Trong 20 năm qua, Việt Nam xác định cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của cơ quan nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số (CÐS). Số lượng, tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT đã đạt khoảng 81%. Chủ trì Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về CÐS “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT” vừa qua, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung nâng cao chất lượng DVCTT; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa các cấp.
Lãnh đạo TP Cần Thơ, các sở, ngành có liên quan dự Hội nghị nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT vừa qua.
Chuyển giai đoạn phát triển theo chiều sâu
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, khoảng 20 năm qua, các nội dung liên quan đến cung cấp DVCTT được đề cập, thể hiện rõ trong các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước (giai đoạn 2008-2010, giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020) và hiện tại là trong Chương trình CÐS quốc gia, trong Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việt Nam đã qua các giai đoạn phát triển DVCTT: giai đoạn 1 - khởi động (từ năm 2011 đến năm 2019); giai đoạn 2 - phát triển theo chiều rộng (từ năm 2020 đến nay). Ở giai đoạn khởi động, năm 2011 cả nước chỉ có 4/83 cơ quan/địa phương là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, TP Hồ Chí Minh và TP Ðà Nẵng triển khai cung cấp 11 DVCTT mức cao nhất (mức 4), chiếm 0,01% tổng số dịch vụ công và sau đó mức độ tăng trưởng rất chậm, đến hết năm 2019 mới chỉ đạt gần 11%.
Ở giai đoạn phát triển theo chiều rộng, số lượng thủ tục hành chính được đưa lên trực tuyến (bao gồm cả DVCTT một phần và trực tuyến toàn trình) hằng năm tăng trưởng số lượng bằng cả giai đoạn 10 năm trước đó. Cụ thể: số lượng, tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT đạt khoảng 81%; trong đó tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình toàn quốc đạt 55,5%, khối bộ đạt 59,68% và khối địa phương đạt 55,38%. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp khoảng gần 4.400 DVCTT, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện truy cập.
Ðể sẵn sàng cho triển khai DVCTT, hạ tầng, công nghệ được chú trọng đầu tư. Hiện 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số (dân cư, doanh nghiệp, cán bộ công chức, đất đai, bảo hiểm, tài chính) được xây dựng, kết nối chia sẻ, khai thác hiệu quả; 100% các bộ, ngành, địa phương đã được trang bị hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên quy mô quốc gia có cổng dịch vụ công quốc gia; các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực để đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả, lâu dài các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Về hạ tầng công nghệ cho người dân, toàn quốc có 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; có 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 55,25 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID đã được kích hoạt, đạt gần 73% tổng hồ sơ định danh điện tử.
Chuyển sang giai đoạn mới - phát triển theo chiều sâu, mục tiêu cụ thể năm 2024 là đối với các bộ, ngành tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương đạt tối thiểu 30%. Ðến năm 2025, đối với các bộ, ngành đạt tối thiểu 85%, các địa phương đạt tối thiểu 70%. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Khung triển khai DVCTT để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập DVCTT toàn trình.
Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 70%
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: DVCTT là cốt lõi nhất của chính phủ điện tử, xong DVCTT là xong giai đoạn chính phủ điện tử để chuyển sang giai đoạn chính phủ số. Xong DVCTT tức là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đạt trên 70%. Hiện trung bình của các địa phương mới đạt khoảng 18%; trung bình của cả nước (bao gồm các bộ, ngành) đạt 43%. Mục tiêu nước ta đến hết năm 2025, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt trên 70%, đây là mục tiêu rất cao giúp Việt Nam thay đổi căn bản thứ hạng về chính phủ điện tử. Mô hình triển khai DVCTT toàn trình thành công tại TP Ðà Nẵng đã tổng kết kinh nghiệm, bài học thành công và cách làm (gọi là khung triển khai DVCTT) để nhân rộng, phổ cập ra các bộ, ngành và các địa phương. Chúng ta sẽ phấn đấu kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử, DVCTT trong vòng 1 năm nữa.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng, cũng chia sẻ một số giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT tại Ðà Nẵng. Theo ông Lê Trung Chinh, Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ TP Ðà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá liên quan đến CÐS; đó là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm và phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới và nhất là kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Trong đó, chính quyền là tiên phong, người dân và doanh nghiệp là trung tâm và cung cấp dịch vụ công là dịch vụ trọng tâm của chính quyền. Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt các cơ quan, địa phương triển khai tích cực trong CÐS, cung cấp DVCTT; đến nay đã có một số kết quả bước đầu. Ðến hết tháng 7-2024, tỷ lệ DVCTT toàn trình của TP Ðà Nẵng đạt 95%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65%, ngoài ra tỷ lệ số hóa các kết quả thủ tục hành chính từ năm 2023 đến nay đạt 100% (đối với giấy tờ đủ điều kiện), đã có gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số và 1 kho dữ liệu số trên hệ thống chính quyền, đạt tỷ lệ 45%, hơn 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh.
Một số địa phương cũng đang đẩy mạnh cung cấp DVCTT. Như TP Cần Thơ, cổng dịch vụ công TP Cần Thơ và hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Tháng 2-2024, thành phố cũng đã ra mắt Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố, thông qua hoạt động tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm đã góp phần khắc phục được tình trạng chậm trễ, giảm được phiền hà, tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp… Tính đến nay, tổng số hồ sơ trực tuyến của TP Cần Thơ đạt tỷ lệ 71,8%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 50,3%, tỷ lệ tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 9,7%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải chủ động, tích cực vào cuộc, nhất là người đứng đầu; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện DVCTT hướng đến người dân và doanh nghiệp. Tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; trong đó có rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, văn bản vi phạm pháp luật; trên tinh thần chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Mục tiêu là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính; cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ. Khẩn trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính. Sớm trình ban hành đầy đủ các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thủ tục hành chính liên quan. Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng DVCTT; rà soát, đánh giá lại đổi mới cung cấp DVCTT đảm bảo đáp ứng yêu cầu về mức độ thuận lợi, đơn giản, thân thiện với môi trường và người dùng. Thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025 là 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp với hình thức DVCTT toàn trình, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Song song đó, tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ CÐS quốc gia thông suốt, hiệu quả.
Bài, ảnh: ANH KHOA