24/09/2011 - 21:34

Một số truyền thuyết về các anh hùng thời mở đất

Cư dân Nam Bộ bao đời nay đã phải vất vả, gian lao trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, biến rừng hoang cỏ rậm thành đồng ruộng bao la thẳng cánh cò bay, với vườn cây trái trĩu quả, tôm cá đầy sông... Đó là những con người dũng cảm, gan dạ, dám xuống sông hốt trứng sấu, lên rừng xỉa răng cọp, chống lại rắn rít, muỗi mòng, ma thiên nước độc...

Truyền thuyết ở Nam Bộ tuy ra đời muộn nhưng phản ánh khá đầy đủ quá trình chinh phục tự nhiên, đấu tranh xã hội của con người nơi đây. Trong đó truyền thuyết về các anh hùng thời mở đất là một ví dụ điển hình.

Đây là hệ thống truyện kể đặc sắc nhất trong truyện kể dân gian góp phần biểu dương những nhân vật anh hùng thời khai phá mà ký ức dân gian đã dành cho họ một tấm lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc.

Để sinh tồn, những lưu dân Nam bộ ngoài việc phải chống lại thời tiết khắc nghiệt, còn phải chống lại với rất nhiều ác thú. Trong các loài ác thú mà những lưu dân thời khẩn hoang phải đương đầu và chống chọi với chúng nhiều nhất có lẽ là cọp và sấu. Đây là hai loài vật nguy hiểm nhất và được truyền miệng trong dân gian qua nhiều câu chuyện li kỳ nhất. Xin trích dẫn hai câu chuyện về sấu và cọp để thấy rõ hơn sự trí dũng của cha ông ta thời xưa.

“Trấn (Vĩnh Thanh) ấy lại có nhiều cá sấu và cọp dữ. Dân địa phương sống quen nên chẳng hề sợ. Đờn bà con nít có khi cầm dao cắt cỏ hay cầm cây đòn xóc gánh mạ cũng có thể đánh cọp và bắt đặng cọp.

Năm trước trong khúc sông Tiên (Sa Đéc) có con cá sấu mình lớn năm vây, dài đến sáu trượng, hằng ngày đón chận ghe qua, đánh lắc cho văng người xuống, hoặc đánh lật úp ghe rồi nhảy vọt lên táp nuốt. Người ta gọi tên con sấu ấy là “ông luồng” và đã dùng hết cách để trừ nó mà rốt lại cũng chẳng đặng.

Bấy giờ có người thợ câu nhà nghề dùng một lưỡi câu sấu thật to, móc chặt một con vịt sống, rồi dùng dây mây cũng to, xỏ qua lỗ hậu lưỡi câu dính liền với thân con vịt, đoạn anh nhảy ùm xuống nước, bơi lội nhử mồi.

Sấu nghe hơi liền nổi lên rượt đuổi.

Người thợ câu lành nghề kia biết sấu không có mang tai, không tài nào hả họng trong nước đặng; còn cái đuôi sấu thì dẫu có cựa quậy cũng chẳng có chỗ hại gì. Nhân vậy mới trêu đùa với sấu và đợi đến lúc nó tấn gần sát lại bên mình, cất lên mặt nước toan táp, anh mới thừa cơ ném vịt tới miệng nó.

Trong lúc sấu lo nuốt vịt thời anh thợ câu hụp xuống nước, lặn ngầm vào bờ, hô nhau kéo riết dây câu vô rồi cùng với dân làng bốn bề ập lại, đâm chết tươi con sấu.

Mối hại từ đó mới tiệt. Tài năng của anh thợ câu nhà nghề ấy chẳng những người trong nước mà ngay cả đến người các nước nghe đến cũng phải giựt mình, lấy làm lạ lùng.”(1)

Câu chuyện đã mô tả cách bắt sấu của người xưa. Nó thể hiện được sự thông minh, tài trí và sự dũng cảm của cha ông ta thuở khai hoang mở cõi. Còn chuyện đánh nhau với cọp dữ: tuy con người hạ được cọp, nhưng cũng phải hy sinh tính mạng.

“Đời chúa Duệ Tông, vào ngày 25 tháng giêng năm Canh Dần (1770), sau lúc mọi người yên nghỉ, chợt có con mãnh hổ chạy tuông vào nhà một người dân ở phía nam chợ (Tân Kiểng), lung lăng gầm rống làm quần chúng địa phương hoảng kinh. Họ chạy báo với dinh đồn gần đó và đặng phái binh đuổi bắt. Người ta phải phá hủy nhiều phòng ốc, làm rào khại nhiều lớp để bủa vây, nhưng gặp nhằm con cọp quá dữ dằn nên không ai dám xáp gần để đánh bắt nó.

Trải ba ngày như vậy, có một nhà sư trên đường du phương đạo hiệu Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng, đến tình nguyện đánh bắt mãnh hổ. Sư Hồng Ân cùng với cọp đấu chiến. Hồi lâu, cọp bị gậy đánh đau, phải chạy trốn vào lùm tre. Sư Hồng Ân rượt nà theo cọp. Cọp nột quá phải quày lại chống cự. Bấy giờ nhà sự bước trái, rủi trật chưn té rớt xuống mương, bị cọp phủ, gây thương tích nặng. Đồ đệ Trí Năng đến tiếp viện cho thầy. Dùng miếng độc bổ vào đầu cọp. Cọp chết ngay dưới gậy. Nhưng sư Hồng Ân đã bị trọng thương, nên ngay lúc đó cũng trút hơi thở cuối.

Người trong chợ cho sư Hồng Ân là bực nghĩa khí, nên đem chôn cất tại đó, có xây tháp tử tế.”2

* * *

Ngoài hai loài ác thú trên, các lưu dân còn phải chống chọi với heo rừng, các loại rắn... đủ thấy cha ông ta thời khẩn hoang phải chịu vất vả biết nhường nào.

Nhiều truyền thuyết anh hùng khai phá đất mới thường đi vào tín ngưỡng thờ phụng tiền hiền, hậu hiền nơi đình làng. Đó là một cơ chế tinh thần để củng cố sức mạnh cố kết của loại cộng đồng thôn ấp phương Nam (vốn có phần chưa kịp bện kết chặt chẽ). “Sức mạnh xã hội và sức mạnh thẩm mỹ của hiện tượng này quan trọng tới mức nhà nước phong kiến phải dùng cách sắc phong cho các vị đó là thành hoàng, với hy vọng cấy được uy tín của vương triều vào đời sống thôn ấp.”(3) Điều này góp phần tôn vinh các bậc tiền nhân trong quá trình khai phá, đã đặt những nhát rựa đầu tiên lên những lùm mây rậm, những vạt rừng thiêng của xứ này. Công cuộc chinh phục tập thể đối với một thiên nhiên dữ dội, nhất là đối với thú dữ, đã được găm lại trong ký ức thẩm mỹ dân gian dưới dạng các truyền thuyết về Đầu Sấu, Cái Răng, Ông Chưởng, Cù Lao Trâu, Vàm Bà Bầy... Truyền thuyết về Đầu Sấu, Cái Răng kể rằng: “Ngày xưa, ở Vàm sông Cần Thơ, nơi giáp giới giữa hai làng Thường Thạnh và Tân An, tương truyền rằng có một con sấu rất lớn và hung dữ. Khi sấu nổi lên nó to bằng chiếc xuồng ba lá, dài 5-6 thước, có hai hàng đèn sáng rực trên lưng. Nhiều người đi qua khúc sông này bằng xuồng, ghe đã bị con sấu nổi lên quật chìm và cắp đi mất xác.

Điều lạ là con sấu rất mê xem hát bội. Những lần đình làng tổ chức cúng lễ thượng điền, hạ điền có mời gánh hát bội về diễn, con sấu đều trườn lên bãi nằm xem. Đám đông đang xem hát trên sân đình hoảng loạn, bỏ chạy tứ phía. Nhưng thấy con sấu chẳng làm hại ai, chỉ nổi lên xem hát bội nên người ta quay lại, chẳng còn sợ hãi nữa. Ông xã trưởng còn sai người làng ném đồ cúng xuống cho sấu ăn. Dân làng quen dần với việc sấu xem hát bội cúng đình hàng năm.

Chung quanh sấu coi hát bội cũng có câu chuyện: Năm đó, trong làng có một người lực điền yêu và làm đám cưới với một cô thôn nữ ở làng bên. Đám rước dâu có hàng chục xuồng, ghe, có dàn nhạc lễ, trống kèn... vui như ngày hội. Khi đám rước đi ngang khúc sông nọ, bất thần con sấu nổi lên, nó quật đuôi thật mạnh làm chìm 3-4 chiếc xuồng, ghe. Những người đi trong đám rước ném bỏ lễ vật, cố chèo chống, bơi lội thoát thân. Khi đã lên được trên bờ, điểm mặt từng người lại thì thấy mất tích cô dâu. Chú rể đau đớn, vật vã...

Anh ta về rắp tâm giết cho bằng được con sấu, trả mối hận mất vợ. Anh gom góp hết vốn liếng, gia sản đi mời cho bằng được 3 gánh hát bội nổi tiếng trong vùng và vận động trai tráng ở các làng hợp sức với anh.

Đêm đó, gánh hát bội đầu tiên dựng rạp hát phía trong vàm rạch từ rất sớm. Con sấu nghe tiếng trống, tiếng đàn, nổi lên bơi vào xem. Khi gánh hát đầu tiên hạ màn, thì cách đó không xa, đi sâu vào con rạch, gánh hát bội thứ hai bắt đầu khai diễn. Trong khi đó, hàng trăm trai làng lặng lẽ, thay phiên nhau đốn gỗ, xóc trụ, đào đất đắp một con đập to ngoài đầu vàm. Khi con sấu xem xong gánh hát bội thứ ba ở sâu trong ngọn rạch thì trời cũng vừa ửng sáng, nước đang ròng chỉ còn khoảng một phần ba sông, con đập cũng vừa hoàn thành.

Con sấu uể oải bơi ra sông cái sau một đêm trắng xem hát. Nhưng không còn kịp nữa, nó bị chặn lại bằng con đập khi ra đến đầu vàm. Từ trên bờ, hàng ngàn mũi lao bằng gốc tầm vông già vạt nhọn, những mũi chĩa đinh ba... nhắm ngay con sấu phóng tới. Tiếng hò hét vang động... Chàng lực điền giành phần phanh da, xả thịt con sấu.

* * *

Mặc dù có chung cội nguồn với văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa Nam Bộ lại chịu sự quy định của điều kiện môi trường địa lý nên văn hóa ở đây vẫn có những nét khu biệt cao so với văn hóa cội nguồn. Cơ chế làng ở Nam Bộ là cơ chế mở chứ không khép kín nên những khó khăn vất vả hiểm nguy về con người thời khai hoang mở cõi, vật lộn với muỗi mòng, rắn rít, đấu tranh với thiên nhiên, với thú dữ... đã được thể hiện bằng các truyền thuyết anh hùng.

TRẦN NGU LẠC

.....................

(1) Dẫn theo Nguyễn Văn Hầu, Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ. NXB Trẻ - 2004. Tr. 164.

(2) Nguyễn Văn Hầu. Sđd. Tr.165-166.

(3) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh. Sđd. Tr.144.

Chia sẻ bài viết