18/12/2013 - 10:47

Cà Mau

Mừng - lo con tôm “xuất ngoại”

Trên đà tăng trưởng đều đặn như hiện nay, Hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Cà Mau (CASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh cán mốc 1,04 tỉ USD cuối năm 2013, hoàn thành kế hoạch…

Sáng lạn cuối năm

Không nằm ngoài dự báo của ngành chuyên môn, xuất khẩu thủy sản, trong đó có con tôm thêm một năm khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Vựa tôm sú của cả nước - Cà Mau, 2 quý đầu tiên trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản gần như "giậm chân tại chỗ", có thời điểm thấp hơn so cùng kỳ. Nhưng bước sang đầu quý III-2013 lại đón nhận tín hiệu lạc quan khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ công nhận 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không bán phá giá tôm khi xuất sang thị trường Mỹ - chiếm thị phần chủ lực tôm xuất khẩu của Cà Mau. Sau khi rào cản chống bán phá giá được gỡ bỏ; mặt khác dịch bệnh tôm làm suy giảm sản lượng tôm ở các nước nuôi tôm lớn như: Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc…, thị trường xuất khẩu tôm Cà Mau liên tục được mở rộng và chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tại Cà Mau, người nuôi tôm hăm hở cải tạo ao đầm, tái vụ mới nhờ giá tôm tăng cao kỷ lục. Trong số trên 260.000ha nuôi tôm của tỉnh, diện tích nuôi công nghiệp trên 5.500ha hiện đã lấp giống vụ mới, nạn treo đầm, bỏ ao gần như không còn. Anh Ngô Hoàn Tất, có 5 đầm nuôi sú thâm canh ở xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi vừa cải tạo xong đầm nuôi, chuẩn bị thả giống vụ mới cho hay, nhờ tôm sú tăng giá bất ngờ mà vừa rồi anh thu hoạch 5 đầm tôm lời hơn nửa tỉ đồng. Anh Tất hăm hở cho biết: "Nhờ số tiền lời này mà gia đình tôi bù lỗ được mấy vụ thất bát trước đó, mạnh dạn tái đầu tư vì tin tưởng giá tôm tiếp tục khả quan".

Công nhân Tập đoàn thủy sản Minh Phú gấp rút hoàn thành những đơn hàng cuối năm tại phân xưởng chế biến.

Hòa chung niềm vui ấy, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm quy mô lớn tại Cà Mau đang khẩn trương hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu cuối năm trong niềm hân hoan thắng lợi. Tại Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt, 11 tháng đầu năm nay 2013, công ty xuất khẩu được 11.000 tấn tôm (70% là tôm chân trắng, còn lại là tôm sú) với tổng kim ngạch đạt 133 triệu USD, tăng 29 triệu USD so với kim ngạch xuất khẩu chung của cả năm 2012. Còn tại Tập đoàn Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Minh Phú, nếu tính cả các hợp đồng trong tháng 12 này, kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú cán mốc nửa tỉ USD vào cuối năm. Đạt con số nêu trên, thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Minh Phú chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau và giữ vững vị trí tốp đầu các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Minh Phú, mừng rỡ: "Khả năng đạt nửa triệu USD hoàn toàn có thể vì công ty sắp hoàn thành các đơn đặt hàng xuất sang thị trường Mỹ, Nhật, EU".

Khát tôm, cạnh tranh thiếu lành mạnh

Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký VASEP, nguồn tôm nguyên liệu có dấu hiệu phục hồi, giá tôm tăng cao khích lệ tinh thần người nuôi và thị trường xuất khẩu nới rộng là thời cơ cho xuất khẩu tôm Cà Mau. "Với đà tăng trưởng đều như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 sẽ đạt 1,04 tỉ USD theo kế hoạch. Các thị trường chính là Mỹ, Australia, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc" – ông Thuận, dự báo.

Thuận lợi là vậy nhưng đối mặt vụ tôm mới 2014, theo ông Lý Văn Thuận, nạn khát tôm nguyên liệu sẽ khó tránh khỏi vì nhà máy chế biến quá nhiều, vượt xa khả năng cung ứng của người nuôi tại địa phương. Ông Thuận nhẩm tính, với diện tích nuôi hiện có của Cà Mau ở các loại hình nuôi, mỗi năm sản lượng khoảng thủy sản khoảng trên 280 ngàn tấn, trong đó chỉ có khoảng 135.000 tấn tôm nguyên liệu. "Với sản lượng tôm nêu trên chỉ đủ cung ứng cho Minh Phú, Quốc Việt và thêm khoảng 3 nhà máy chế biến nữa nếu họ chạy hết công suất. Trong khi Cà Mau có 33 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản" – ông Thuận cho biết.

Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến năm 2015, ĐBSCL không đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, chỉ tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, vài địa phương có thế mạnh nuôi tôm như Cà Mau, nhà máy thủy sản liên tục được xây mới. Hệ lụy khó tránh khỏi là cung-cầu mất cân đối dẫn đến tranh mua, tranh bán thiếu lành mạnh, gây tổn thất chung cho thị trường tôm xuất khẩu và thiệt thòi cho người nuôi. Ông Trần Văn Của, hộ nuôi tôm công nghiệp ấp Nhị Nguyệt (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi), thẳng thắn: "Mình bán tôm cho thương lái còn tươi xanh, có con còn giãy đành đạch nhưng khi đưa tôm đi chỗ khác, họ lại bơm chích tạp chất vào để tăng lợi nhuận mình làm sao mà biết. Lợi họ hưởng nhưng khi người ăn tôm nước ngoài phát hiện tôm có kháng sinh, tạp chất khiến giá sụt thì người nuôi lãnh đủ".

Trong khi chưa giải được bài toán khát tôm nguyên liệu thì gần đây xuất hiện tình trạng tư thương Trung Quốc núp bóng dưới nhiều hình thức tranh thu mua tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL, thậm chí mua cả tôm có chích tạp chất với giá cao hơn so với mặt bằng giá địa phương, làm rối loạn thị trường tôm nội địa, nguy cơ ảnh hưởng uy tín sản phẩm tôm Việt Nam.

Gắn kết "4 nhà" cho tôm xuất khẩu

Để giải quyết vấn nạn ấy, theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, ngoài giải pháp bình ổn cả về giá và nguồn tôm nguyên liệu, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và xử lý triệt để vấn nạn bơm tạp chất, cần phải liên kết chặt "4 nhà" để bảo vệ quyền lợi bền vững cho người nuôi tôm và doanh nghiệp khi doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nguyên liệu. Bởi theo ông Bằng, tuy đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng người trực tiếp nuôi tôm Cà Mau luôn chịu thiệt thòi. Khảo sát sơ bộ mới đây cho thấy, có tới 95% người nuôi tôm bán sản phẩm trực tiếp cho thương lái; trong khi đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư, chế phẩm sinh học... phải qua đại lý các cấp mới đến người nuôi, giá cả tăng vọt.

Khắc phục tình trạng trên, vụ tôm 2014, ngành nông nghiệp Cà Mau dự kiến thí điểm mô hình liên kết "4 nhà" ở một số vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm nằm trong quy hoạch. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng vật tư, thuốc thú y thủy sản… hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi cho tới khi người nuôi thu hoạch tôm; ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức thế chấp; doanh nghiệp chế biến hỗ trợ người nuôi tôm thông qua tất cả các kích cỡ tôm với giá thị trường, xem xét hỗ trợ giá tôm trong vùng dự án khi người dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp không qua thương lái.

"Nếu cách làm trên thực hiện suôn sẻ và tình hình dịch bệnh đại trà không phát sinh, tôi tin rằng vụ tôm 2014 và xuất khẩu tôm Cà Mau sẽ có nhiều triển vọng" – ông Châu Công Bằng, cho biết.

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ Cà Mau không thay đổi với khoảng 266.000ha và sản lượng dự kiến đạt 298.500 tấn (tăng 3,65% so với 2013). Mô hình nuôi công nghiệp tiếp tục chủ công với khoảng 7.000ha, kế đó là quảng canh cải tiến 60.000ha. Diện tích còn lại là tôm-rừng, tôm lúa kết hợp và nuôi quảng canh. Để giúp người nuôi đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp Cà Mau khuyến cáo chỉ nuôi 1 vụ chính/năm. Với sú thâm canh, thả giống từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, với thẻ chân trắng và sú quảng canh cải tiến nuôi 2 vụ/năm. Thời gian thả giống với thẻ chân trắng từ tháng 1 đến tháng 5 dương lịch; từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch với sú quảng canh cải tiến và từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch vụ tiếp theo với cả tôm thẻ và sú quảng canh cải tiến.

 

Chia sẻ bài viết