25/04/2023 - 08:55

Nâng chất lượng điều hành, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Ðây là năm thứ 18 báo cáo thường niên PCI được công bố, dựa trên 10 chỉ số thành phần, 142 chỉ tiêu phản ánh các khía cạnh về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Bên cạnh đó, điểm mới của báo cáo PCI năm 2022 là giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) với mục tiêu hướng các địa phương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo TP Cần Thơ thăm và tìm hiểu hoạt động kinh doanh của siêu thị GO! Cần Thơ.

Nhìn lại sau một năm

Theo ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp (DN), trong đó có 10.590 DN tư nhân và và 1.282 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Báo cáo PCI năm 2022 nổi lên 6 xu hướng chính: chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện theo thời gian; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến song tình trạng phiền hà còn tiếp diễn ở một số lĩnh vực chủ chốt; chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm; tiếp cận thông tin đã thuận lợi hơn so với trước đây nhưng không gian cải thiện vẫn rất lớn; cần rút ngắn khoảng cách thực thi trong chỉ đạo điều hành của cấp tỉnh và việc thực hiện của cấp sở ngành, huyện thị; khó khăn trong thủ tục đất đai vẫn chưa có cải thiện trong nhiều năm qua.

Ðiểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ sáu liên tiếp. So với 17 lần trước, báo cáo lần này chỉ điểm danh 30 địa phương có điểm số PCI cao nhất. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh có năm thứ 6 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI với 72,95/100 điểm. Kế đến Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Ðồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2022. Ðáng lưu ý, năm 2022, PCI của các trung tâm kinh tế lớn đều sụt hạng. Ðơn cử, Hà Nội tụt 10 bậc, từ vị trí thứ 10/2021 xuống vị trí 20/2022; TP Hồ Chí Minh từ vị trí 14/63 tỉnh thành năm 2021 xuống 27/63 tỉnh thành năm 2022. Ðà Nẵng vẫn nằm trong top 10 nhưng thứ tự giảm từ vị trí thứ 4 năm 2021 xuống thứ 9/2022. Ðà suy giảm này thể hiện sự khó khăn mà cộng đồng DN tại các địa phương này đang phải đối mặt.

Riêng TP Cần Thơ có tổng điểm 66,94, xếp hạng thứ 19/30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2022; xếp thứ 3/5 TP trực thuộc Trung ương (sau Hải Phòng, Ðà Nẵng) và ở vị trí 5/13 địa phương vùng ÐBSCL. Trong số 10 chỉ số thành phần được công bố, Cần Thơ có 1 chỉ số thành phần là đào tạo lao động nằm trong top 10 địa phương có điểm số cao nhất theo từng chỉ số thành phần. Ðây cũng là 1 trong 4 chỉ số thành phần tăng điểm so với PCI 2021 cùng với các chỉ số: gia nhập thị trường, chi phí thời gian và cạnh trạnh bình đẳng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: So với năm 2021, điểm số PCI của TP Cần Thơ năm 2022 giảm 1,12 điểm và kết quả xếp hạng tụt 7 bậc. Mặc dù xếp hạng và điểm số PCI năm 2022 của thành phố giảm nhiều so với các năm từ 2016 nhưng điểm số vẫn nằm ở mức trên trung vị cả nước. Trong 5 năm gần nhất (2018-2022) điểm số tổng hợp của Cần Thơ có lúc tăng có lúc giảm nhưng điểm số luôn trên 64 điểm và trên trung vị của cả nước, không có sự thay đổi đột biến tăng điểm quá cao hay giảm điểm quá sâu. Hiện tượng thay đổi điểm tăng/giảm và xếp hạng xảy ra ở hầu như tất cả các tỉnh/thành phố, việc tăng/giảm điểm có nhiều nguyên nhân do khách quan hay chủ quan. Một trong những nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến các trung tâm kinh tế lớn, trong đó có Cần Thơ. Nhưng mặt khác cũng phản ánh TP Cần Thơ vẫn chưa tương xứng với vị trí là địa phương trung tâm của vùng ÐBSCL về dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục… Do vậy, việc đưa ra các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, cấp bách.

Một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Ðây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các DN tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Kết quả năm đầu tiên cho thấy 3 tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là Bắc Ninh, Trà Vinh, Lạng Sơn. Riêng Cần Thơ đạt 14,9 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố.

Nỗ lực cải thiện PCI và PGI

Ðiều tra PCI năm 2022 cho thấy sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN và chính quyền các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế khó khăn cũng được phản ánh rõ khi mức độ lạc quan của DN vẫn còn thấp, cảm nhận về cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại. Những khó khăn, bất cập này cần sự chung tay giải quyết từ chính quyền và sự hỗ trợ đắc lực từ cộng đồng đồng DN.

Ông Trần Việt Trường cho biết: TP Cần Thơ đề ra các giải pháp trước mắt và căn cơ để cải thiện chỉ số PCI. Trong đó, nhóm giải pháp trước mắt gồm: rà soát chỉ số thành phần giảm điểm, có thứ hạng thấp để có biện pháp cải thiện; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, nhất là cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chỉ số thành phần, thứ hạng thấp hoặc giảm điểm… Về giải pháp căn cơ, cần hoàn thiện các chính sách trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố; nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức, người đứng đầu các cấp trong tham mưu, giải quyết công việc; năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò đồng hành hỗ trợ DN; xây dựng chính quyền điện tử; đổi mới chất lượng đối thoại chính quyền và DN. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kế hoạch số 198/KH-UBND về cải thiện PCI TP Cần Thơ năm 2022; rà soát các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch so với tình hình thực tế. Ðặc biệt chú trọng và tập trung đa dạng cách thức đối thoại với doanh nghiệp; cải thiện chất lượng và thời gian cấp các loại giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, quận huyện (DDCI).

Xu thế hiện nay, phát triển sản xuất, kinh doanh phải hài hòa 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. GS.TS Admund J.Malesky, Ðại học Duke, chia sẻ: Chúng tôi mong muốn các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường; DN cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực đánh giá trên diện rộng về mặt phương pháp luận, tính khoa học và tác động chính sách của chỉ số PGI; tham vấn chính quyền các tỉnh, thành phố để tìm hiểu kỹ hơn về những chuyển động mới trong công tác quản trị môi trường và các đánh đổi địa phương đang phải cân nhắc giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường; phân tích định tính sâu hơn về các tỉnh dẫn đầu để xác định và nhân rộng các cách làm thành công.

Chia sẻ bài viết