực tế. Để biến chương trình hành động thành hiện thực, anh Hùng cứ tất bật như con thoi, hết lên quận đề nghị hỗ trợ phường phát triển, lại xuống khu vực trực tiếp chỉ đạo, tiếp sức cơ sở tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Với nỗ lực đó, “bức tranh” phát triển toàn diện của phường dần khởi sắc, với những kết quả bước đầu như: 10,5 km đường được nâng cấp, mở rộng; trường mầm non, tiểu học, trụ sở làm việc phường được đầu tư xây dựng khang trang; 335 ha vườn tạp được cải tạo trồng cây có múi; một số khu vực đã hình thành vùng chuyên canh màu; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng.

 

Ghé thăm gia đình anh Lê Văn Hòa, ở khu vực Thạnh Hòa, đứng giữa vườn cam xanh mơn mởn đang đung đưa trong gió xuân, anh Hòa khoe: “Đầu năm nay được phường hỗ trợ giống cam, tui đã chặt bỏ cây tạp trồng 4 công cam sành. Tôi cũng vừa được phường hỗ trợ lươn giống để nuôi. Được phường hỗ trợ cây giống, con giống và chỉ cách làm ăn, nay không sợ đói nghèo nữa”. Theo chị Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường, anh Hùng luôn suy nghĩ tìm cách giúp đỡ những cán bộ xã, ấp, nhân dân có hoàn cảnh khó khăn. Anh Hùng đã vận động mạnh thường quận hỗ trợ chài, lưới, cây giống, giúp các hộ vươn lên. Trong hai năm qua, bà con trong phường được hỗ trợ 11.059 cây giống có múi để cải tạo vườn tạp, nhiều hộ được hỗ trợ lươn giống để nuôi; hàng trăm hộ được vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế; 30 hộ nghèo được xây dựng nhà đại đoàn kết; nhiều hộ bước đầu đã khôi phục được nghề dệt chiếu truyền thống; nhiều hộ bắt đầu phát triển các mô hình làm ăn mới như trông khoai môn trên ruộng, trồng cây kiểng… Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của phường giảm từ 3,45% năm 2012, xuống còn 0,78% năm 2014.

Lúc chia tay, người Bí thư Đảng ủy phường 51 tuổi đời nhiều tâm huyết, tự hào nói: “Cha và hai người anh của tôi đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, Mẹ tôi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Truyền thống cách mạng của gia đình luôn nhắc nhở tôi dù làm bất cứ việc gì Đảng giao cũng phải nỗ lực hết mình, vì Đảng, vì dân mà phấn đấu và cống hiến…”.

***

Xuân này, bà con xã Trung Hưng, xã Thới Thạnh, phường Thường Thạnh và nhiều nơi khác trong thành phố đã có thêm niềm vui, tin tưởng vào sự phát triển của quê hương. Trong niềm vui ấy bà con không quên những người Bí thư năng động, xông xáo, nhiệt tình – những người đã dành cả tâm huyết, trí tuệ và công sức để đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần cho quê hương ngày càng no ấm, giàu đẹp hơn.

Chia sẻ bài viết