07/06/2018 - 07:01

Nâng cao nhận thức, thói quen tiêu dùng hàng Việt 

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) lan tỏa và đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Thới Lai phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động đưa hàng Việt đảm bảo chất lượng tới tay người dân ở các xã, thị trấn. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thói quen tiêu dùng hàng Việt.

Nhân viên Siêu thị Co.opmart Cần Thơ giới thiệu sản phẩm Việt cho người dân ở thị trấn Thới Lai, trong một chuyến bán hàng lưu động do  huyện Thới Lai phối hợp với Siêu thị Co.opmart Cần Thơ tổ chức vào đầu tháng 6-2018. Ảnh: M.HOA
Nhân viên Siêu thị Co.opmart Cần Thơ giới thiệu sản phẩm Việt cho người dân ở thị trấn Thới Lai, trong một chuyến bán hàng lưu động do  huyện Thới Lai phối hợp với Siêu thị Co.opmart Cần Thơ tổ chức vào đầu tháng 6-2018. Ảnh: M.HOA

Ông Lý Hồng Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thới Lai, cho biết: Thới Lai xác định Cuộc vận động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Thới Lai đã nỗ lực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên bằng nhiều hình thức: thông qua các cuộc họp định kỳ, giao ban, họp tổ dân phố, sinh hoạt đoàn thể; lồng ghép nội dung của Cuộc vận động gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các tuyến đường chính ở các xã, thị trấn... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong mua sắm và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.

Song song đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Thới Lai còn xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình hành động, vận động doanh nghiệp trên địa bàn huyện nâng cao năng lực sản xuất, khẳng định chất lượng hàng hóa và thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng ngày càng tín nhiệm hàng Việt. Năm 2017, Thới Lai đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho 3 doanh nghiệp mua dự trữ hàng hóa, tham gia chương trình bình ổn thị trường; tổ chức 3 điểm bán hàng bình ổn cho các mặt hàng: gạo, đường, muối, sữa, mì, bột ngọt, các loại bánh mứt và văn phòng phẩm… với mức giá thấp hơn giá thị trường từ 5-30%, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng thiết yếu vào các dịp, lễ Tết.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Thới Lai còn tăng cường kết nối cung cầu, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng thông qua hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn và các chuyến bán hàng lưu động về các xã, thị trấn. Trong năm 2017, các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thành công 3 phiên chợ đưa hàng Việt về các xã, thị trấn; thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia. Những tháng đầu năm 2018, huyện Thới Lai kết hợp với Siêu thị Co.opmart Cần Thơ thực hiện phiên chợ bán hàng chính hãng với giá ưu đãi tại khu hành chính huyện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, cho biết: “Tham gia phiên chợ hàng Việt ở huyện Thới Lai, Co.opmart đã mang đến 200 mặt hàng thực phẩm, hóa phẩm,... bán với giá ưu đãi nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Đa phần các mặt hàng của nhiều thương hiệu Việt, như: sữa Vinamilk, bột giặt Lix, nước mắm Nam Ngư,… đã trở nên quen thuộc và được người tiêu dùng ở huyện Thới Lai đón nhận rất nồng nhiệt”. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, hưởng ứng Cuộc vận động trên địa bàn thành phố, hằng năm Co.opmart Cần Thơ tổ chức trên 12 chuyến bán hàng lưu động và đưa hàng Việt về nông thôn ở các quận, huyện. Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá thương hiệu Việt mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận, so sánh chất lượng hàng hóa Việt cũng như phân biệt hàng giả, hàng thật... 

Phần lớn người dân khi đến mua sắm tại các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn hay các chuyến bán hàngViệt lưu động ở huyện Thới Lai đều bày tỏ sự hài lòng với chất lượng, giá cả của hàng hóa Việt. Cô Nguyễn Thị The, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: “Tôi thường hay mua sắm đồ dùng cho gia đình tại các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do địa phương tổ chức, bởi hầu hết các mặt hàng từ bánh kẹo, sữa, cà phê đến các loại bột giặt, nước rửa chén… đều có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng có chất lượng bảo đảm được bán với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu cần thiết cho mỗi gia đình”.  

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Thới Lai, nhờ triển khai nhiều hoạt động thiết thực nên Cuộc vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm, tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng. Song, để Cuộc vận động ngày càng sâu sát thực tế, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp đưa hàng Việt về các xã, thị trấn (mỗi địa phương, đơn vị tổ chức ít nhất một phiên trong năm); tăng cường phối hợp tuyên truyền Cuộc vận động thông qua hoạt động treo panô, áp phích ở những nơi công cộng, địa điểm đông dân cư hay các vị trí dễ nhận diện tại các xã, thị trấn; hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thới Lai treo băng rôn với nội dung hưởng ứng Cuộc vận động tại trụ sở làm việc, các phân xưởng sản xuất... Đồng thời, vận động và khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài huyện cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng cao tính cạnh tranh của hàng Việt. Song song đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Thới Lai tiếp tục phát huy tốt vai trò trong tổ chức tuyên truyền để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

M.HOA

Chia sẻ bài viết