* TP Cần Thơ: Nhiều hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
* Kết nối mạng giáo dục cho tất cả các trường
“Bắt đầu từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh đưa các thầy cô giáo đã dạy học từ 10 năm trở lên, rồi 5 năm trở lên ở các vùng rất khó khăn được trở về công tác ở nơi thuận lợi hơn, nếu có nguyện vọng”. Đó là một nội dung được ghi rõ trong Thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân gửi tới các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh, sinh viên nhân kỷ niệm 26 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2008.
Trong thư, Phó Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta rất lo lắng khi tiêu cực, bệnh thành tích, hay rộng hơn là sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội. Chúng ta rất day dứt khi hàng vạn thầy cô giáo phải chấp nhận sự không công bằng để đem cái chữ, ánh sáng cuộc đời cho các em học sinh người dân tộc, các gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bắt đầu từ năm học này, toàn ngành giáo dục phát động phong trào quyên góp hàng năm, vào mỗi mùa hè, để có sách vở, đồ dùng học tập và quần áo cho học sinh vùng miền núi, vùng khó khăn. Nhà nước đã cam kết không để dân đói, ngành giáo dục sẽ bằng nỗ lực của mình và vận động xã hội để các em đủ sách vở, đủ quần áo“.
Bức thư nêu rõ những việc làm và chuyển động của ngành giáo dục thời gian gần đây như: Cuộc vận động Hai không đang đi vào đời sống; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội với hơn 500 thỏa thuận, hợp đồng đào tạo giữa các doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đã được ký kết, có những hợp đồng có giá trị trong thời hạn 10 năm, đào tạo hàng nghìn lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp. Gần 800.000 sinh viên, học sinh đã được vay hơn 5.000 tỉ đồng để học lên cao. Từ năm học 2008-2009 cho phép tất cả các trường phổ thông của cả nước kết nối và sử dụng Internet miễn phí để hiện đại hóa việc dạy và học, việc quản lý nhà trường;
Phó Thủ tướng kêu gọi: Cuộc vận động “Hai không” là cuộc vận động của ngành và cả xã hội để tái tạo môi trường sư phạm lành mạnh, làm nền tảng cho đổi mới giáo dục. Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là nhằm khẳng định vị trí quyết định của người thầy, của hơn một triệu thầy cô giáo là đầu tàu của sự nghiệp đổi mới giáo dục hôm nay. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp triển khai là cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm để giáo dục toàn diện đạo đức, nhân cách cho học sinh Việt Nam. Đó chính là sự cụ thể hóa đòi hỏi thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong giáo dục hiện nay.
* Trong những ngày qua, các đơn vị trường học, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11.
Sáng 19-11-2008, Trường Đại học Cần Thơ, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thạnh tổ chức họp mặt giáo viên tiêu biểu của đơn vị. Tại buổi họp mặt, các nhà giáo đã cùng nhau ôn lại ý nghĩa của Ngày 20-11, truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Từ đó, nhấn mạnh đến vai trò của nhà giáo trong việc thực hiện các cuộc vận động lớn của ngành giáo dục, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương tốt để học sinh, sinh viên noi theo...
Trước đó, ngành giáo dục và đào tạo các quận, huyện: Bình Thủy, Ninh Kiều, Phong Điền, cũng đã tổ chức họp mặt ôn lại truyền thống của ngành, học tập những tấm gương nhà giáo yêu nước qua các thời kỳ. Các đơn vị đều nêu cao quyết tâm thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”...
Dịp này, Trường Đại học Cần Thơ đã vinh danh 19 nhà giáo nổi bật trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả giảng dạy... Phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện cũng đã tuyên dương những trường học đạt thành tích cao, những giáo viên giỏi, giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày 20-11, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thao truyền thống năm 2008 và Hội thi “Tiếng hát Đại học Cần Thơ năm 2008”.
* Chiều 19-11-2008, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) chi nhánh Cần Thơ làm lễ khởi công kết nối mạng giáo dục cho tất cả các trường trên địa bàn thành phố.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, Viettel sẽ hỗ trợ ngành giáo dục xây dựng cơ sở hạ tầng mạng kết nối băng thông rộng (nối mạng Internet) phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học trong cả nước... Giúp cho hệ thống mạng kết nối thông suốt từ cơ quan Bộ GD&ĐT xuống các Sở GD&ĐT và các đơn vị giáo dục đào tạo. Từ đây đến năm 2010, tại TP Cần Thơ sẽ có 377 trường từ mầm non đến đại học được nối mạng.
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá cao nỗ lực của Viettel trong việc góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng chí cũng yêu cầu các ban, ngành liên quan trong thành phố tích cực hỗ trợ Tổng Công ty Viễn thông Quân đội sớm hoàn thành dự án để nhanh chóng triển khai trong toàn ngành giáo dục.
PV (TTXVN) - NHÓM PV-CTV