 |
Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp phát biểu ý kiến. Ảnh: NGUYỄN DÂN (TTXVN) |
Sáng 19-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Nội dung quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập. Đó là pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Một số ý kiến cho rằng: Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp
Việc sửa đổi Luật Đất đai phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở....
* Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp
Thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý. Theo đại biểu quy hoạch sử dụng đất 4 cấp như thời gian qua gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả vì thực tế đa số chính quyền cấp xã không đủ năng lực để làm quy hoạch. Trên cơ sở tán thành với dự thảo Luật, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị bổ sung việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng quy hoạch thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) tâm đắc với nội dung khoản 3 Điều 49: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba (03) năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải hủy bỏ và công bố". Đại biểu đánh giá đây là quy định mới có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng dự án treo như hiện nay. Tuy nhiên, sau 3 năm mà cơ quan có thẩm quyền chưa hoặc không làm thủ tục hủy bỏ dự án và công bố trước nhân dân thì quyền lợi của người dân sẽ không được đảm bảo, người dân vẫn không được sử dụng đầy đủ các quyền trên đất của mình, tình trạng dự án treo vẫn chưa được giải quyết triệt, làm nẩy sinh khiếu kiện kéo dài. Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị bổ sung tiếp sau khoản 3 Điều 49 nội dung: "Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không hoặc chậm hủy bỏ việc công bố thì người chủ sử dụng diện tích đất trên được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình và được pháp luật bảo hộ".
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận cũng có những quan điểm khác đề nghị tiếp tục thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 4 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện và xã), trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện là quy hoạch tổng thể, quy hoạch sử dụng đất cấp xã là quy hoạch thiết kế chi tiết để phục vụ cho công tác quản lý đất đai.
* Đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất
Thảo luận về cơ chế thu hồi đất, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng cần đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất phù hợp với đặc điểm của từng loại đất. Về cơ chế giao đất và thu hồi đất quy định từ điều 16 đến điều 22 của dự thảo Luật cơ bản không khác nhiều so với quy định hiện hành. Theo Điều 17, Nhà nước thu hồi đất trong 3 trường hợp: thứ nhất thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triên kinh tế, xã hội; thứ 2 thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; thứ 3 thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng cơ chế thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp thứ 2 và thứ 3. Với trường hợp thứ nhất, nên áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất đúng thẩm quyền của Nhà nước như Hiến pháp đã quy định, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề xuất này được đại biểu đưa ra dựa trên phân tích tình hình thực tế: "Nhà nước thu hồi nhưng phải bồi thường theo giá thị trường, thì thực chất là mua lại quyền sử dụng của người đang sử dụng đất theo giá thị trường. Nhưng Nhà nước lại áp đặt giá cả khi bồi thường, tự nó đã mâu thuẫn với khái niệm thị trường. Nhưng nếu Nhà nước sử dụng quyền trưng mua, chính nhà nước có quyền định giá trưng mua với quyền hạn của Nhà nước mà Hiến pháp cho phép".
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần xem lại các quy định về cơ chế thu hồi đất. Thực tế những năm vừa qua vì mục đích phát triển kinh tế đã thu hồi nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân gôn
Tuy nhiên có 1 số dự án lại để hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người dân không có đất để canh tác, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân và là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện. Đại biểu Trần Ngọc Vinh phân tích do đất đai cũng là 1 tài sản, hàng hóa nên theo quy định của Hiến pháp không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật sự cần thiết. Để đảm bảo tính hợp hiến, theo đại biểu dự thảo Luật sửa đổi nên quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án với 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
sẽ sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Theo đại biểu, quy định này đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất.
* Sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng. Dự thảo Luật cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đại biểu, những quy định trong dự thảo luật về vấn đề này vẫn chỉ là những quy định chung chung, chưa sát thực tế, vì điều quan trọng mà người dân có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ sẽ ra sao khi đất nhà bị thu hồi, dự thảo Luật lại chưa tính đến". Ban soạn thảo cần nghiên cứu và tính đến vấn đề này. Đại biểu đề nghị cần nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất; nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất...
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: xử lý đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm; thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất...
Trong buổi thảo luận chiều, về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, khái niệm được các đại biểu Quốc hội đề cập đến nhiều nhất là "phù hợp với giá thị trường" trong nguyên tắc xác định giá bồi thường thu hồi đất. Thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi bộ luật có tầm quan trọng đặc biệt này, các đại biểu đề cao mục tiêu giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư khi sửa đổi Luật Đất đai. Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định đầy đủ hơn nữa quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhất là điều kiện thực hiện các quyền; đảm bảo việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai.
Buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị nên hạn chế các trường hợp Nhà nước tiến hành "thu hồi đất". Nhiều ý kiến của các đại biểu không tán thành việc kéo dài thời hạn giao đất lên 50 năm như trong dự thảo, cho rằng việc này sẽ gây nhiều tác động xấu đến hậu quả xã hội. Các đại biểu đề xuất việc kéo dài thời hạn giao đất cần phải được tính toán kỹ, chọn lọc đối tượng phù hợp được kéo dài và đảm bảo nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ việc giao đất sau thu hồi đất; kiên quyết không để tình trạng hoang hóa đất đai sau khi thu hồi trong khi người dân thiếu đất sản xuất.
Kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ khắc phục tình trạng văn bản pháp luật đất đai chồng chéo, các đại biểu cũng kiến nghị phải coi trọng công tác phòng chống tham nhũng theo hướng thắt chặt quyền định đoạt đối với các chủ thể có nguy cơ lạm quyền trong quản lý đất đai.
Hôm nay, (20-11-2012) buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật dự trữ quốc gia, Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật xuất bản (sửa đổi); buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi)".n
Quỳnh Hoa-Quang Vũ (TTXVN)