Bài, ảnh: L. MẪN
Việc siết chặt các biện pháp quản lý thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BÐS) không chỉ góp phần tăng thu vào ngân sách nhà nước, mà còn tạo hiệu ứng về ý thức chấp hành pháp luật thuế của người dân. Ngành Thuế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động BÐS…
Ngành Thuế tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Trong ảnh: Một góc Khu tái định cư quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Hiệu quả bước đầu
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, để chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng BÐS, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục thuế địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch BÐS để công khai, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng BÐS.
Ðể đồng bộ triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh BÐS một cách toàn diện, Tổng cục Thuế xây dựng đề án: "Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và BÐS". Bên cạnh đó, triển khai nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí rủi ro đối với hoạt động chuyển nhượng BÐS của hộ gia đình, cá nhân. Ðồng thời, triển khai công tác kiểm tra nội bộ theo chương trình, kế hoạch hoặc đột xuất nhằm kiểm tra tính liêm chính của cán bộ thuế trong công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BÐS.
Tại TP Cần Thơ, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, chia sẻ: Trong năm 2022, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND TP Cần Thơ, Cục Thuế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo ngành về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BÐS. Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc "tiền phòng, hậu kiểm". Cơ quan thuế không được gây khó khăn cho người nộp thuế, không được ngăn chặn việc chuyển nhượng BÐS của người dân, không được gây ách tắc, tồn đọng hồ sơ chuyển nhượng BÐS không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định... Cơ quan thuế thành phố đã tiếp nhận hơn 6.000 hồ sơ chuyển nhượng BÐS do các Văn phòng công chứng trên địa bàn cung cấp để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Với các giải pháp nêu trên đã mang lại hiệu quả tích cực góp phần nâng cao nhận thức của người nộp thuế trong việc thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng BÐS, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Theo Tổng cục Thuế, năm 2022, thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng BÐS, nhận thừa kế và nhận quà tặng đạt hơn 41.000 tỉ đồng, tăng tương ứng 97% (20.000 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2021…
Tăng cường phối hợp
Theo cơ quan thuế, công tác quản lý thuế đối với hoạt động BÐS vẫn còn những khó khăn nhất định. Liên quan đến đất đai hiện có nhiều cơ quan quản lý, tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành chưa đồng bộ. Mặt khác dữ liệu về đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được xây dựng đồng bộ, liên thông để trao đổi phục vụ quản lý thông tin liên quan đến đất. Ðặc biệt, đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng BÐS. Bên cạnh đó, ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của một bộ phận người dân chưa cao, nhận thức về pháp luật còn thấp, không nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.
Theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn. Việc ấn định thuế được thực hiện có hiệu quả chỉ trong trường hợp cơ quan có liên quan (Công an điều tra, Thanh tra kiểm tra…) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế thì mới đủ căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế. Ðiều này trong thực tế đã diễn ra khá phổ biến và việc đã chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra nhưng cơ quan điều tra chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính vì không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế… Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BÐS, ngoài quy định về quản lý thuế cần có quy định đồng bộ và công tác phối hợp của các cơ quan ban ngành có liên quan.
Về phía ngành Thuế, theo ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong năm 2023, ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BÐS. Ðồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong trao đổi thông tin, dữ liệu quản lý. Chẳng hạn, tham mưu xây dựng thỏa thuận phối hợp công tác, trao đổi thông tin với Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan về thông tin quản lý, sử dụng và sở hữu nhà của tổ chức, cá nhân; phối hợp, trao đổi thông tin với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thông tin sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu xây dựng ứng dụng, cổng trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp về cơ sở dữ liệu chuyển nhượng BÐS của hệ thống các phòng công chứng… Ngành Thuế cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BÐS để người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng thuận và tự giác chấp hành...