31/12/2018 - 18:20

Một năm đầy biến động 

Chứng khoán thế giới năm qua nhiều thăng trầm theo các dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ - Donald Trump và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước lớn, nổi bật là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đã đẩy thị trường chứng khoán thế giới vào thế luôn bất ổn. Thật kỳ lạ, đây có lẽ là vị tổng thống đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của thế giới thích dùng mạng xã hội để định hướng chính sách, hoạch định chính sách! Làm cho nhà đầu tư trên toàn thế giới luôn cảm thấy bất an trong việc đầu tư vào các tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán...

Chứng khoán thế giới một năm bất định

Sự thăng trầm của chứng khoán thế giới trong năm qua còn bị ảnh hưởng rất lớn từ chính sách thương mại của các nước lớn. Đầu tiên là việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu đến từ châu Âu rồi Canada, Mexico và đỉnh cao là việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc 2 lần liên tiếp với 250 tỉ USD giá trị hàng hóa đã đẩy căng thẳng thương mại giữa hai nước lên tầm cao mới và kéo dài đến nay vẫn chưa có hồi kết. Căng thẳng thương mại giữa hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc kết cục chẳng đem lại thuận lợi cho thị trường chứng khoán nước nào cả, khi năm qua thị trường chứng khoán của cả hai nước này đều giảm điểm. Tâm lý lo lắng bao trùm đã khiến giới đầu tư trên toàn cầu không thể yên tâm nắm giữ cổ phiếu lâu dài đã dẫn đến việc thị trường chứng khoán thế giới luôn biến động tăng giảm thất thường hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Mặc dù kinh tế của Mỹ đã tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2018, khoảng trên 3% và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,7% - mức thấp nhất trong vòng 49 năm qua của nước này nhưng chứng khoán Mỹ lại chứng kiến một năm giảm điểm. Cụ thể là Chỉ số chứng khoán trung bình Công nghiệp Dow Jones (Chỉ số tính giá trị của 30 công ty cổ phần lớn nhất và có nhiều cổ đông nhất trong nước Mỹ) cuối năm 2018 đã mất đi gần 7% so với hồi đầu năm. Còn Chỉ số chứng khoán Shanghai của Thượng Hải đại diện cho chỉ số chứng khoán Trung Quốc trong năm qua cũng nối dài những chuỗi ngày giảm điểm nhiều hơn tăng điểm khi thương mại Trung Quốc bị xem là “thế yếu” trong “cuộc chiến thương mại” giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. GDP của Trung Quốc năm 2018 cũng thấp hơn dự kiến, chỉ đạt khoảng 6,5%, thấp hơn nhiều so với con số 6,9% của năm 2017 và các tổ chức kinh tế thế giới cũng dự đoán GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới này năm 2019 cũng chỉ tăng trưởng khoảng 6,2%. Kết năm 2018, chỉ số Shanghai đã giảm gần 25% so với hồi đầu năm, khi rơi từ mốc 3.300 điểm về quanh mức 2.500 điểm cuối năm 2018. Các chỉ số chứng khoán lớn khác đa phần là giảm điểm so với đầu năm, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 17%; chỉ số HangSeng của Hồng Công (Trung Quốc) giảm 15%; chỉ số FTSE của Anh giảm hơn 12%; chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng giảm 10%.

Đồ thị Chỉ số chứng khoán Trung Quốc năm 2018.
Đồ thị Chỉ số chứng khoán Trung Quốc năm 2018.

Thị trường chứng khoán thế giới trong những ngày cuối năm 2018 còn chứng kiến sự giảm điểm rất mạnh và đồng loạt khi ngày 20-12 vừa qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm lên thêm 0,25%, đưa lãi suất ngân hàng Trung ương Mỹ lên mức từ 2,25% đến 2,50% một năm. Mặc dù FED cũng đã đưa ra thông điệp là sẽ chỉ nâng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2019 thôi nhưng giới đầu tư tài chính toàn cầu đã mạnh tay bán ra cổ phiếu để chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có tính an toàn hơn như vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ khi đồng USD mạnh lên.

Chứng khoán trong nước vui buồn đan xen

Chứng khoán trong nước năm qua, đặc biệt là chỉ số VN30-Index (chỉ số giá trị chứng khoán của 30 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên thị trường) đã có diễn biến theo rất sát với diễn biến của chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ. Khi mà chỉ số VN30-Index đã được lấy làm chứng khoán cơ sở cho chứng khoán phái sinh thì sự biến động của chỉ số này càng mạnh mẽ hơn. Sự tăng giảm của chứng khoán phái sinh luôn biến động theo sát diễn biến của chỉ số Dow Jones bởi vì nhà đầu tư trên sàn này luôn quan sát chỉ số Dow Jones để làm căn cứ đầu tư mua vào hoặc bán ra sản phẩm chứng khoán phái sinh. Trong năm 2018, chỉ số Dow Jones đã có đến 7 lần biến động mạnh tăng/giảm trong khung dao động từ vùng 22 ngàn điểm đến gần 27 ngàn điểm. Chỉ số VN30-Index cũng ít nhất là có 4 lần trong năm biến động trong khung phạm vi từ 850 điểm lên đến hơn 1.200 điểm. Do vậy, chỉ số VN30-Index cuối năm cũng đã để mất đến 12,4% so với đầu năm, giảm mạnh hơn chỉ số VN-Index đến 3,1%.

Đồ thị Chỉ số VN30-Index của nước ta năm 2018. Đồ họa: TRẦN ĐĂNG
Đồ thị Chỉ số VN30-Index của nước ta năm 2018. Đồ họa: TRẦN ĐĂNG

Chỉ số chứng khoán cơ sở VN-Index mặc dù có những biến động rất mạnh trong 2 quý đầu năm, quý I chỉ số VN-Index tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng 20% thì sang quý II chỉ số này lại giảm mạnh nhất thế giới, có lúc giảm sâu đến gần 27% so với mức đỉnh nhưng về cuối năm thì có phần ổn định và đi ngang với sự phân hóa rất mạnh của nhiều nhóm cổ phiếu. Có khá nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường và tăng giá nhưng đa phần là cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ nên sức ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index là không nhiều nên chỉ số VN-Index kết thúc năm cũng bị giảm khoảng 9,3% so với đầu năm. Đó cũng là do chỉ số này bị chi phối bởi nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trong rổ VN30. Năm qua, thị trường cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu nhóm ngành xuất khẩu hàng hóa, bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng và ngân hàng. Trong đó, nổi trội nhất là các cổ phiếu nhóm ngành thủy sản, da giày, dệt may, nông nghiệp, dịch vụ, công nghệ.v.v.. do tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng cả năm đạt 14,27%, gấp đôi so với kế hoạch đặt ra là từ 7%-8% cho cả năm 2018, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm lên con số 244,7 tỉ USD. Thặng dư thương mại cả năm là 7,2 tỉ USD – một con số kỷ lục từ trước tới nay. Cổ phiếu của nhóm ngành bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng và ngân hàng có mức tăng trưởng cao còn do bởi chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018 đạt rất cao, 129 điểm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau quốc gia Ấn Độ 130 điểm. Tổng kết năm 2018, GDP của cả nước đạt cao nhất 11 năm qua, tính từ năm 2008, với 7,08%.

Vui buồn lẫn lộn là gam màu mà nhà đầu tư chứng khoán trong nước cũng như trên thế giới nhìn lại sau một năm 2018 đầy biến động.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết