04/08/2016 - 20:34

Nắm bắt cơ hội, chủ động hội nhập

Tiến trình hội nhập, đòi hỏi sự năng động nắm bắt cơ hội cũng như sớm nhận diện những thách thức để vượt khó vươn lên. Ý thức được điều đó, nhiều bạn trẻ đã chủ động tham gia làm việc trong môi trường đa quốc gia, các dự án, chương trình tình nguyện quốc tế hoặc các diễn đàn trao đổi văn hóa. Cùng với đó là hàng chục câu lạc bộ kỹ năng, ngoại ngữ được củng cố, thành lập đã tạo cơ hội để các bạn trẻ cần trau dồi thêm kỹ năng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa, xã hội của các quốc gia trong khu vực.

* Học hỏi bạn bè quốc tế…

Cuối tuần, khuôn viên Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) rộn vang tiếng nói cười bởi nhóm sinh viên Mỹ đang dạy tiếng Anh. Tiết dạy ngoại ngữ của các tình nguyện viên người Mỹ khá sinh động - học tiếng Anh qua cách chơi thể thao. Đó là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Coach for College" do Tổ chức phi Chính phủ Đông Tây Hội Ngộ tổ chức tại 3 huyện: Long Mỹ, Vị Thủy và Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Chương trình diễn ra từ cuối tháng 5 đến tháng 8-2016, thu hút gần 100 sinh viên các trường đại học Hoa Kỳ và Việt Nam tham gia. Dự án được khởi xướng từ năm 2008 với mục tiêu tạo môi trường đa văn hóa giúp học sinh, sinh viên nâng cao hiểu biết về văn hóa, kỹ năng mềm trong xu thế hội nhập quốc tế. Gần 4 năm tham gia làm tình nguyện viên rồi Trợ lý Dự án đã giúp Nguyễn Thị Minh Luân (quê ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có thêm nhiều trải nghiệm bổ ích. Qua 9 năm triển khai dự án tại Hậu Giang thì Luân đã có khoảng nửa thời gian tham gia hướng dẫn nhiều đoàn sinh viên Mỹ tổ chức ôn tập hè, phụ đạo các môn văn hóa (Toán, Vật lý, Sinh học và Anh văn) cho học sinh nghèo. Luân khá ấn tượng bởi cách dạy của các sinh viên Mỹ khi lồng ghép hướng dẫn các môn thể thao truyền thống (bóng chày, tennis), văn hóa của đất nước bạn đến học sinh, sinh viên nước ta.

Từng tốt nghiệp ngành Kế toán, nhưng qua gần 4 năm gắn bó với công tác xã hội (chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực giáo dục) đã thắp lên trong lòng Luân ước mơ trở thành nhà quản lý giáo dục. Luân chia sẻ: "Nếu không có gì thay đổi, năm sau tôi du học ở Anh chuyên ngành Quản lý giáo dục. Sau khi tốt nghiệp, tôi dự định sẽ tiếp tục làm việc trong một tổ chức phi chính phủ với mong muốn kết nối những tấm lòng thiện nguyện của các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới". Khoảng thời gian dài làm việc trong môi trường đa quốc gia giúp Luân học được nhiều điều bổ ích, từ việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, phương pháp học tập của sinh viên nước ngoài, đến văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán ở các quốc gia khác nhau. Đáp lại, trong quá trình triển khai dự án, Luân luôn dành thời gian để giới thiệu cho sinh viên Mỹ về lịch sử - văn hóa của Việt Nam thông qua những trải nghiệm thực tế tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Khoảng thời gian 3 tuần tham gia dự án đã để lại trong Eric Ng - sinh viên Trường Đại học Columbia, nhiều kỷ niệm đẹp. Eric tâm sự: "Truyền thống lịch sử, các khu chợ địa phương và cả bữa ăn ấm cúng hằng ngày là những vẻ đẹp riêng mà chỉ có ở Việt Nam. Và hơn hết là người dân luôn hiếu khách, tử tế và gần gũi mỗi khi tôi cần sự giúp đỡ".

Sinh viên Mỹ và Việt Nam tình nguyện ôn tập hè cho học sinh Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang).

Hồ Phước Đường, hiện đang làm việc tại Công ty Euro Medical, kể: khi còn là sinh viên, Đường từng tham gia chương trình Mekong Delta do Trung tâm sức khỏe và lao động Tokyo, Tổ chức Lao động quốc tế tiểu vùng Đông Nam Á - Châu Á Thái Bình Dương phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ. Bên cạnh có cơ hội rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, Phước Đường ấn tượng bởi phong cách làm việc chuyên nghiệp của các giáo sư, cán bộ, sinh viên Nhật Bản. Trong các buổi hội thảo, thảo luận về một hoạt động thực tế, cán bộ và sinh viên người Nhật đều có mặt đầy đủ, đúng giờ và luôn thể hiện vai trò chủ động, đề xuất nhiều ý tưởng độc đáo và chấp nhận làm việc khó, đi nơi xa. Thái độ làm việc nghiêm túc, cách ứng xử nhã nhặn, lịch thiệp của người Nhật đã giúp Đường thay đổi cách làm việc, kỷ luật và chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh sự năng động của các bạn trẻ, nhiều thanh niên cũng tích cực tham gia diễn đàn, chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế, qua đó giúp các bạn trẻ nâng cao kiến thức hội nhập, thể hiện tiếng nói của tuổi trẻ Việt Nam trước những vấn đề thanh niên khu vực quan tâm.

* Giúp thanh niên hội nhập

Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi người trẻ phải tự học nâng cao kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng tham gia vào sân chơi lớn. Để tạo môi trường giúp thanh niên hội nhập, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố đã tổ chức nhiều sân chơi cho đoàn viên, sinh viên nâng cao ý thức của việc học tiếng Anh. Điển hình như cuộc thi Olympic tiếng Anh trong sinh viên, thi hùng biện tiếng Anh. Các cơ sở Đoàn - Hội còn tổ chức Ngày hội Cộng đồng ASEAN, lồng ghép phổ biến về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng mềm nhằm nâng cao ý thức, tác phong làm việc chuyên nghiệp cho sinh viên trong môi trường cạnh tranh lao động ngày càng khốc liệt. Theo anh Viên Tuấn Thanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên TP Cần Thơ, sắp tới Trung tâm sẽ phối hợp triển khai mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Up Green Life. Một trong những hoạt động trọng tâm là mở các lớp huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng xin việc, kết nối sinh viên với doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nguồn lao động trẻ nước ta so với các nước trong khu vực.

Đoàn Trường Đại học Cần Thơ thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp sinh viên tìm hiểu về Cộng đồng ASEAN. Trong ảnh là hoạt động tại Ngày hội Cộng đồng ASEAN.

Nhiều sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố hăng hái tham gia làm tình nguyện viên trong các hoạt động trao đổi học thuật, các đoàn sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam. Điển hình như Phạm Thị Điệp, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Cần Thơ) có những trải nghiệm thú vị khi làm tình nguyện viên cho Đoàn sinh viên Trường Đại học Montana (Mỹ) có chuyến tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống sinh hoạt, thiên nhiên của người dân miền Tây Nam Bộ. Một cách đầy hứng thú Điệp cùng các sinh viên Mỹ tìm hiểu sự đa dạng, trù phú của thiên nhiên miền Tây, cùng chia sẻ quan điểm về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu mà ĐBSCL là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trong những ngày rong ruổi qua các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ... các sinh viên Trường Đại học Montana không khỏi ngạc nhiên khi được người dân hướng dẫn giăng lưới, bắt cá và tham quan các mô hình canh tác của nông dân như trồng lúa nuôi tôm, vườn ao chuồng, đến những vùng đất bị xói mòn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Không chỉ chia sẻ thông tin về những vấn đề mà giới trẻ toàn cầu quan tâm, Điệp cảm thấy vui khi nghe nhiều sinh viên Mỹ cùng lên kế hoạch trở lại nơi đây để hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Các hoạt động tình nguyện quốc tế, trao đổi sinh viên thu hút ngày càng nhiều sinh viên trong và ngoài nước tham gia. Tiêu biểu như Đoàn Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Incheon (Hàn Quốc) tổ chức hoạt động xã hội, tình nguyện hè; Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tiếp nhận sinh viên Hàn Quốc tham gia Mùa hè xanh. Còn nhớ Lee Sung Hye, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Incheon (Hàn Quốc) trong lần đầu đến Cần Thơ tham gia hoạt động hè đã rất xúc động khi một tình nguyện viên đoàn Cần Thơ nói về món ăn, điệu múa truyền thống của Hàn Quốc. Điều đó thôi thúc anh nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa và phong tục, tập quán của người dân Việt Nam. Lee Sung Hye chia sẻ: "Các hoạt động giao lưu văn hóa, tình nguyện là cầu nối để giới trẻ 2 quốc gia hiểu nhau, từ văn hóa, giáo dục đến những hoạt động xã hội, tình nguyện quốc tế".

Bên cạnh những hoạt động trên, thời gian qua, nhiều bạn trẻ còn tham gia nhiều chương trình, diễn đàn giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ASEAN đã góp phần nâng cao hình ảnh tuổi trẻ Việt Nam năng động, bản lĩnh, sẵn sàng trao đổi và đóng góp chung vào những vấn đề mà thanh niên khu vực quan tâm chia sẻ… Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập, các bạn trẻ cần nỗ lực nhiều hơn nữa vượt qua rào cản ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để nắm bắt cơ hội phát triển, tự tin là những công dân trong Cộng đồng ASEAN.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết