07/05/2020 - 10:44

Nâng cao trách nhiệm, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp 

Cũng như nhiều ngành và lĩnh vực khác, ngành ngân hàng cũng chịu nhiều tác động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Tháng 1, tăng 0,1%; tháng 2 tăng 0,07%; tháng 3 tăng 1,3%; đến 16-4 tăng 0,78% so với cuối năm 2019. Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân ở cùng kỳ năm 2019 là 3,18%. Theo dự kiến của NHNN, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vào khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống; tập trung vào tín dụng các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải xây dựng, lưu trú, ăn uống, dịch vụ, giáo dục và đào tạo… Từ đó, làm tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng rất lớn. Với diễn biến này, dự kiến tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống sẽ có những biến động, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu nợ gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và phương án phục hồi của các TCTD yếu kém.

Dây chuyền chế biến cá thát lát của Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa.

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, các TCTD đang tập trung quyết liệt để triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN (ngày 13-3-2020) của NHNN Việt Nam “Quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19”. Nhằm hỗ trợ kịp thời cho khách hàng, các TCTD đã ban hành các văn bản quy định nội bộ và các văn bản liên quan đến chỉ đạo triển khai thống nhất trong toàn hệ thống về triển khai Thông tư 01 của NHNN. Trên cơ sở đó, các TCTD đã triển khai quán triệt trong toàn hệ thống cũng như tạo cơ chế thuận lợi cho các chi nhánh TCTD trực thuộc tại các tỉnh thành trong việc hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất cho vay đối với các khách hàng ở mức từ 0,5-2% và có một số trường hợp hạ lãi suất đến 2,5%/năm  hoặc 3%/năm tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng hoặc các gói tín dụng ưu đãi cho các khách hàng thuộc lĩnh vực bị thiệt hại nhiều bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm sút; tăng trưởng dư nợ tín dụng mới trong tháng 3 và tháng 4 thấp hơn so với các tháng trước. Do đó, NHNN đã yêu cầu các TCTD quan tâm hơn nữa đến việc cung ứng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án đầu tư khả thi… nhằm đưa các doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Theo các TCTD, do ảnh hưởng dịch bệnh, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, trong số đó có không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm thời đóng cửa. Từ đó, làm cho nhu cầu tín dụng giảm đi rất mạnh. Các nhu cầu của xã hội hiện nay đang giảm về mức tối thiểu, thiết yếu. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực sản xuất cũng đang giảm rất nhiều, kể cả với doanh nghiệp xuất khẩu. Trong giai đoạn khó khăn này, mong muốn của doanh nghiệp là các gói hỗ trợ của ngân hàng đến tay doanh nghiệp nhanh chóng, đúng lúc doanh nghiệp đang gặp khó khăn, về đến tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có như vậy, doanh nghiệp mới thấy được các chính sách của Chính phủ, của NHNN được thực hiện kịp thời. Về phía các TCTD, bên cạnh việc cam kết sẽ hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01 của NHNN, một số TCTD vẫn lo ngại tình trạng gia tăng nợ xấu. Do đó, bên cạnh việc sẵn sàng nguồn cung tín dụng với lãi suất ưu đãi, các TCTD cũng cân nhắc kỹ hơn trong việc thẩm định hồ sơ vay mới để đảm bảo an toàn vốn.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, trong bối cảnh khó khăn, toàn bộ hệ thống các TCTD phải nhìn nhận lại trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với hoạt động an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống, đối với nền kinh tế. Từ đó triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay… Bởi đây cũng chính là triển khai những giải pháp hỗ trợ cho chính hệ thống các TCTD, giúp cho hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Khi các TCTD hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vay vốn cũng là đang có tác dụng hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn. Khách hàng được tháo gỡ khó khăn, được phục hồi sau dịch thì sẽ góp phần giúp hệ thống các TCTD hoạt động an toàn và lành mạnh hơn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
dịch COVID-19