07/06/2024 - 11:26

Mùa hè lên rừng 

Du lịch gần gũi với thiên nhiên và trách nhiệm với môi trường đang là xu hướng được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn trong năm nay. Đặc biệt mùa hè năm 2024, xu hướng lên rừng du lịch được nhiều bạn trẻ và các gia đình lựa chọn.

Học sinh trải nghiệm khám phá hệ sinh thái rừng tại VQG Nam Cát Tiên. Ảnh: HaiAu Educursions

Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số lượng khách du lịch tại các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam có khoảng 2,4 triệu lượt khách, tăng 124% so với năm 2019 - thời kỳ trước đại dịch COVID-19, tổng doanh thu tăng 175% so với năm 2019. Như vậy có thể thấy, du lịch lên rừng đang có xu hướng tăng nhanh. Theo đó, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cũng đã xây dựng và giới thiệu các chương trình đa dạng để phục vụ du khách.

Bắt đầu từ  tháng 5, Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương (Ninh Bình) mở tour tham quan bằng xe điện xuyên rừng. Theo tour này, du khách có thể trải nghiệm 5km đường rừng, ngắm đom đóm, khám phá cuộc sống về đêm của các loài động vật hoang dã nơi đây. Với tập tính hoạt động của thú rừng, ban đêm là thời điểm lý tưởng để du khách có thể quan sát và tìm hiểu về các loài động vật quý hiếm như: tê tê, cầy vằn, cầy mực, mèo rừng, rái cá, culi... Tour này có thời gian khoảng 1,5 tiếng, bắt đầu từ 19h-22h hằng ngày.

Tương tự, VQG Nam Cát Tiên (trải dài 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước) là một trong số ít nơi tại Việt Nam cho phép du khách ngắm nhìn đời sống tự nhiên của động vật hoang dã. VQG Nam Cát Tiên có sự đa dạng sinh học bậc nhất ở Việt Nam. Ngoài các loài thú ăn cỏ thường gặp như: nai, hoẵng Nam bộ, heo rừng, nhím, chồn... thì trong các chuyến khám phá rừng về đêm du khách có thể gặp bò tót, cheo, cú mèo... Những năm gần đây, các tour trekking đi bộ xuyên rừng ở VQG Nam Cát Tiên thu hút du khách, bởi cung đường vừa sức, thuận tiện di chuyển, lại có nhiều trải nghiệm phong phú. Đặc biệt hành trình trải nghiệm ngắm các loài thú sinh hoạt về đêm bắt đầu từ 19h đến 21h mỗi ngày. Từ địa điểm xuất phát, hướng dẫn viên sẽ đưa du khách đi xuyên qua những cánh rừng tĩnh lặng, đến những trảng cỏ rộng lớn bằng xe chuyên dụng. Qua ánh đèn pha thi thoảng du khách sẽ được ngắm nhìn hình ảnh heo rừng kiếm ăn ban đêm, chồn hương chuyền mình trên cành cây để tìm trái chín...

Mùa hè cũng là thời điểm thích hợp để khởi động các tour trải nghiệm tại VQG Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), VQG Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận). Điểm độc đáo và cũng được nhiều du khách yêu thích tại hai vườn quốc gia này là trải nghiệm xem rùa đẻ trứng và thả rùa về biển. Theo đó, VQG Côn Đảo là nơi sinh sống của khoảng 1.700 loài sinh vật biển. Nơi đây còn được biết đến là nhà của 5 loài rùa biển: rùa xanh (vích), đồi mồi, rùa đầu to, rùa da, đồi mồi dứa. Côn Đảo hiện có khoảng 18 bãi đẻ trứng của rùa biển. Còn VQG Núi Chúa là nơi duy trì hoạt động bảo tồn, cứu hộ rùa biển. Hằng năm, tại đây có 3 loài rùa biển đến sinh sản gồm: đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa. Vùng biển của VQG Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền, là khu vực thứ hai ở Việt Nam (sau VQG Côn Đảo) có rùa biển lên đẻ trứng. Từ tháng 4 đến tháng 11 là thời điểm thích hợp để tổ chức chương trình xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển. Thời điểm này, buổi tối nước dâng, rùa sẽ lên bờ và chọn bãi biển để đẻ trứng; sau đó lấp ổ bằng cát để bảo vệ trứng rồi trở về biển. Đây cũng là lúc nhân viên kiểm lâm và các tình nguyện viên đem trứng rùa về hồ ấp gần trạm kiểm lâm. Do đó, du khách đến vào thời điểm này có thể vừa xem rùa đẻ trứng vào buổi tối, vừa được thả rùa con về biển vào buổi sáng. Đây không chỉ là trải nghiệm thú vị và hấp dẫn mà còn đặc biệt ý nghĩa đối với những người muốn tìm hiểu về thiên nhiên, động vật. Tour này rất đa dạng, du khách có thể lựa chọn tour nửa ngày, 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm, tùy theo lịch trình phù hợp. Tuy nhiên các tour này đều hạn chế lượt khách do đó cần phải đặt trước.

Trong khi đó, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (thuộc địa phận 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cũng được đông đảo du khách lựa chọn là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch trekking dài ngày. Tại đây có đỉnh Pù Luông cao 1.700m, sở hữu rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại. Đặc biệt, với hệ thống đá karst của hệ sinh thái núi đá vôi đã tạo nên nhiều hang động đẹp, kỳ bí. Theo đó, cung đường trekking ở huyện Bá Thước là một trong những hành trình được yêu thích, nhất là khách quốc tế. Cung đường này có nhiều khám phá đa dạng từ ba bản vùng lõi Pù Luông là Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao) đến đỉnh Pù Luông, Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Đôn (xã Thành Lâm), thác Hiêu (xã Cổ Lũng)...

Ngoài ra, các VQG Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), rừng Madagui (tỉnh Lâm Đồng), VQG Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), VQG Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... là những điểm đến du lịch rừng đang thu hút nhiều du khách hiện nay.

 ÁI LAM

Chia sẻ bài viết