08/01/2021 - 09:33

Nắm bắt thời cơ, khơi thông nguồn lực 

Ngày 1-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP "Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021". Khởi động năm mới, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thống nhất quan điểm tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số… nhằm thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021.

Ổn định nền tảng vĩ mô

Theo Nghị quyết 01, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không. Trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ… vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2021. Bởi năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Khí thế lao động sôi nổi tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu đầu năm mới.

Khí thế lao động sôi nổi tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu đầu năm mới.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực, ý chí vươn lên mạnh mẽ, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì thế ngay từ đầu năm nay phải bắt tay vào việc ngay. Ðể phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững phải duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững, mọi ngành mọi cấp phải đặt ra vấn đề này, không để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp. Các cân đối vĩ mô cần được quan tâm ở mọi cấp, mọi ngành, nhất là các ngành kinh tế tổng hợp như Ngân hàng, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Ðầu tư... Cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các công cụ chính sách nhất là về tài khóa, tiền tệ; nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là tài chính ngân sách, thương mại, đầu tư, lương thực, năng lượng và đảm bảo hệ thống tài chính, tiền tệ, tín dụng ngân hàng, chứng khoán phát triển lành mạnh, hiệu quả. Tiếp tục phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô đã được dày công gầy dựng rất thành công, nhất là trong năm qua. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng, không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc về vĩ mô mà còn đảm bảo việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng an ninh; góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. Cỗ xe tam mã là sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu phải được vận hành đồng bộ, quyết liệt.

Quyết tâm tiến bước

Năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) được Quốc hội giao là khoảng 6%; Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu khoảng 6,5% để làm tiền đề cho cả nhiệm kỳ. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng, năm 2021, ngành Tài chính sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn, giảm giá các khoản thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch. Tuy nhiên, việc đề xuất các chính sách phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đề nghị các ngành, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, chống thất thu, chuyển giá, trốn nợ thuế, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế xuống dưới 5% và phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước tối thiểu 3% so với dự toán Trung ương giao. Các bộ, ngành, địa phương cần tuân thủ các quy định về quản lý ngân sách nhà nước; khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong giao vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn khó khăn, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2021, khó khăn vẫn còn tiếp diễn do dịch bệnh, thiên tai và sự cạnh tranh thị trường khốc liệt. Song với quyết tâm chung, ngành Nông nghiệp sẽ quyết tâm hơn nữa, cùng các bộ, ban, ngành thực hiện chủ trương của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục khai thác tốt nhất nội lực chính từ người dân, để trên đà thắng lợi tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, khu vực nông thôn phát triển giàu bản sắc. Bộ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01, tập trung cho các công việc trước mắt, từ mùa vụ, chuẩn bị cho Tết. Cuối tháng 1, đầu tháng 2 triển khai tiếp tục Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 cùng với Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đã có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó, có nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là tiếp tục phát triển thị trường, bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Tổ chức thực thi pháp luật nhất là hoàn thiện cơ sở pháp lý, khuôn khổ pháp luật nhằm khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để khai thác và phát huy tốt thị trường nội địa, đặc biệt là trong việc hình thành, tiếp tục phát triển các trung tâm logistics lớn của cả nước, các trung tâm phân phối lớn. Tổ chức các điều kiện để gắn kết các chuỗi cung ứng, gắn với các chuỗi phân phối, với các khu vực sản xuất, với công tác phát triển và bảo vệ thị trường để phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Doanh nghiệp và Chính phủ cần tiếp tục đồng hành trong thực hiện phát triển thương mại điện tử và đặc biệt là chuyển đổi số. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, năm 2020, nhờ linh hoạt phát huy, khai thác tốt những nền tảng số cùng các cơ chế của thương mại điện tử, chúng ta đã đạt được các chỉ số vô cùng ấn tượng.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết