05/01/2021 - 08:10

Một lần đến chùa Bà Ðanh 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh”, vì vậy nếu có dịp bạn nên thử một lần khám phá chùa Bà Đanh ở Hà Nam - thắng tích Phật giáo nổi tiếng ở phía Bắc nước ta.

Một góc cổ kính và yên bình của chùa Bà Ðanh.

Từ Thủ đô Hà Nội, theo quốc lộ 1A đi về phía Nam chừng hơn 56km, đến ngã ba Khu công nghiệp Ðồng Văn, TP Hà Nam, rẽ tay phải theo đường tỉnh lộ 711 đi chừng hơn 10km nữa, bạn sẽ đến chùa
Bà Ðanh.

Chùa Bà Ðanh có tên chữ là “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất có ba mặt giáp sông Ðáy, thuộc thôn Ðanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa có diện tích hơn 10ha, với gần 40 gian nhà gạch ngói bề thế đã trải qua thăng trầm của lịch sử.

Theo các tư liệu thành văn và dân gian truyền khẩu, chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, đời vua Lê Hy Tông (1676-1680), thể hiện sự giao thoa và tương hợp giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo; đồng thời mang bản sắc văn minh lúa nước và văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Bởi vì tương truyền xa xưa nơi đây là ngôi đền nhỏ thờ Tứ pháp: Pháp Ðiện, Pháp Lôi, Pháp Vân, Pháp Vũ (Sấm - Sét - Mưa - Bão).

Chùa Bà Ðanh tập hợp một quần thể kiến trúc truyền thống khá kỳ công. Phía ngoài, liền với cổng tam quan là hai cột đồng trụ được xây nhô hẳn ra. Trên nóc tam quan đắp một đôi rồng chầu đối mặt. Qua cổng là vào vườn hoa gồm nhiều loại hoa kiểng đặc trưng của Bắc Bộ, tạo thêm nét trầm mặc, cổ kính cho ngôi chùa. Trước nhà bái đường là sân lát gạch. Mỗi dãy hành lang ở hai bên có ba gian, khung gỗ lim lợp ngói lam. Nhà bái đường có năm gian, lợp ngói đỏ, trên bờ nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt. Chùa được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc, chạm trổ trên gỗ tinh tế, chọn lọc.

Phía hiên Tây của chùa là khu nhà ngang gồm năm gian: ba gian giữa thờ các vị Tổ đã trụ trì ở đây, còn hai gian đầu là nơi ở cho người tu hành. Phía Ðông là phủ thờ mẫu. Trong nhà thượng đường của chùa Bà Ðanh, có nhiều tượng thờ Tam thế, Ngọc Hoàng, Thái thượng Lão Quân, Bà Chúa Ðanh. Toàn bộ ngôi chùa từ bố cục đến kiến trúc, chạm khắc đều mang đậm phong cách cổ truyền của dân tộc. Các kiến trúc từ tam quan, hành lang, nhà bái đường đến thượng điện đều được xây đăng đối theo một trục chính ở giữa và độ cao được nâng dần lên từ ngoài vào trong.

Nhiều du khách đến chùa Bà Ðanh đều thắc mắc: Tại sao một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính với sơn thủy hữu tình như vậy nhưng lại có câu “Vắng như chùa Bà Ðanh”. Theo người dân địa phương thì do xưa kia vùng này cây cối rậm rạp, cư dân thưa thớt, có nhiều thú dữ, ba mặt chùa giáp sông sâu nước chảy, nên muốn đến phải đi ghe thuyền vòng vo khá xa xôi... nên chùa rất vắng khách. Thông tin về chùa Bà Ðanh trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam cũng cho biết: Theo những người cao tuổi của thôn Ðanh Xá, xưa kia khu vực này là một bãi đất bồi giữa ngã ba sông Ðáy, từ trên cao nhìn xuống có hình một con rồng đang quặn mình xả nước, thế đất ấy khiến làng Ðanh quanh năm lụt lội, cuộc sống người dân rất cơ cực. Rồi người già nhất trong thôn nói cụ mơ thấy một người con gái trẻ đẹp hiện về truyền rằng dân làng muốn yên ổn làm ăn phải lập đền thờ. Ðền vừa dựng xong được ít lâu, cây mít cổ thụ gần 1.000 tuổi bỗng dưng bị gió quật đổ. Dân làng Ðanh lấy gỗ để tạc tượng và làm ngai để thờ người con gái về báo mộng cho dân làng. Chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh và có tên là chùa Bà Ðanh từ đó.

Ngày nay, chùa Bà Ðanh được trùng tu khang trang, thoáng đẹp, khách thập phương đến ngày càng nhiều. Chùa Bà Ðanh đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1994.

Bài, ảnh: ĐẶNG HOÀNG

Chia sẻ bài viết