10/11/2016 - 14:41

Nắm bắt cơ hội!

Những năm gần đây, vào khoảng năm 2015, khái niệm "Internet of Things" (IoT) mới được nhắc đến nhiều tại Việt Nam thông qua các hội thảo, hội nghị về xu hướng công nghệ. Hiểu một cách đơn giản, IoT có nghĩa là tất cả mọi vật dụng trong cuộc sống đều có thể kết nối với nhau qua mạng Internet, với những chức năng giao tiếp, tương tác để phục vụ nhu cầu con người. Theo các chuyên gia mạng, IoT được xem là giải pháp tối ưu mà qua đó các cá nhân, doanh nghiệp (DN) có thể xây dựng nhiều ý tưởng ứng dụng thiết thực vào cuộc sống.

Nhóm sinh viên trình bày ý tưởng khởi nghiệp truyền thông, quảng cáo với công nghệ thực tế ảo tại Trường Đại học Cần Thơ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4: Cuộc cách mạng dựa trên công nghệ số nhằm tối ưu hóa các quy trình sản xuất và làm cho các sản phẩm ngày càng trở nên thông minh hơn, ứng dụng được trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nhiều giải pháp về xu hướng IoT đã xuất hiện tại Việt Nam, như: giải pháp nhà thông minh, giao thông thông minh, lưới điện thông minh và các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, theo dõi và chăm sóc sức khỏe trong y tế, vận hành và giám sát trong nhà máy… Với hạ tầng Internet băng thông rộng phát triển mạnh mẽ, các chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) nhận định trong vài năm tới, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến, ứng dụng trên nền tảng IoT.

Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ và chính sách nhất quán để phát triển, ứng dụng IoT. Gần đây, các cơ quan chức năng ban hành nhiều văn bản thúc đẩy sự phát triển của CNTT. Điều này kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các DN CNTT, đặc biệt trong nghiên cứu và sáng tạo các sản phẩm công nghệ theo xu hướng mới, trong đó có IoT, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế... Đây được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú hích mạnh mẽ trong việc ứng dụng CNTT trong nhân dân, DN, tổ chức và toàn xã hội. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26-10-2015 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Chương trình gồm 3 hoạt động chính: Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; Phát triển và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước; Phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Theo đó, Quyết định còn đưa ra các giải pháp chủ yếu của Chương trình, như: bảo đảm môi trường pháp lý, bảo đảm hiệu quả ứng dụng CNTT, bảo đảm ứng dụng CNTT đồng bộ, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực, học tập kinh nghiệm quốc tế.

Là cơ quan trực tiếp quản lý ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng, tiếp tục phát triển hạ tầng mạng lưới và các dịch vụ, ứng dụng Internet trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2015, Bộ ban hành Quy hoạch kho số viễn thông để chuẩn bị nguồn tài nguyên viễn thông, Internet đáp ứng xu thế bùng nổ kết nối các loại hình kết nối máy với máy trên nền tảng di động. Trong đó mở rộng không gian kho số cho di động với 6 đầu mã, bố trí riêng 1 đầu mã cho thiết bị IoT. Bộ cũng đang tích cực triển khai Đề án số hóa truyền hình để nhanh chóng giải phóng băng tần 700 MHz của truyền hình phục vụ cho phát triển băng rộng di động. Trong năm 2016, Bộ dự kiến cấp phép triển khai 4G LTE trong năm 2016. Đồng thời, triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn đến 2020 với nguồn vốn khoảng 11.000 tỉ đồng. Trong đó dành khoảng 70% kinh phí để hỗ trợ các DN viễn thông đầu tư thiết lập hạ tầng mạng băng thông rộng di động tại các xã trên toàn quốc chưa có mạng băng rộng. Ngoài ra, hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị, trong lĩnh vực CNTT hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt nhằm giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ ưu việt nhất đến người sử dụng. Với xu hướng phát triển IoT ngày càng mạnh mẽ, hoạt động thường niên của Bộ càng có ý nghĩa thiết thực khi tiếp tục là diễn đàn tạo cơ hội cho các DN Việt nam giới thiệu, xúc tiến đầu tư, thương mại cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam đến các cơ quan nhà nước.

Việt Nam đang phát triển IoT hòa vào xu thế chung toàn cầu. Do vậy, nhiều DN Việt đang nắm bắt cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT cũng như cho ra đời những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn để phục vụ nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Với tất cả điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ và chính sách như trên, DN CNTT và viễn thông Việt cần nắm bắt xu hướng công nghệ, phát huy sáng tạo, tăng cường đầu tư nhân lực để phát triển nhiều hơn nữa các dịch vụ, ứng dụng có giá trị trên nền tảng IoT. Qua đó, đáp ứng nhu cầu người dùng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm CNTT Việt và góp phần vào công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước…

Bài, ảnh: Lạc Mẫn

Chia sẻ bài viết