08/01/2015 - 09:23

Một số văn bản luật vừa được Quốc hội thông qua

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều luật quan trọng, có liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Báo Cần Thơ trích đăng một số quy định cần thiết để bạn đọc dễ dàng cập nhật thông tin.

Lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con:

Luật Bảo hiểm xã hội quy định rõ về chế độ đối với lao động nam khi vợ sinh con. Cụ thể, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Ngoài ra, tại Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội cũng điều chỉnh về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Theo đó, lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Kể từ ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực, Giấy Chứng minh nhân dân sẽ được thay thế bằng Thẻ Căn cước công dân. (Trong ảnh: Người dân đến liên hệ làm thủ tục cấp, đổi Giấy Chứng minh nhân dân tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Cần Thơ). Ảnh: P.D

Căn cước công dân:

Kể từ ngày 1-1-2016, Luật Căn cước công dân chính thức có hiệu lực. Theo đó, Căn cước công dân được hiểu là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

UBND cấp huyện được trao thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài:

Theo Luật Hộ tịch, miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật; đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Luật quy định UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh. Nội dung đăng ký khai sinh có thông tin về số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Ngoài ra, việc đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, giám hộ, đăng ký nhận cha, mẹ, con, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, đăng ký khai tử… có yếu tố nước ngoài sẽ thực hiện tại UBND cấp huyện.

Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án Dân sự quy định người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.

Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

Theo Luật Nhà ở, có 3 nhóm đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, gồm: tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Những đối tượng này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức: mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ…

Thuốc lá là nhóm hàng hóa chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2018 là 70% và từ ngày 1-1-2019 tăng lên 75%. Đối với hàng hóa là rượu có mức thuế suất từ 30-65%. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia quy định theo mốc thời gian, giao động từ 55-65%.

PHƯƠNG DUNG

Chia sẻ bài viết