05/12/2023 - 09:18

Mỹ đưa tên lửa mặt đất mới tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

Đây là kế hoạch thiết lập kho vũ khí đầu tiên của Mỹ trong khu vực kể từ lúc Chiến tranh Lạnh kết thúc, cũng như sau khi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hết hạn vào năm 2019.

Hệ thống HIMARS khai hỏa trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines. Ảnh: Reuters

Nói với trang tin Nikkei, người phát ngôn đơn vị Lục quân thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Rob Phillips cho biết kế hoạch tiến hành vào năm 2024 nhằm tăng cường khả năng răn đe trước Trung Quốc. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Bắc Kinh hiện sở hữu khoảng 1.500 tên lửa có tầm bắn từ 1.000-5.500km. Trong khi đó, quan chức Mỹ tiết lộ tầm bắn của các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất sắp triển khai được cân nhắc trong khoảng 500-2.700km, bao gồm phiên bản trên đất liền của siêu tên lửa phòng không tầm xa Standard Missile-6 (SM-6) và tên lửa hành trình Tomahawk.

Người này không đề cập địa điểm, song chuyên gia Ankit Panda dự đoán các đơn vị tên lửa có khả năng bố trí trên những vùng lãnh thổ của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như đảo Guam. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng đối với hoạt động quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, nằm cách Trung Quốc 4.000km. Lục quân cũng đang tìm cách triển khai luân phiên lực lượng từ đảo này tới các đồng minh châu Á trong tình huống khẩn cấp. Bởi nếu xảy ra xung đột, chẳng hạn như khủng hoảng ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, việc ứng phó sẽ cần đến hệ thống tên lửa có thể tiếp cận mục tiêu ở các tuyến đường thủy chiến lược hoặc trên đất liền của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa phải mở rộng hoạt động gần cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ đảo Okinawa của Nhật Bản đến Đài Loan và Philippines.

Mỹ tăng cường triển khai tên lửa trên mặt đất ở khu vực trong bối cảnh Nhà Trắng chuyển trọng tâm từ cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông sang ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc. Khi xung đột nổ ra, Lục quân sẽ là lực lượng tiên phong cùng với Thủy quân lục chiến tấn công các tàu đối phương là chủ yếu. Theo cố vấn Mark Cancian của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tên lửa Trung Quốc có thể đe dọa các căn cứ hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nên Washington cần năng lực tương tự để tấn công các căn cứ của Trung Quốc mà không gây nguy hiểm cho tàu hoặc máy bay. Với việc triển khai tên lửa tầm trung mới, kế hoạch này giúp hạn chế nguy cơ đối thủ phát hiện và bị tấn công. Tính cơ động và linh hoạt của các đơn vị tên lửa cũng cao hơn do không đòi hỏi đường băng hoặc bến cảng.

Theo Jacob Stokes, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, các đơn vị trên bộ đóng vai trò quan trọng không kém khi vận hành tên lửa trên đất liền và hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhưng xét ở khu vực, giá trị của lực lượng trên bộ Mỹ không sánh được lực lượng trên không, trên biển, không gian mạng và vũ trụ. Để củng cố năng lực,  Lục quân trước đó đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối đất tầm xa có độ chính xác cao (PrSM) cho các đơn vị đồn trú ở ở châu Á với tầm bắn lên tới khoảng 500km, tương thích với Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS). Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW) cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Vấn đề là để các đồng minh đáp ứng và sẵn sàng triển khai luân phiên lực lượng mới của Mỹ còn phụ thuộc rất nhiều vào động lực chính trị. Trước đó, Nhật Bản thể hiện rõ quan điểm không tiếp nhận thêm tên lửa mặt đất từ Mỹ vì lo ngại trở thành mục tiêu trực tiếp của quân đội Trung Quốc. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr thì khẳng định không để Washington sử dụng các căn cứ ở nước này cho hoạt động đáp trả Bắc Kinh.

Theo cảnh báo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đến năm 2030 sẽ có hàng ngàn tên lửa mới hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi Mỹ, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Đài Loan chạy đua mở rộng kho vũ khí. Sự phổ biến này có nguy cơ biến khu vực thành “thùng thuốc súng” bởi nhiều quốc gia trong số đó đang sở hữu năng lực hạt nhân.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết