22/11/2012 - 20:20

Nâng chất lượng quy hoạch xây dựng để ĐBSCL phát triển bền vững

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1581/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 về Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình đa cực tập trung kết hợp với các hành lang kinh tế đô thị. Trong đó, TP Cần Thơ giữ vai trò là đô thị hạt nhân, trung tâm vùng. Sau 3 năm ban hành quyết định, đến nay, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật khung cấp vùng đã duyệt vẫn chưa thể triển khai đầu tư xây dựng do thiếu kinh phí, quy hoạch còn dàn trải...

Nhiều bất cập…

Công trình cầu Cần Thơ đầu tư từ nguồn vốn ODA. Ảnh: T.H 

Giữa tháng 11-2012, Bộ Xây dựng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban nhằm đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Quyết định 1581/QĐ-TTg. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các dự án hạ tầng kỹ thuật khung cấp vùng đã được lập và phê duyệt, tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều dự án chưa được triển khai đầu tư xây dựng. Mạng lưới đô thị bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng, nhưng chất lượng từng đô thị chưa đáp ứng được thực tế và mục tiêu đồ án đề ra. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy hoạch ngành cấp Chính phủ, cấp tỉnh chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, mâu thuẫn về dự báo. Liên kết vùng và kiểm soát không gian vùng yếu, thiếu các nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Mục tiêu của Quyết định 1581/QĐ-TTg là phát triển cấu trúc không gian toàn vùng theo mô hình đa cực tập trung với Cần Thơ là đô thị hạt nhân kết hợp các hành lang kinh tế sông Tiền, sông Hậu, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cụm các đô thị trung tâm và các đô thị nhỏ được phân bố đều dựa trên các vùng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Bộ Xây dựng đã tổ chức công bố quy hoạch này vào ngày 14-3-2011. Đến nay, các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật trong vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng 2030 (Quyết định 11/2012/QĐ-TTg ngày 10/2/2012); Phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL đến năm 2015, định hướng đến 2020 (Quyết định 638/QĐ-TTg ngày 28/4/2011); quy hoạch thoát nước vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL; quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL; quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL…

Theo Bộ Xây dựng, 13/13 tỉnh, thành trong vùng đã triển khai lập và phê duyệt "quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn đến năm 2020". Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 được lập cho các khu trung tâm hành chính, khu dân cư hoặc các khu chức năng của đô thị, diện tích lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 chiếm 35-75% so với diện tích đất xây dựng đô thị, diện tích quy hoạch chi tiết 1/500 rất ít, hầu hết gắn với dự án đầu tư xây dựng (2-10%). Toàn vùng hiện có 158 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV, 127 đô thị loại V. Toàn vùng có 67% số xã hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới (khoảng 870 xã); Bộ Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 18 khu công nghiệp. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đến nay đạt 30% là phù hợp với dự báo và định hướng của đồ án quy hoạch…

Mặc dù vậy, theo bà Trần Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng), quy hoạch khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp của vùng ĐBSCL chưa triển khai đồng bộ, phụ thuộc vào vốn ngân sách trong đầu tư hạ tầng, việc mời gọi đầu tư còn nhiều hạn chế, trong khi suất đầu tư khá cao. Các quy hoạch vùng, địa phương hầu hết đã được phê duyệt từ năm 2003 và đang triển khai, nhưng đến nay chưa có thay đổi rõ nét, nhất là các quy hoạch chuyên ngành. Theo phản ánh của các địa phương thì quyết định được phê quyệt từ năm 2009, nhưng đến năm 2011 mới công bố, nhiều quy hoạch của địa phương không còn phù hợp và phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung. Điều này rất khó cho địa phương, nhất là trong điều kiện nguồn lực con người, tài chính còn nhiều hạn chế.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo các tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long, Long An, Bến Tre… cũng cho rằng thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực phục vụ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nên đầu tư còn dàn trải. Do vậy, cần thống nhất trong quy hoạch, tránh lãng phí các nguồn lực đầu tư.

Triển khai đồng bộ quy hoạch

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng, cho biết: "Khó khăn lớn nhất đối với triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL là thiếu đơn vị đầu mối cụ thể và có đủ các điều kiện lập kế hoạch triển khai cũng như phân công nhiệm vụ, nguồn lực". Theo ông Tuấn, nguồn kinh phí thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư cho các dự án còn khó khăn (các dự án hạ tầng kỹ thuật có vốn đầu tư lớn, ít sinh lời, đặc biệt là dự án về thoát nước và xử lý nước thải). Một số dự án khó tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn từ nước ngoài khi chưa có quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật vùng tỉnh được duyệt...

Ông Phan Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nói: "Trong quy hoạch vùng ĐBSCL trên từng lĩnh vực cần dựa trên quy hoạch vùng (rác thải vùng, du lịch vùng, giao thông vùng…) do vậy cần có trung tâm điều phối cấp vùng để thực hiện quy hoạch này. Nguồn cân đối của từng tỉnh rất nhỏ, khả năng cân đối cũng rất khó khăn, nên dùng ngân sách đầu tư đô thị lại càng khó và rất cần sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành liên quan. Bởi để quy hoạch khả thi cần vốn đầu tư lớn và cần dựa vào khả năng của Trung ương, địa phương để phân kỳ mốc đầu tư, tập trung đầu tư công trình bức xúc trước, tránh dàn trải. Hiện nay, bộ máy quản lý hạn chế về chuyên môn, cần được bổ sung để ngang tầm quy hoạch đã được duyệt". Nhiều ý kiến cho rằng, cần cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng, không thể khu biệt theo địa phương. Bộ Xây dựng xem xét và quan tâm vốn đầu tư, đặc biệt là dự án vay ODA để nâng cấp đô thị cho vùng.

Theo Sở Xây dựng các địa phương, hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng đầu mối chưa có kế hoạch triển khai cụ thể, gây khó khăn cho tỉnh trong thực hiện quy hoạch của tỉnh, cập nhật quy hoạch. Quy hoạch vùng ĐBSCL chưa tính đến biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như chưa đề ra các giải pháp ứng phó, nên các quy hoạch của vùng cũng kém hiệu quả. Cần sớm nghiên cứu bổ sung quy hoạch vùng ĐBSCL ứng phó với BĐKH. Một số ý kiến đề nghị quy hoạch khu kinh tế ven biển để kết nối với các trục đô thị, các hành lang kinh tế ven biển hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện. Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: "Thách thức của BĐKH, những tác động của nó không thể giải quyết ở tầm địa phương mà cần có sự liên kết vùng, Trung ương để giải quyết. Song song đó, liên kết để phát huy hiệu quả của các quy hoạch, tránh dàn trải trong đầu tư". Điều này cần "nhạc trưởng" điều phối để các quy hoạch đồng bộ hơn.

Ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định: "Có những quy hoạch hiện không còn phù hợp, dàn trải, nếu không khắc phục vấn đề này thì đến năm 2020, ĐBSCL cũng chỉ là vùng tiềm năng chưa được đánh thức. Hiện nay, tỉnh nào cũng có quy hoạch cảng hàng không, cảng sông, cảng biển… điều này rất lãng phí, bởi quy hoạch chưa tính đúng, tính đủ về nhu cầu vận chuyển hàng hóa của vùng". Ông Huỳnh Minh Đoàn cho rằng, cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp thực tế để tạo sức bật thật sự, vực dậy ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù cho vùng để thu hút đầu tư các dự án hạ tầng, đô thị. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển và theo kịp quy hoạch.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết