Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang
Chẳng mấy chốc mà sầm sập hết năm. Bà Nga lôi từ cái hòm gỗ ra cuốn sổ dày cộp, lật mấy trang sổ ghi chi chít những con số. Ðó là cuốn sổ ghi nợ khách đến mua hàng. Có những nhà kéo dài cả mấy trang giấy chỉ thấy cộng thêm. Con bà hay nói: “Buôn bán như mẹ mà không phải đóng quán vì thua lỗ là may”. Bà cười: “Chứ biết sao. Ai mà chẳng có lúc khó khăn”. Nói vậy nhưng có khi cho nợ nhiều quá bà chẳng có tiền nhập thêm hàng mới. Nên mấy ngày cuối năm bà mang sổ đi dọc làng trên xóm dưới.
Nhưng mà làng này ai còn lạ tính bà. Có bao giờ bà nặng lời với ai, ngay cả khi đòi nợ. Bà đến nhà Vinh đúng bữa cơm trưa. Trời đánh còn tránh miếng ăn, nghĩ thế nên bà chẳng dám nhắc gì chuyện tiền nong. Nhưng chị vợ vốn hiểu chuyện, tần ngần:
- Cháu biết năm Tết đến phải thanh toán nợ nần cho cô. Nhưng ngặt nỗi dịch bệnh, chồng cháu không đi làm được. Cháu thì chợ búa hôm được hôm không. Nuôi hai đứa con ăn học cũng tốn...
- Thôi. Cô biết rồi. Lúc nào có thì trả cho cô còn xoay xở tiền hàng.
Bà ra về, ngửa chiếc nón đựng mớ rau mồng tơi non mơn mởn mà vợ Vinh vừa mới hái cho. Biết cho vợ chồng Vinh nợ thì khó đòi vì nhà ấy hoàn cảnh lắm, nhưng được cái chị vợ thỉnh thoảng ra đồng bắt được con cua mớ tép đều ghé qua quán chia cho bà một ít. Rồi mùa nào thức ấy, vườn nhà có gì vợ chồng Vinh hay sai đứa nhỏ mang ra cho bà Nga. Thỉnh thoảng bà lại dúi cho con bé hộp sữa, gói kẹo. Bà nghĩ đời người ai muốn ngửa tay đi vay nợ hay mua chịu. Chẳng qua là hoàn cảnh đẩy đưa. Trước bà cũng chạy ăn từng bữa, chắp vá vay mượn khắp nơi.
Cứ cuối năm nhiều người dừng xe ở quán bà, thả bịch xuống đất vài bao lúa, bắp, khoai... miệng cười bảo: “Trừ nợ cho cháu bà Nga ơi”. Bà tính nhẩm trong đầu theo giá thị trường, cầm cuốn sổ gạch đi vài khoản nợ. Có khi người ta mang đến thau cá kéo dưới đồng trừ nợ. Bà vui vẻ “Cá để Tết mấy đứa nhỏ về nấu lẩu. Còn thì kho một nồi to ăn cho đỡ ngán thịt thà”.
Mấy đứa con của bà vẫn hay càm ràm mỗi khi thấy ai đó mang đồ gán nợ. Cũng có khi là chiếc xe máy cũ, kêu bành bạch, khói tỏa mịt mù. Có khi cô bán dao mang đến một lố không biết xài đến bao giờ mới hết. Chẳng sao cả, xe máy bà Nga mang cho một người mẹ đơn thân trong làng. Mấy con dao cũng chẳng biết bà chia cho anh em, hàng xóm hết lúc nào. Thỉnh thoảng có ai đó để lại quán bà vài cuốn sách. Bà yên tâm rằng sách là thứ duy nhất người ta không dùng để gán nợ. Họ để đó vì biết bà Nga mê sách lắm. Nhiều khi bà ngồi đó chìm đắm vào chữ nghĩa, khách đến gọi mãi mới chịu ngẩng lên. Có khi đọc sách mà khóc ngon lành, tại thương thằng Hết, con Hoài, cái Hảo trong “Hiu hiu gió bấc” của Nguyễn Ngọc Tư. Có hôm thấy bà vào ra vui vẻ, thì cô con dâu biết là do bà đọc cuốn sách có kết hạnh phúc.
Nhà chỉ có cô con dâu là hợp tính bà. Con bé tên Hương, ai mua chịu cũng cho. Hương mồ côi từ nhỏ, do cậu mợ nuôi lớn. Bà coi Hương như con gái, bù đắp tình mẫu tử mà Hương thiếu thốn từ lúc nhỏ. Vợ chồng con trai cũng có lúc cãi vã. Dân làng chỉ thấy bà vác chổi dồn con trai chứ chưa bao giờ thấy bà mắng mỏ con dâu.
Gần cuối năm quán tạp hóa của bà đông nghịt khách. Người nào cũng thùng to, thùng nhỏ mua sắm trước hành tỏi, mắm muối để cận Tết đỡ phải chi tiêu nhiều, xót ruột. Vài người ngại ngần bảo: “Ðể tháng sau có thưởng Tết em trả luôn một thể”. Bà Nga còn đang mải cạo cái chân giò hầm cháo cho con dâu ăn nhiều sữa nên gật đầu: “Cứ lấy đi”. Từ hồi bà Nga có cháu nội, khách đến mua hàng hay hỏi thằng nhỏ ngoan không? Có quấy đêm không? Mẹ có nhiều sữa không? Lần sau khách đến xách theo ít hạt sen bảo hầm cháo cho mẹ nó ăn, tốt lắm. Có người đi chùa về gửi cho thằng nhỏ chiếc vòng dâu tằm cầu bình an, khỏe mạnh. Hôm nào lặng gió, trời nắng ấm, bà bế đứa nhỏ ra quán ngồi đung đưa võng. Khách đi qua thấy bà đang ru cháu: “Ơ… cây xanh thì lá cũng xanh. Cha mẹ hiền lành ơ…ơ… để đức cho con”. Giọng bà ru ngọt như mật mía…
Cuốn sổ bỏ vào hòm khóa lại, năm mới ghi sổ mới. Chỉ ai đến trả nợ bà mới lôi cuốn sổ cũ ra, gạch đi vài con số. Người đến trả nợ hỏi nhau vụ đông xuân này cấy giống lúa gì? Năm nay cau lên giá, bán có được nhiều tiền không? Giữa chừng những câu chuyện ấy vài tiếng cười cất lên. Ðấy là lúc họ quên đi khó khăn để kể với nhau về một cái Tết sum vầy.