01/04/2010 - 09:47

Đọc “Haroun và Biển Truyện”

Một truyện cổ tích hiện đại, hấp dẫn và có tính giáo dục

“Haroun và Biển Truyện” là truyện dành cho thiếu nhi của nhà văn Ấn Độ nổi tiếng Salman Rushdie. Sách do Nhâm Hoa dịch, Nhà xuất bản Văn học phát hành quí I năm 2010. Đây là câu chuyện về cuộc phiêu lưu của cậu bé Haroun, đề cao tình cảm gia đình và tình đoàn kết...

Với giọng văn kể chuyện lôi cuốn, nhà văn Salman Rushdie đã dẫn dắt độc giả phiêu lưu cùng Haroun qua gần 300 trang sách. Truyện chia thành 12 chương, mỗi chương là một khám phá đầy thú vị. Càng đọc, độc giả càng bị cuốn hút vào câu chuyện đầy màu sắc thần thoại ly kỳ, hấp dẫn và không kém phần hài hước.

Ở vương quốc Alifbay có một thành phố u buồn ảm đạm. Trong thành phố có ông Rashid Khalifa là một người kể chuyện nổi tiếng, luôn đem lại niềm vui và tiếng cười cho mọi người. Một ngày nọ, vợ ông bỏ nhà đi theo gã hàng xóm lúc 11 giờ trưa. Rashid buồn bã và không thể kể chuyện được nữa, còn cậu con trai Haroun không tập trung làm được việc gì quá 11 phút. Hai cha con Rashid được các chính trị gia mời đi kể chuyện tại các buổi vận động tranh cử nhưng họ đã thất bại hoàn toàn và bị các chính trị gia đe dọa tính mạng.

Tại thung lũng K, Haroun tình cờ gặp Iff- một Tiểu Thủy Thần của vương quốc Biển Truyện. Qua Iff, cậu mới biết sở dĩ cha mình có khả năng kể chuyện siêu việt là vì ông đã hợp đồng với xứ sở Biển Truyện và được cung cấp nguồn nước truyện. Nay Rashid đánh mất khả năng kể chuyện nên Tiểu Thủy Thần Iff đến cắt hợp đồng với ông. Haroun đã buộc Iff đưa mình đến xứ sở Biển Truyện để cầu xin lãnh đạo của xứ sở này khôi phục khả năng kể chuyện của cha mình.

Xứ sở Biển Truyện có tên là Kahani chia làm hai thế giới trái ngược: vương quốc Gup luôn có ánh sáng mặt trời, đầy ắp những đại dương truyện kể và người dân luôn vui vẻ; trong khi đó, đất nước Chup chìm ngập trong bóng tối vĩnh hằng, người dân sống trong câm lặng. Lúc Haroun đến Biển Truyện thì vương quốc Gup đang gặp nạn: Giáo chủ Khattam-Shud đứng đầu đất nước Chup đã bắt cóc công chúa con vua Gup và bỏ thuốc độc xuống đại dương truyện nhằm xóa sổ tất cả những câu chuyện kể. Haroun thấy cha mình cũng có mặt tại xứ sở Biển Truyện và hai cha con đã sát cánh cùng vương quốc Gup chiến đấu tiêu diệt Giáo chủ Khattam-Shud, phục hồi lại đại dương truyện trong sạch như xưa. Cậu bé còn làm được một điều phi thường là làm cho mặt trăng Kahani quay bình thường trở lại; xứ sở Biển Truyện không còn phân biệt ánh sáng và bóng tối, cả hai vương quốc đều có ngày và đêm, người dân sống trong hòa bình. Với chiến công đó, ông Rashid được khôi phục lại khả năng kể chuyện và Haroun có được một điều ước. Cậu bé đã ước cho thế giới của mình có được một kết thúc có hậu.

Khi trở về Trái đất, điều ước của Haroun đã trở thành sự thật: người dân rất vui vẻ vì cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Mẹ của Haroun đã nhận ra sai lầm của mình và đã quay về với gia đình. Haroun lại sống những ngày hạnh phúc như xưa.

Sức hấp dẫn của “Haroun và Biển Truyện” không chỉ do bút pháp sáng tạo, dí dỏm, ngôn ngữ miêu tả rất sinh động mà còn vì sự pha trộn màu sắc hiện thực và thần thoại rất tài tình. “Haroun và Biển Truyện” được kết cấu theo truyện cổ tích truyền thống: kết thúc có hậu, cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Người đọc còn nghiệm ra nhiều điều ý nghĩa qua câu chuyện: sức mạnh của đoàn kết và tình thân có thể thay đổi mọi thứ. Đặc biệt là tình cảm gia đình có một vị trí cực kỳ quan trọng trong cuộc sống con người.

Đọc truyện, độc giả sẽ bắt gặp những thực tế của đất nước Ấn Độ trong thành phố mà Haroun sống: sự phân biệt đẳng cấp giữa người giàu và người nghèo, người dân chịu nhiều đè nén và những cuộc vận động tranh cử của các chính trị gia rất lố bịch... Thông qua câu chuyện, tác giả đã gửi gắm ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp, tự do và bình đẳng cho mọi người.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết