03/03/2015 - 21:43

Năng động để hội nhập

Sự phát triển công nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào tiến trình công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên ngành công nghiệp của thành phố Cần Thơ hiện vẫn chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao. Làm gì để ngành công nghiệp trở thành đầu tàu ĐBSCL là thách thức lớn cho thành phố hiện nay.

Tăng nhưng chưa bền vững

Thống kê của Sở Công thương TP Cần Thơ, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp trong giai đoạn 2004 - 2014 đạt 16,54%. Năm 2004, thành phố có 5.334 cơ sở sản xuất công nghiệp, đến năm 2014 khoảng 8.829 cơ sở thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chưa có nhiều mặt hàng tinh chế, giá trị gia tăng cao, năng lực cạnh tranh thấp. Vốn đầu tư cho một số ngành công nghiệp còn hạn chế, chưa có dự án đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Công nghiệp phát triển nhưng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; các khu công nghiệp (KCN) phát triển nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp nhẹ, các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn khiêm tốn; chưa có doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) đầu tư vào các ngành công nghiệp nguồn, công nghiệp công nghệ cao.

 Hoạt động tại một doanh nghiệp may mặc xuất nhập khẩu ở khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.  Ảnh: VĂN CÔNG

Một thực tế khác, ngành công nghiệp hỗ trợ được xem là then chốt thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa vẫn đang loay hoay ở vạch xuất phát. Hiện công nghiệp hỗ trợ của thành phố chủ yếu ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, đa phần là gia công lắp ráp. Dù một số đơn vị đi tiên phong trong phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, như: Cơ khí Sông Hậu, Cao su kỹ thuật cao Trí Tuệ, Cơ khí Thế Dân, Cơ khí Huy Thông, Cơ khí Thành Tiến... song, thị trường tiêu thụ chưa phổ biến, sản phẩm chưa đa dạng về chủng loại. Theo nhận định của Sở Công thương thành phố, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn hiện chủ yếu dựa vào các chính sách phát triển chung của địa phương và những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai để thu hút đầu tư chứ không có gì khác biệt với các ngành công nghiệp khác về mặt chính sách phát triển, các chế độ đãi ngộ. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên thiếu hấp dẫn thu hút các công ty đa quốc gia đầu tư vào để sản xuất các sản phẩm công nghiệp chính của địa phương. Theo ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko, KCN Trà Nóc 1, TP Cần Thơ, phần lớn DN may mặc làm hàng gia công, hơn 90% nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài, chỉ một số lấy từ trong nước như: chỉ, thùng carton, thun… nhưng số lượng cũng rất ít. Công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc tại thành phố cũng khó phát triển vì không có DN làm hàng FOB. Sản xuất hàng FOB đòi hỏi DN phải có vốn lớn để đầu tư.

Năm 2014, theo báo cáo của Sở Công thương thành phố, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước thực hiện 93.362 tỉ đồng, tăng 10,67% so với năm 2013. Trong đó, công nghiệp chế biến ước thực hiện 81.283,87 tỉ đồng, đạt 89,82% so kế hoạch năm và tăng 7,56% so với cùng kỳ; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga, nước thực hiện 11.592,58 tỉ đồng, đạt 176,48% so với kế hoạch và tăng 76,85% so với cùng kỳ;... Phân theo thành phần kinh tế thì kinh tế nhà nước thực hiện 8.453 tỉ đồng; kinh tế ngoài nhà nước 76.109 tỉ đồng, tăng 13,09 % so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 8.800 tỉ đồng, tăng 23,91% so với cùng kỳ. Theo nhận định của các ngành chức năng, công nghiệp thành phố dù tăng trưởng qua từng năm, nhưng thiếu ngành công nghiệp nguồn, không có nhiều DN công nghiệp quy mô lớn đủ sức chi phối sự phát triển. Trong xu thế hội nhập, ngành công nghiệp cần chiến lược bài bản để thật sự lột xác, hội nhập bền vững.

Thay đổi để vươn xa

Thống kê của Sở Công thương thành phố, hiện ngành chế biến nông, thủy sản, tỷ lệ sử dụng công nghệ của Nhật chiếm 35%, Việt Nam 35%, Thái Lan 10%, các nước khác như Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc, Anh chiếm 20%. Các DN rất quan tâm đến việc xây dựng và đã áp dụng một số hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế như: HACCP; ISO 22000:2005; HALAL; BRC; IFS, ISO 9001:2000; ISO 17025:2005;... Ngành xay xát gạo, DN sử dụng thiết bị, máy móc dạng bán tự động chiếm xấp xỉ 93%, số DN có trang bị công nghệ tự động hóa (CNC), lập trình điều khiển logic (PLC) chiếm khoảng 7%. Ngành hóa chất - phân bón sử dụng công nghệ sản xuất bán tự động chiếm xấp xỉ 55%, lập trình điều khiển PLC chiếm khoảng 15%, thủ công 35%. Ngành dệt may và da giày, công nghệ dạng bán tự động chiếm trên 75%, thủ công xấp xỉ 25%. Ngành cơ khí, các DN ngành cơ khí rất quan tâm và mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ mới, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, chủ yếu vẫn là sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất trong nước. Hội nhập kinh tế quốc tế, sân chơi lớn và cạnh tranh bình đẳng là thách thức rất lớn đối với những DN có công nghệ kém, lạc hậu và sản phẩm thiếu hàm lượng chất xám. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong phát triển, đầu tư đổi mới công nghệ nhưng không ít DN trên địa bàn rất quan tâm đến đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại để nâng chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Giám đốc DNTN Trí Tuệ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “DN hiện có 30 lao động, tất cả đều có tay nghề được tuyển chọn từ các trường dạy nghề tại thành phố và được DN đào tạo thực tế. Là DN sản xuất sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp đóng tàu thủy- bạc cao su đỡ trục láp chân vịt cho tàu thủy, ron cao su chịu nhiệt… chúng tôi quan niệm làm sản phẩm nhỏ nhưng ăn chắc, mặc bền. Hội nhập kinh tế quốc tế, trong sân chơi bình đẳng này nếu DN không chủ động, không năng động sẽ rất khó tồn tại vì DN nước ngoài có công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý. Lẽ đó, tôi cũng phải tự học, tìm kiếm các tài liệu nước ngoài, tìm nguyên liệu, phụ gia phù hợp, chất lượng để đưa vào sản xuất, vừa giảm giá thành sản xuất, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm”. Ông Tuệ cho rằng, thành phố có Vườn ươm công nghệ, công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc tại khu công nghiệp Trà Nóc 2, đây là cơ hội lớn cho các DN mới khởi sự. DN Trí Tuệ cũng sẽ khuyến khích công nhân sáng tạo để làm ra những sản phẩm mới, phù hợp với xu thế hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Còn ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản NTSF đang hoạt động tại KCN Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, cho biết: “Năm 2015, các FTA có hiệu lực, TPP kết thúc vòng đàm phán sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn cho DN, nhưng mỗi DN đều có hướng đi riêng. NTSF đã có sự chuẩn bị tốt nhất để vào sân chơi này”. Theo ông Hùng, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của NTSF đạt 42,5 triệu USD, giảm so với 2013 do vấp rào cản chống bán phá giá từ thị trường Mỹ. Thị trường xuất khẩu cá tra đang khó, nhưng DN sẽ tiếp tục tìm thị trường mới để đảm bảo việc làm, đời sống cho hơn 2.000 công nhân.

Trên thực tế, không phải DN nào cũng có sự chuẩn bị tốt để hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng với những kế hoạch mà DN ngành may mặc, thủy sản và cơ khí đang thực hiện sẽ góp phần rất lớn trong thúc đẩy ngành công nghiệp thành phố. Năm 2015, Sở Công thương thành phố có kế hoạch triển khai thực hiện những cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nguyên phụ liệu thay thế nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ; chính sách hỗ trợ các ngành chế biến nông, thủy sản, sản xuất nguyên phụ liệu.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết