Trong hai ngày 6 - 7/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 do Chính phủ tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo chủ chốt 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Hội nghị đã kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009, đồng thời thảo luận về các nội dung trong Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010.
Kết luận Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những đóng góp, kiến nghị của lãnh đạo các địa phương đối với các nhóm giải pháp của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành tiếp thu những ý kiến, sớm hoàn thiện chương trình, kế hoạch công tác theo từng lĩnh vực phụ trách để đảm bảo kết quả cao nhất. Thủ tướng nêu rõ: Năm 2009, bên cạnh những thuận lợi đất nước ta đã gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, thiên tai, dịch bệnh... nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự điều hành quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp, nên đã đạt được những mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đề ra. Nổi bật là ngăn chặn được suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (5,3%) trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh. Kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu gạo tăng 3%; cao su xuất khẩu tăng 10,3% so với năm 2008; kiềm chế được lạm phát, mức bội chi ngân sách được đảm bảo, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt tương đương 42,8% GDP, tăng 15,3% so với năm 2008. An sinh xã hội được đảm bảo với mức chi tăng hơn 60%, tất cả các chính sách đều được tăng thêm, giải quyết tăng lương, trợ cấp xã hội vẫn đúng tiến độ. Công tác cứu trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai được triển khai tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm được 1% so với năm 2008. Công tác phòng chống tham nhũng được duy trì và phát huy hiệu quả.
Chỉ rõ những yếu kém, tồn tại trong công tác điều hành của Chính phủ năm 2009, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa vững chắc, nhập siêu còn cao (21%), bội chi ngân sách vẫn cao, hệ thống ngân hàng chưa vững mạnh; mô hình kinh tế còn nhiều vấn đề; ô nhiễm môi trường còn nặng nề, nhất là tại các khu công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn, tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra... Từng ngành, từng địa phương cần kiểm điểm lại và đề ra các cách giải quyết có hiệu quả - Thủ tướng đề nghị.
Xác định nhiệm vụ nặng nề của Chính phủ trong năm 2010 là phải tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, không để lạm phát tăng cao trở lại... Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu giảm nhập siêu, tìm mọi cách huy động các nguồn lực đầu tư nhất là trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, xây dựng đường giao thông; tăng năng lực sản xuất, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, từng bước tái cấu trúc nền kinh tế. Để thực hiện những mục tiêu đó, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư, đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng. Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường tính ứng dụng của khoa học công nghệ vào sản xuất. Thời gian qua, khoa học công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của xã hội... Thủ tướng bày tỏ mong muốn hệ thống chính quyền các cấp cùng chung nhau giải quyết các điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực, quan tâm đào tạo nghề. Các địa phương cần tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương với những cơ chế thực hiện ổn định, lâu dài: Xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả, phòng tránh thiên tai, đối phó biến đổi khí hậu; điều hành giao thông, các vấn đề bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, phải đảm bảo giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng toàn dân bằng cả sức mạnh tổng hợp của đất nước, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là nòng cốt giữ vững thế trận an ninh nhân dân, từng bước hiện đại hóa trang bị phương tiện, kỹ thuật.
Để đảm bảo công tác thực hiện có hiệu quả, Thủ tướng đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; tăng cường phối hợp để hình thành cơ chế làm việc đẩy nhanh tốc độ giải quyết các công việc; bám sát thực tiễn, phân tích đúng tình hình trong công tác chỉ đạo, điều hành, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; gương mẫu chấp hành nghiêm nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Năm 2010 là năm có nhiều ngày lễ lớn, việc tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội tạo không khí phấn khởi trong nhân dân cần thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Trong thời gian Tết Nguyên đán Canh Dần sắp tới, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thực phẩm, hàng tiêu dùng, giữ vững trật tự an toàn xã hội, quan tâm, lưu ý đến đối tượng người nghèo, các đối tượng chính sách để toàn dân đón một Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
T.T-QUANG VŨ (TTXVN)