03/02/2013 - 14:38

Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch tài xế

 

Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều về chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại một số cơ sở đào tạo trong cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Xung quanh những vấn đề này, ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, cho biết:

TP Cần Thơ hiện có 13 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; hàng tháng các cơ sở đào tạo trên 1.000 tài xế lái xe ô tô các hạng và trên 4.000 người lái mô tô hạng A1. Trung bình hằng năm, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố đã cấp mới, cấp đổi, cấp lại trên 45.000 giấy phép lái xe (GPLX) các hạng cho người dân trong toàn thành phố. Riêng tháng 12-2012, Sở GTVT thành phố đã cấp, đổi 5.167 GPLX các hạng và 299 bằng thuyền trưởng, máy trưởng cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo lái ô tô, mô tô được đầu tư, đổi mới trang thiết bị dạy học; nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng, điều chỉnh dần phù hợp với thực tiễn; chất lượng bài giảng, bài kiểm tra ngày càng được tăng cường theo qui định của Bộ GTVT và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX, có nơi còn chưa thực hiện nghiêm túc, chưa đúng nội dung chương trình đào tạo; không đảm bảo thời gian thực hành; việc sát hạch lý thuyết chưa được giám sát công khai. Công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng (Sở GTVT, Sở LĐ-TB&XH) đối với các cơ sở đào tạo chưa được kịp thời.

Sở GTVT thành phố đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo và Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ở TP Cần Thơ tập trung đầu tư, bổ sung máy móc, thiết bị để tổ chức thực hiện việc sử dụng GPLX bằng vật liệu PET kể từ 1-10-2012. Đến nay, Sở GTVT thành phố đã cấp được 1.878 GPLX bằng vật liệu PET, theo mẫu mới đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại GPLX (đối với ô tô các hạng).

Năm 2012, các đơn vị vận tải đã đáp ứng đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trên địa bàn thành phố; phương tiện của các đơn vị vận tải đều gắn thiết bị giám sát hành trình đúng qui định. Đây là một trong những yếu tố để quản lý và nâng cao chất lượng vận tải. Các doanh nghiệp vận tải đã cố gắng trong công tác quản lý lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và chấp hành các qui định của Nhà nước. Tuy nhiên, lãnh đạo một số hợp tác xã chưa nghiên cứu sâu văn bản về vận tải, trình độ chuyên môn của một số hợp tác xã còn hạn chế, từ đó, công tác quản lý lái xe và nhân viên phục vụ chưa được quan tâm; một số xe chỉ chạy theo lợi nhuận, chưa nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Năm 2013, Sở GTVT thành phố sẽ xây dựng và phát triển dịch vụ vận tải theo hướng hiện đại, phát triển vận tải đa phương thức và có sức cạnh tranh cao giữa các đơn vị vận tải. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách bình quân khoảng 5%/năm, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân khoảng 8%. Vận tải hành khách công cộng tại TP Cần Thơ đạt tỷ lệ từ 10%-15% nhu cầu đi lại. Đồng thời, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức người lái xe cho các lái xe và nhân viên phục trên xe; phối hợp với các phòng, ban trực thuộc Sở và cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra quản lý để công tác vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải ngày càng tốt hơn...

Đối với việc phát triển vận tải hành khách công cộng, hiện thành phố có 5 tuyến xe buýt đang hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ và 3 tuyến Cần Thơ- Vĩnh Long; một tuyến Cần Thơ- Đại Ngãi. Hiện Sở GTVT đang hoàn chỉnh qui hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 và định hướng năm 2030 trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Nếu qui hoạch này được phê duyệt sẽ góp phần giảm thiểu TNGT, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Xuân Đào (thực hiện)

Chia sẻ bài viết