21/07/2014 - 22:20

Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm

Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản cả nước đạt được kết quả khả quan. Song, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế nhất là công tác phân công, phân cấp trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản, nhiều địa phương chưa quyết liệt, công khai xử lý các cơ sở kinh doanh hàng kém chất lượng…

* Nỗ lực của ngành chức năng

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương trình ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP (Thông tư liên tịch số 13). Đồng thời ban hành Quyết định số 297/QĐ-BNN-CB ngày 26-2-2014 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau an toàn", Quyết định số 1267/QĐ-BNN-TY ngày 10-6-2014 phê duyệt Đề án "Bảo đảm ATTP trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014-2020"; triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và đặc biệt đã chú trọng hoạt động truyền thông về đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản. Trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, Bộ NN&PTNT đã phối hợp tốt với các tỉnh, thành phố triển khai tốt các chương trình giám sát quốc gia về ATTP thủy sản; triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại đối với cơ sở sản xuất kinh doanh như: nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, Bộ NN&PTNT còn tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành và tháng hành động về vệ sinh ATTP…

Ngành chức năng tại các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, công khai phân loại A, B, C đối với cơ sở sản xuất kinh doanh như: nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp... theo quy định (ảnh chụp tại một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai).

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nỗ lực hỗ trợ các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản. Qua công tác kiểm tra 6 tháng đầu năm 2014, đã lấy 832 mẫu thủy hải sản nuôi để phân tích dư lượng các vi sinh vật, hóa chất độc hại. Kết quả, số mẫu kiểm tra có dư lượng hóa chất vượt giới hạn cho phép tại khu vực Nam bộ giảm 0,65% so với năm 2013. Đối với cơ sở kinh doanh trong chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản và sản phẩm, tỷ lệ các cơ sở được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu và định kỳ xếp loại A đạt hơn 75%; đối với cơ sở kinh doanh chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm sản, tỷ lệ cơ sở xếp loại C (chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP) được tái kiểm thấp hơn so với năm 2013… Ngoài ra, Bộ NN&PTNT còn phối hợp các tỉnh thành phố đã tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hơn 363 mặt hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu; kiểm tra trên 178.000 tấn thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu đều không phát hiện các trường hợp vi phạm chất lượng ATTP… Song song đó, Bộ NN&PTNT đã giải quyết kịp thời rào cản kỹ thuật an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu, duy trì ổn định xuất khẩu thủy sản tại thị trường truyền thống và khai thông một số thị trường mới.

* Vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo Bộ NN&PTNT, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2014 cả nước dù đạt kết quả khả quan, song vẫn tồn tại nhiều vướng mắc như: việc xây dựng, triển khai cơ chế chính sách tạo động lực khuyến khích hỗ trợ sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng cao, an toàn thực phẩm còn chậm; công tác phân công, phân cấp trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản còn hạn chế. Điển hình như: các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp xếp loại C được tái kiểm còn thấp so với tổng số cơ sở xếp loại C và tỷ lệ cơ sở nâng lên hạng A, B rất thấp. Nhiều địa phương chưa có biện pháp xử lý các cơ sở xếp loại C sau 2 lần kiểm tra, chưa công khai các cơ sở xếp loại A, B, C trên các phương tiện truyền thông… Qua các đợt kiểm tra về các loại vật tư nông nghiệp trên cả nước, 6 tháng đầu năm 2014 đã xử lý 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và 26 sản phẩm phân bón lá và bón rễ; xử lý 318 cửa hàng, địa lý vi phạm. Phối hợp với các tỉnh, thành triển khai kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản trên 14.000 cơ sở kinh doanh, trong đó có hơn 1.500 cơ sở vi phạm…

Theo Thông tư liên tịch số 13, danh mục sản phẩm hay nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành NN&PTNT rất lớn. Nhưng nguồn lực hệ thống còn hạn chế, lãnh đạo các địa phương chưa quan tâm đúng mức dẫn đến khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ của ngành về quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản. Mặt khác, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, chưa chỉ đạo quyết liệt và công khai xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, chưa quan tâm xây dựng và triển khai chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn…

* Tìm giải pháp gỡ khó

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai kế hoạch trọng tâm 6 tháng cuối năm do Bộ NN&PTNT tổ chức. Nhiều đại biểu đã có những kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành chức năng trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Cụ thể như: Cần quyết liệt xử lý vi phạm về vật tư, chất lượng nông sản, nhất là kiên quyết xử lý các cơ sở xếp loại C để hạn chế tình trạng kinh doanh hàng giả, lậu, kém chất lượng trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám Đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Cần xử lý nghiêm, rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc thú y… xếp loại C sau 3 lần kiểm tra không có thay đổi. Tổ chức nhiều chương trình tọa đàm hướng dẫn người dân nhận biết các cơ sở kinh doanh đạt loại A, B… Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện tình trạng cơ sở kinh doanh phân bón giả, thuốc kích thích… không đảm bảo chất lượng không đăng ký kinh doanh vẫn đang hoạt động tràn lan. Do đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh không đăng ký kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật… theo đúng quy định, hướng dẫn của thông tư, văn bản pháp luật...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho rằng: Bước chuyển biến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2014 còn chậm. Để công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản đạt hiệu quả khả quan trong những tháng cuối năm 2014, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản có trọng tâm. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp… để chấn chỉnh tình hình kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu… gây mất ATTP. Trên cơ sở pháp lý kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh loại C theo quy định và công khai thông tin phân loại A, B, C gắn vào sản phẩm để nhân dân biết và lựa chọn. Khuyến khích, vận động người dân tham gia, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản…

M.Hoa

Chia sẻ bài viết