06/10/2020 - 09:22

Mỹ thấy cơ hội trong xung đột Trung - Ấn 

Vài tuần sau khi Ấn Độ và Trung Quốc nổ ra cuộc đụng độ biên giới được xem là đẫm máu nhất trong vài thập kỷ qua, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, hình ảnh một tàu sân bay vận hành bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tiến vào Vịnh Bengal thu hút nhiều sự chú ý.

Ảnh: NYT

Theo đó, trung tuần tháng 7 vừa qua, Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm Nimitz (ảnh) đến khu vực để tiến hành cuộc tập trận với Hải quân Ấn Ðộ nhằm thúc đẩy sáng kiến “Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc, hoạt động chung này có ý nghĩa lớn hơn. “Nó mang tính biểu tượng, đồng thời báo hiệu cho Bắc Kinh và các quốc gia khác rằng Washington đang đứng về phía New Delhi” - Tanvi Madan, Giám đốc Dự án Ấn Ðộ tại Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận định.

Trong bối cảnh trên, Washington và New Delhi đều thể hiện sự không hài lòng đối với Bắc Kinh, đồng thời ra sức củng cố quan hệ ngoại giao và quân sự giữa 2 nước, được cho có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng chính xung đột biên giới với Trung Quốc đã giúp thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn. Nisha D. Biswal, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam - Trung Á, cho rằng cả Mỹ và Ấn Ðộ đều nhận ra tầm quan trọng của đối phương. Theo bà Biswal, không đáng ngạc nhiên khi New Delhi tìm kiếm đối tác chiến lược và an ninh cùng chí hướng trước lo ngại về tình trạng bất ổn tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Thật ra, quan hệ Washington - New Delhi cũng từng có lúc đầy khó khăn. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã xích lại gần Pakistan - đối thủ của Ấn Ðộ. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Ðộ bắt đầu nồng ấm vào năm 2000, khi Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Ấn Ðộ kể từ năm 1978. Kể từ đó, mọi lãnh đạo Mỹ đều công du Ấn Ðộ và hết lời ca ngợi sự hợp tác giữa Mỹ với nền dân chủ lớn nhất thế giới này.

Mỹ và Ấn Ðộ cho tới nay vẫn chưa chính thức liên minh nhưng xung đột Trung - Ấn được cho có thể khiến Ấn Ðộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản và Úc trong khuôn khổ nhóm “Bộ tứ kim cương (QUAD)”, giúp vô hiệu hóa ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực. QUAD được cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất vào cuối năm 2007 và được xem là “vòng cung dân chủ” của châu Á. Trung Quốc coi đây là mối đe dọa đối với sự thống trị của nước này trong khu vực, tố QUAD là nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương phiên bản châu Á.

Những năm gần đây, Ấn Ðộ đẩy mạnh mua vũ khí từ Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ấn Ðộ đến cuối năm nay dự kiến sẽ mua lượng vũ khí trị giá lên tới 20 tỉ USD của nước này. Ấn Ðộ còn có kế hoạch mua 30 máy bay không người lái (UAV) MQ-9B SkyGuardian do nhà thầu General Atomics (Mỹ) sản xuất, trị giá hơn 3 tỉ USD. Những UAV này có thể được triển khai tới khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc, giúp tăng cường đáng kể khả năng giám sát của Ấn Ðộ.

Hồi tháng 9, Mỹ cũng đã ký thỏa thuận quốc phòng với Maldives - quốc đảo nhỏ bé nằm cạnh Ấn Ðộ, tạo cơ hội cho Washington chống lại sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực.

TRÍ VĂN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết