Khoe giỏ hàng Tết sau buổi mua sắm, cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp, ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều cho biết, giờ chẳng phải lo gì cả, chỉ một buổi sáng mà coi như sắm đủ cả Tết. Hàng hóa rất nhiều, đặc biệt những sản phẩm Việt ngày càng đẹp, chất lượng ngày càng cao; kể cả những món ăn truyền thống cũng rất đa dạng, mang trọn vẹn hương vị vùng miền.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Satra Cần Thơ mở 2 điểm bán hàng Việt cố định tại TP Cần Thơ. Trong ảnh: Khai trương điểm bán hàng Việt Nam tại đường Nguyễn Văn Cừ.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch COVID-19 gây đứt gãy rất nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu giữa các địa phương trên cả nước, nhất là cho vùng ÐBSCL, nhiều nhà phân phối, bán lẻ đã quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động).
Phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, Bộ Công Thương liên tục tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu trên phạm vi toàn quốc. Việc “bắt tay” giữa Bộ Công Thương và hệ thống siêu thị đã giúp sản phẩm của các công ty được tiêu thụ nhiều hơn tại thị trường nội địa, kết nối xuất khẩu ra nước ngoài. Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất gặp gỡ trực tiếp để có những sản phẩm chất lượng tốt nhất nguồn gốc rõ ràng; người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm tốt. Trong đó, Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thông qua các hoạt động kết nối, kể cả trực tuyến nhiều nhà phân phối lớn của TP Hồ Chí Minh đã mở rộng mạng lưới đến các tỉnh, thành phố. Nhờ áp dụng chính sách một giá trên cả nước đã góp phần đồng hành, thực hiện bình ổn thị trường tại các địa phương. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư tại TP Cần Thơ 3 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và 137 cửa hàng tiện ích với tổng vốn đầu tư 3.060 tỉ đồng, góp phần xây dựng hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố và hàng Việt luôn được ưu tiên đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. TP Cần Thơ đã trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của vùng ÐBSCL với hệ thống hạ tầng thương mại với 11 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 137 cửa hàng tiện ích và 107 chợ phân bố tại các quận, huyện.
Thông qua chương trình hợp tác, kết nối cung - cầu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm hiểu, trao đổi sản phẩm, hàng hóa được ký kết giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2020, nhiều hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản Việt giữa các địa phương đã được tổ chức. Các doanh nghiệp trao đổi, tìm hiểu, liên kết và ký kết các hợp đồng mua bán, cung ứng tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền, đa dạng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và sản phẩm Việt.
*
* *
Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 20-4 hằng năm là Ngày “Thương hiệu Việt Nam”. Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát huy giá trị “Thương hiệu Việt Nam” nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các địa phương, từng doanh nghiệp và mỗi cá nhân... Ðặc biệt, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam với biểu trưng Vietnam Value (giá trị Việt Nam) xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thông qua Ðề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020 do Bộ Công Thương thực hiện, đến nay, 61 địa phương trên cả nước đã triển khai chương trình, thiết lập trên 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Ðiểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam.
Trong năm 2019, thực hiện nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc danh mục của Ðề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch và được Bộ Công Thương chấp thuận việc tổ chức Ðiểm bán hàng Việt Nam cố định trên địa bàn thành phố. Ðiểm bán quảng bá những sản phẩm hàng Việt chất lượng cao, hàng đặc sản địa phương đến người tiêu dùng, nơi đây còn tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, tăng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối truyền thống.
Với vị trí thuận lợi, tập trung đông dân cư và thuận tiện nhất để tuyên truyền Cuộc vận động, Trung tâm điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ khai trương điểm bán tại Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods tại Số 135 Phan Ðình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều. Tại đây nguồn hàng Việt luôn được ưu tiên bày bán. Nhờ đó, luôn thu hút đông khách, đặc biệt là khách du lịch đến mua sắm.
Ông Vũ Dương Quân, Giám đốc Trung tâm Ðiều hành Bán lẻ Satra Cần Thơ cho rằng, tỷ lệ hàng Việt Nam Satra luôn trên 90%. Satra mong muốn hợp tác nhiều hơn với các thương hiệu hàng hóa uy tín để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Từ những thành công năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ trích kinh phí từ nguồn xúc tiến đầu tư thương mại của thành phố khai trương thêm điểm bán thứ 2 tại Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods, số 138G2/20, đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Và theo kế hoạch năm 2021, Trung tâm dự kiến sẽ tiếp tục khai trương thêm 2 điểm bán hàng Việt tại TP Cần Thơ.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Ðó thực sự là một thách thức lớn trong việc thực hiện Cuộc vận động. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, thị trường nội địa hiện nay lượng tiêu thụ hàng hóa rất lớn, chính vì vậy cần có nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chất lượng cao.
*
* *
Triển khai thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” xác định: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ; tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mọi người dân Việt Nam trong thực hiện Cuộc vận động. Các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; phát triển và mở rộng thị trường nội địa; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Mở rộng phạm vi, đối tượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu, tăng tính tự chủ của nền kinh tế đất nước trong tình hình mới...Tất cả nhằm mục tiêu nâng cao vị thế hàng Việt, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường trong nước và thế giới.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM