|
Những con sấu nuôi nặng 90 kg. |
Gần đây, các phương tiện truyền thông đưa tin anh Trần Văn Út ở KV1, P.An Bình, Q. Ninh Kiều TP. Cần Thơ, trong lúc mò cá đã phát hiện được một mảng xương hàm trên của cá sấu lớn khổng lồ tại sông Cái Răng, nơi gần Vàm Đầu Sấu khiến cho nhiều người hết sức quan tâm. Nhân dịp này, tôi xin được tham gia một vài ý kiến về sự hình thành địa danh “ Đầu Sấu”.
TỪ CÁ SẤU ĐẾN ĐỊA DANH ĐẦU SẤU:
Nhiều người sống cố cựu ở Cần Thơ từng nghe qua các tên quen thuộc: rạch Đầu Sấu, Vàm Đầu Sấu, cầu Đầu Sấu... Đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu chính thống nào giải thích về sự hình thành của các địa danh nầy, kể cả những cuốn sách có giá trị về địa dư như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Địa chí Cần Thơ của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cần Thơ, Cần Thơ xưa và nay của Huỳnh Minh... Do đó, việc tìm hiểu nguồn gốc địa danh của “ Đầu Sấu” sẽ khó tránh khỏi những suy diễn chủ quan.
Trên vùng đất Nam bộ có nhiều khu vực mà trước kia ông cha ta vừa đặt chân đến đã biết dựa vào sông, núi, cỏ, cây, chim thú, nhân vật, sự tích... để đặt tên cho từng vùng đất, lâu ngày thành một đặc danh và tồn tại mãi đến hôm nay, chẳng hạn như: rạch Cầu Ván, Cầu Đúc, đường Hàng Xoài, rạch Miễu Ông, xóm Bà Đồ...
Chưa ai biết tên “ Đầu Sấu “ ra đời khi nào, nhưng trong dân gian vẫn còn lại một câu chuyện khá lý thú:
“ Vùng sông nước Cái Răng (thuộc Cần Thơ cũ) xưa kia có rất nhiều sấu. Một hôm, trên con sông nầy có diễn ra đám rước dâu bằng thuyền thì bị một con sấu to dùng đuôi quật chìm ghe và gắp cô dâu mang đi mất. Chú rể vô cùng đau xót và căm giận nên đã mời được nhiều thanh niên lực lưỡng đến tìm cách vây bắt. Sau khi tóm cổ được con sấu, chú rể đã tự phanh thây hung thủ và ném xuống sông cho hả giận. Sau đó chỗ nào tắp vào đâu, bà con liền dựa vào đó mà đặt tên cho con rạch. Chỗ phần đầu tắp vào gọi là Đầu Sấu; chỗ phần răng tắp vào gọi là Cái Răng và chỗ phần da tắp vào gọi là Cái Da...”. Đây là một câu chuyện giàu trí tưởng tượng và không kém phần thi vị, người nghe ai cũng lấy làm sảng khoái.
Qua nhiều chuyện kể của các vị bô lão địa phương, được biết Đầu Sấu xưa kia là một vùng đất rộng người thưa, hai bên bờ sông hoang vắng, trên bờ, dưới sông có nhiều động vật hoang dã (1). Nhiều tài liệu cũng cho thấy Hậu Giang thời khẩn hoang là vùng đất “ Dưới sông sấu lội trên bờ cọp um” khiến cho những người đi mở đất vừa đặt chân đến đã gặp cảnh “ Chèo ghe sợ sấu cắn chưn. Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma”. Do đó việc sấu bắt người và sấu bị người giết hại, hay những bộ hài cốt sấu thỉnh thoảng được phát hiện là chuyện không có gì ngạc nhiên, cũng như hằng trăm bộ hài cốt cá Ông ở các vùng biển Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... Nhưng có điều đặc biệt, mảng xương hàm của con cá sấu mà anh Trần Văn Út vừa kéo lên bờ vào lúc 18 giờ ngày 31-8-2010 dường như liên quan đến địa danh “ Đầu Sấu” mà nhiều người đang muốn khám phá.
|
Mảnh xương hàm trên của con sấu do anh Trần Văn Út phát hiện. |
ĐỊA DANH ĐẦU SẤU RA ĐỜI KHI NÀO?
Cụ Trần Văn Tốt, 86 tuổi, gia đình đã nhiều đời sống bằng nghề đáy tại vàm Đầu Sấu đã kể: “ Ông nội tôi tên là Trần Văn Lang, qua đời năm 1942 và cha tôi là Trần Văn Mùi, qua đời năm 1965 đã từng kể cho con cháu biết rạch Đầu Sấu xưa kia rất hoang vắng, dưới sông có nhiều cá to, sấu lớn thường hại người. Khoảng đầu thế kỷ 20 có một phường săn cá sấu người Chà rất nổi tiếng đã giúp dân làng phóng lao giết chết con sấu to bằng chiếc xuồng năm lá, dài trên 6 mét. Đây là con sấu dữ tợn, một “hung thần” trên sông Cái Răng nên sau khi hạ được bà con ai nấy cũng đều vui mừng, xúm nhau chia thịt mang về ăn..” Cũng theo cụ Tốt: “Khi lớn lên (khoảng năm 1940), tôi vẫn còn chứng kiến cảnh làm thịt sấu tại đầu Vàm. Sấu thịt được chở về từ Nam Vang và An Giang bằng xuồng, ghe. Buôn bán rất sung, người mua khá đông giống như một lò mổ. Lúc đó vàm nầy đã có tên là Vàm Đầu Sấu rồi”. Tại KV1, P. An Bình hiện nay vẫn còn một ngôi chùa cổ kính mang tên là chùa ông Vàm Đầu Sấu.
Tìm hiểu những trang sách, tôi may mắn phát hiện ra một chi tiết khá trùng hợp với lời kể của cụ Tốt: “ Sấu có nhiều loại: sấu cá, sấu bưng, sấu mun, sấu hoa cà... Sấu bắt được người ta trói hai bên bờ ghe, thả dưới nước, chèo ghe bán dọc đường từ Nam Vang xuống Cần Thơ ( nay còn chỗ gọi rạch ĐẦU SẤU) hoặc bán vùng Sài Gòn”...(2)
Chợ bán thịt sấu ở chợ Vàm có thể là đầu mối tạo thành địa danh rạch Đầu Sấu, hoặc vàm Đầu Sấu... Do đó, chúng ta có thể nêu lên ba giả thuyết:
- Một là sự kiện con sấu hung dữ do người Chà bắt, trừ hại cho dân lành đã được cư dân đặt tên thành Vàm Đầu Sấu, từ đó hình thành dần dần đến các địa danh rạch Đầu Sấu, cầu Đầu Sấu, chợ Đầu Sấu!
- Hai là chỗ làm thịt sấu ngay tại vàm sông, ghe xuồng tới lui mua bán tấp nập nên bà con mới dựa vào đó mà gọi quen tai thành đặc danh: Vàm Đầu Sấu, rạch Đầu Sấu!
- Ba là do khúc sông nầy quá nhiều sấu dữ lại có thêm chợ bán thịt sấu nên lâu ngày trở thành rạch Đầu Sấu!
Xem ra giả thuyết thứ hai có vẻ hợp lý và dễ thuyết phục hơn. Bởi theo một số vị bô lão thì tại đầu vàm xưa kia có một cây cầu ván qua lại. Đến đời Pháp thuộc thì thay bằng cầu sắt và có đường lộ đá, xe hơi, xe ngựa lưu thông dễ dàng (lúc đó bà con chỉ gọi cầu sắt). Mãi đến khi cầu dời ra lộ cái, cùng thời với cầu Cái Răng bắc năm 1913, cầu vẫn mang tên là Cầu Sắt. Không biết đến năm nào cây cầu sắt nầy mới đổi tên là cầu Đầu Sấu? Theo nhiều người thì địa danh “ Đầu Sấu “ có thể xuất hiện sau khi chợ thịt sấu hình thành khoảng đầu thế kỷ 20.
Trở lại vấn đề mảng xương hàm cá sấu vừa phát hiện, có bài báo ghi “ đây là mảng xương hàm của một con sấu khổng lồ”. Theo tôi, con sấu nầy có xương đầu dài 8,7 tấc, ngang 4 tấc cũng chưa phải lớn lắm. Tôi đã từng tham quan nhiều trại nuôi sấu ở Tịnh Biên, các chủ trại đã giới thiệu cho chúng tôi xem những con sấu 30 tuổi, nặng 90 kg mà phần đầu đã dài trên 5 tấc. Trong “Đất rừng phương Nam”, nhà văn Đoàn Giỏi cũng đã từng mô tả nhiều con cá sấu dài trên 5 mét, khi bắt được phải cần đến 12 người khiêng mà vẫn chưa gọi là “khổng lồ”!
Mảng xương nầy cũng chưa đủ nói lên những điều có liên quan đến địa danh Đầu Sấu. Nếu có chăng cũng chỉ là một minh chứng về sự hiện diện của loài cá sấu trên khúc sông Cái Răng thuộc hệ thống sông Cần Thơ. Nếu sau khi giám định về niên đại, về đặc điểm của con sấu nầy, các nhà nghiên cứu sẽ có thêm nhiều cơ sở khoa học để tiếp tục tìm hiểu về địa danh “ Đầu Sấu “. Nếu có điều kiện, các nhà chuyên môn nên tra cứu lại từ “ Đầu Sấu “ được ghi trong các địa bạ hoặc các văn bản hành chánh thời Pháp thuộc vào thời nào, từ lúc nào mới có thể xác định được nguồn gốc của địa danh.
HOÀI PHƯƠNG
Ghi chú:
(1) Hiện nay tại chùa Ông Vàm Đầu Sấu có một ngôi thờ Hổ do người dân địa phương dựng lên cách nay hằng trăm năm.
(2) Theo Tự vị tiếng nói miền Nam của học giả Vương Hồng Sển, NXB Trẻ - năm 1999 Trang 518 và 519.