07/12/2024 - 08:19

Nâng cao chuỗi giá trị ngành trà 

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trà (chè). Thời gian qua, sản phẩm trà của nước ta cũng đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song, do sản phẩm trà tại nhiều địa phương tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm cao cấp nên chưa thể nâng cao giá trị gia tăng.

Trà được trồng tại tỉnh Gia Lai.

Yêu cầu nâng cao giá trị

Cả nước có khoảng 122.400ha trồng trà, với sản lượng đạt hơn 1,12 triệu tấn/năm, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương thuộc vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng Ðồng bằng sông Hồng. Từ năm 2011 đến nay, diện tích trà ở nước ta ít có biến động nhưng năng suất và sản lượng trà tăng liên tục. Nông dân trồng trà cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm đổi mới giống và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện trà của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giai đoạn từ 2014 đến 2024, kim ngạch xuất khẩu trà đạt từ 211-242,2 triệu USD/năm, trong đó cao nhất là vào năm 2019.

Cây trà có lịch sử hàng ngàn năm và gắn liền với đời sống văn hóa của nước ta. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành trà Việt Nam có tiềm năng trong phát triển và thật sự đã có những đóng góp hết sức quý báu trong tiến tình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Cây trà không chỉ giúp "xóa đói, giảm nghèo", cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình mà còn từng bước giúp bà con nông dân có thể vươn lên làm giàu. Cây trà cũng tạo nhiều việc làm cho người lao động, giúp nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp "đứng chân" và gắn bó với các vùng trà, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Hiện Việt Nam là một trong những nước thuộc tốp 5 trên thế giới về xuất khẩu trà. Cây trà không chỉ mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước mà còn góp phần to lớn cho việc định vị sản phẩm nông sản Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới. Tuy vậy, ngành trà chưa thật sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Tới đây, cần nâng cao chuỗi giá trị trà, chú ý tích hợp đa giá trị và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm, nhất là trong bối cảnh diện tích trồng và sản lượng trà khó tăng thêm. Hiện sản phẩm trà tại nhiều địa phương còn tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, thiếu thương hiệu và chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm cao cấp để phục vụ xuất khẩu nên giá trị gia tăng chưa nhiều. Thu nhập của nhiều nông dân hạn chế. So với nhiều nước khác trên thế giới, giá trà xuất khẩu của nước ta còn thấp chỉ bằng khoảng 55% giá bình quân của trà xuất khẩu từ Ấn Ðộ và Sri Lanka...

Cần giải pháp đồng bộ

Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) tổ chức Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ trà chất lượng cao. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền, thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp theo chuỗi ngành hàng để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chú ý công tác chọn giống, chuyển đổi giống mới và thực hiện tốt các khâu quản lý sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm để tạo sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu và đạt theo các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Quan tâm phát triển sản xuất trà gắn với phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường để tạo đa giá trị.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tới đây cần phát triển sản phẩm trà đạt chuẩn hữu cơ bởi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Nếu như năm 2023, tiêu thụ trà hữu cơ trên toàn thế giới đạt giá trị khoảng 1,7 tỉ USD thì đến năm 2031 dự báo có thể đạt 2,83 tỉ USD. Nước ta cũng đã có các diện tích trồng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn, nhưng vẫn còn ít. Hiện mới có 20.000ha trồng trà tại các tỉnh có diện tích trồng trà lớn (như Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái…) đạt theo VietGAP, 1.000ha trà chuẩn hữu cơ và 4.000ha có chứng nhận an toàn.

 Trà cùng với các sản phẩm nông sản của tỉnh Lào Cai được bày bán tại một sự kiện hội chợ triển lãm ở TP Cần Thơ.

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, cho rằng: "Các doanh nghiệp cần vào cuộc để gắn kết chặt cùng nông dân tại các vùng nguyên liệu, đồng thời liên kết với nhau để cùng phát triển, tránh tình trạng tranh mua tranh bán và ghìm giá xuất khẩu chè. Cần chú trọng cải tiến máy móc thiết bị nhà xưởng, xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm chè chất lượng tốt, an toàn để bán được giá cao. Các cơ quan chức năng tại các địa phương phải vào cuộc cùng với các doanh nghiệp và bà con nông dân để tổ chức lại sản xuất". Theo ông Ðoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới, để nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp cần thay đổi về cách tư duy, không chạy theo số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu gắn với nhu cầu thị trường. Thực tế cho thấy, với việc giảm hẳn lượng xuất khẩu trà thô và tập trung nâng cao giá trị gia tăng bằng cách đưa các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất để đa dạng sản phẩm chế biến, công ty đã đưa sản phẩm của mình đi tiêu thụ tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới, với giá tốt.

Theo Cục Trồng trọt, trong định hướng phát triển trà thời gian tới, nước ta đề ra mục tiêu ổn định diện tích 120.000-125.000ha, năng suất đạt khoảng 110 tạ/ha, sản lượng đạt 1,4-1,5 triệu tấn/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 280 triệu USD vào năm 2025 và 300 triệu USD vào năm 2030. Trong Ðề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, trà, điều, hồ tiêu và dừa) đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 431/QÐ-BNN-BNNPTNT ngày 26-1-2024 cũng đã nêu khá rõ các định hướng phát triển cây trà. Theo đó, đến năm 2030, diện tích trà áp dụng quy trình sản xuất GAP và tương đương đạt khoảng trên 70%, diện tích trà được cấp mã số vùng trồng đạt trên 70%. Ở những nơi có điều kiện, gắn phát triển vùng trồng trà với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ. Tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm trà. Ðồng thời, đa dạng hóa sản phẩm trà như trà ô-long, trà túi lọc, trà bột Matcha, trà đỏ (hồng trà), trà trắng (bạch trà), trà ép bánh, trà thảo dược, trà đóng chai... và các sản phẩm trà làm nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, y tế. Áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến và kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến.

 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết