30/12/2024 - 09:00

Nam Á bất an vì dự án thủy điện khổng lồ mới của Trung Quốc 

Trung Quốc vừa phê duyệt dự án xây dựng một đập thủy điện khổng lồ trên sông Yarlung Tsangpo, có khả năng tạo ra lượng điện gấp 3 lần đập Tam Hiệp. Song, việc xây đập thủy điện trên con sông dài nhất Tây Tạng này đang phải đối mặt những thách thức kỹ thuật chưa từng có.

Ðập Tam Hiệp nhìn từ trên cao. Ảnh: China Daily

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, tổng vốn đầu tư vào con đập nói trên có thể vượt  1.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 137 tỉ USD), lớn hơn bất kỳ dự án hạ tầng đơn lẻ nào khác trên thế giới. Được biết, con đập sẽ được xây dựng ở một trong những khu vực mưa nhiều nhất tại Trung Quốc và dự kiến sẽ tạo ra gần 300 tỉ kWh điện mỗi năm. Trong khi đó, Tam Hiệp, con đập hiện có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới, được thiết kế để tạo ra 88,2 tỉ kWh.

Tuy nhiên, việc xây dựng con đập trên đang phải đối mặt với nhiều thử thách kỹ thuật, bởi sông Yarlung Tsangpo chảy qua Cao nguyên Tây Tạng, tạo ra hẻm núi sâu nhất trên Trái đất với độ chênh lệch về chiều cao “đáng kinh ngạc” lên tới 7.667 mét (sâu gấp đôi hẻm núi Grand Canyon của Mỹ) trước khi chảy đến Ấn Độ, nơi nó được gọi là sông Brahmaputra. Chưa kể, đây còn được cho là dự án rủi ro nhất thế giới vì nó được xây dựng trong khu vực có nhiều hoạt động địa chấn, khiến con đập có khả năng trở thành quả bom nước đối với các cộng đồng hạ lưu ở Ấn Độ và Bangladesh. Con đập bê tông này nằm cách cách biên giới Ấn Độ chỉ 60km.

Giới chuyên gia cảnh báo dự án đầy tham vọng này có thể gây ra hậu quả cả về mặt chính trị lẫn môi trường, bởi nó không đơn thuần là một kế hoạch phát điện mà còn là một động thái địa chính trị, có thể thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Nam Á. Theo giới chuyên gia, con đập có thể đóng vai trò là công cụ để Trung Quốc kiểm soát các nước láng giềng, dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong khu vực về quản lý nước. Neeraj Singh Manhas, Cố vấn đặc biệt của Sáng kiến chính sách South Parley, lo ngại con đập cho phép Trung Quốc tận dụng nguồn nước như một công cụ địa chính trị, có khả năng thao túng dòng chảy của sông để đạt được mục tiêu của nước này. “Đối với Trung Quốc, việc kiểm soát thượng nguồn các con sông lớn mang lại lợi thế trong đàm phán với các quốc gia hạ nguồn” - ông Manhas giải thích.

Đồng quan điểm, Brahma Chellaney, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và là cựu cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, cho rằng với việc xây dựng đập hiện đang di chuyển đến gần các khu vực biên giới, Trung Quốc sẽ có thể tận dụng các dòng chảy xuyên biên giới trong quan hệ với Ấn Độ. Không những vậy, việc Trung Quốc xây dựng đập thủy điện này có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, dẫn đến chu kỳ trả đũa giữa các quốc gia phụ thuộc vào nguồn nước chung, trong bối cảnh các quốc gia đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cũng như quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiết yếu.

Đáng lo ngại, gánh nặng tàn phá môi trường mà siêu dự án có khả năng gây ra sẽ do Bangladesh gánh chịu ở đoạn cuối của dòng sông. Tuy nhiên, thiệt hại về môi trường có thể sẽ lan rộng ra khắp Tây Tạng - một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ không ngừng phản đối việc Trung Quốc xây dựng các dự án thủy điện. New Delhi một mặt từ chối mua điện từ các nhà máy thủy điện được Bắc Kinh đầu tư, mặt khác đề xuất dự án thủy điện trên sông Siang (đoạn thượng lưu của sông Brahmaputra). Dự án này được coi là câu trả lời đối với dự án xây đập thủy điện nói trên của Trung Quốc. Song, giới chuyên gia lập luận rằng chính vị trí địa lý của Ấn Độ sẽ khiến nước này dễ bị tổn thương, bởi New Delhi phụ thuộc rất nhiều vào các con sông bắt nguồn từ Trung Quốc. Bất kỳ sự thay đổi nào đối với dòng nước có thể làm mất ổn định sản lượng nông nghiệp của Ấn Độ, từ đó tạo ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết