23/10/2016 - 10:19

Một chuyến đi

 Truyện ngắn: H’Linh

Hoàng ơi! Mốt cô về quê.

Tiếng thằng Quang văng vẳng bên dưới trong khi tôi đang lau bảng. Không quay lại nhìn nó, tôi hỏi:

- Cô về mấy hôm cô vô lại?

- Cô nói chừng nghỉ hè hay những lúc nào rảnh rỗi.

 

Giọng nó đã nhẹ lại và nhỏ dần đi. Dường như có cái gì nghèn nghẹn, buồn buồn chen vào câu trả lời của nó. Tôi bỏ dở việc lau bảng, quay xuống hỏi:

- Sao bạn biết?

- Quang đi lấy chổi tình cờ nghe được! Cô Trang hỏi bữa nào về, cô Thuận nói bữa mốt.

Tuy nói chuyện với tôi nhưng Hoàng chỉ ngó chằm chằm cái cặp, tay lúng túng kéo qua kéo lại dây kéo trên miệng cặp, sau cùng mới để được vô hộc bàn. Thấy vậy, tôi quay lên tiếp tục lau bảng, các động tác lặp đi lặp lại không đều đặn, bụi phấn đuổi nhau bay, tâm trí tôi bắt chước bay theo.

Suốt buổi học hôm đó, tôi không tài nào tập trung. Đến tiết của cô Thuận, tiết cuối cô dạy lớp tôi. Cô giảng bài thật kỹ và thường nhoẻn miệng cười sau câu hỏi: "Các em có thắc mắc gì không?". Cả lớp tôi không ai thắc mắc về bài giảng, chỉ thắc mắc một điều mà không dám hỏi: "Vì sao cô bỏ tụi em?".

Nói đúng ra, bọn tôi không ngỡ ngàng lắm về chuyện cô Thuận sẽ về quê. Một tháng mấy trước đây, cái tin đáng ghét này đã tỏa khắp trường. Thời gian lặng lặng trôi, thế rồi việc gì đến cũng phải đến.

***

Quê cô không phải ở đây. Hồi ra trường, vì nhiều lẽ, cô đã đặt chân đến vùng đất còn nhiều khó khăn và xa xôi này. Bỡ ngỡ rụt rè ban đầu dần dần bị đánh tan bởi công việc thường xuyên vây quanh cô và những đứa học trò nghịch ngợm. Từ khi hay tin cô rời đi, tôi hay nghĩ rồi vùng đất này, với những đứa học trò nghèo, qua bao năm chắc cũng khó mà phai mờ trong tâm trí cô. Chính cô đã nhìn quê hương bọn tôi thay đổi qua gần 5 năm đến đây. Còn quê cô? Tôi tưởng tượng là nơi dòng sông Hương sóng ngày đêm vỗ nhẹ, hiền hòa, êm dịu… mãi mãi không đổi. Bởi nơi đó đã làm nên tính cách cô: dịu dàng, bao dung và nhân hậu. Bởi vậy mà tốt nghiệp trường danh giá sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cô tình nguyện tăng cường cho các trường vùng sâu vùng xa, trong đó có trường bọn tôi theo học.

Cho nên, lý do thật đơn giản mà bọn tôi nghĩ vì đó mà cô "bỏ tụi em" là: sau nhiều năm xa gia đình, giờ cô quay về ngôi nhà xưa bên dòng sông Hương để được đắm mình trong tình thương của cha mẹ.

***

Hai ngày nữa cô về. Tranh thủ thời gian ngắn ngủi còn lại bọn tôi quyết "trực" phòng tập thể của cô. Trưa, đi học về, cơm nước xong, xế xế một chút là bọn tôi có mặt. Đôi lúc, cái không khí nhốn nháo ồn ào bị la rầy bởi giọng nói ấm áp: "Tụi em đùa nhỏ nhỏ kẻo làm phiền thầy cô bên cạnh!". Bọn tôi vâng lời, chuyện to chuyện nhỏ ráo riết kể nhau nghe, cô ngồi bên cũng không giấu được nụ cười rất Huế. Cô ngồi nghe bọn tôi, đôi mắt ánh lên cảm xúc khó tả: vừa vui vừa buồn, vừa chờ mong vừa lưu luyến.

Phía sau phòng cô ở, đồng ruộng bao la trải tít, một khoảng trời cao rộng gió mơn man. Trong cái ao cạn, lau sậy chen cỏ mọc rời rạc, có đám học trò đang lố nhố mò ốc bắt cua. Bọn tôi cùng nhau đãi cô Thuận một nồi cua, ốc luộc. Sau một hồi quần cỏ quậy sình, bọn con gái thấy bùn đất đeo lấy bọn con trai chúng tôi thì khoái hết sức, cười như nắc nẻ. Cuối cùng, bếp nhà cô tỏa khói, nồi cua ốc luộc với sả ngon lành được bọn con gái đường hoàng, trân trọng bưng ra. Nhỏ Ánh còn hát một bài "Chiếc áo bà ba". Giọng nhỏ vừa dứt, một giai điệu êm ả khác nối tiếp. Bài hát mà cô mới chép tặng cô vào lưu bút của chúng tôi:"Huế, tình yêu của tôi".

Giờ phút lặng trôi. Trăng đêm nay sáng quá, trời thật trong như chưa hề trong như vậy. Cô trò chúng tôi trải chiếu ngồi ngắm trăng, mải mê theo những câu chuyện trong lớp, trong trường. Không có gì đắt giá, bọn tôi mang tới tặng cô về quê cặp bưởi, cặp dưa, vài chục cam quýt vườn nhà.

Cô ngước nhìn trời, nhìn trăng sao, rồi chợt hỏi: "Các em biết sao Ngưu Lang Chức Nữ không?" Bọn tôi, đứa gật đầu, đứa nhanh nhảu "Dạ, biết". Vẫn với giọng nhẹ nhàng cô kể: Ngày cô ra trường có một người nói sẽ chờ cô. Người đó cũng như cô, cũng đến một vùng quê dạy học. Cô về đồng bằng người đó đi vùng núi. Bọn cô mỗi năm chỉ gặp nhau vài lần, khi lớp cũ họp mặt hoặc những ngày về thành phố thăm thầy cô. Mới đây, người đó phải nhập viện, phải cưa mất một bên chân vì tai nạn trên đường vượt rừng tìm học trò ra lớp. Cô không chuyển về thành phố, mà đến với người đó. Cô và người đó sẽ có một đám cưới, rồi sẽ tiếp tục dạy học…

Bọn tôi ngước nhìn lên bầu trời thăm thẳm chi chít những vì sao, dõi tìm tấm chung tình ẩn mình giữa những ngôi sao kia. Không gian dần chìm vào màn đêm lạnh lẽo, nhưng chúng tôi không còn thấy buồn bã vì cô "bỏ tụi tôi nữa". Tôi tin dù cô không đắm mình trong tình thương gia đình bên bờ sông Hương, cô vẫn sẽ hạnh phúc với tình yêu của "người đó" và sự thương quý của học trò nơi trường mới, như chúng tôi vẫn mãi thương nhớ cô.

***


- Tiếng còi xe xa xa khiến tôi lật đật tung mùng bật dậy. Mở tung cửa bước ra đường, vài đứa bạn đã chờ sẵn. Xe tiến đến gần bọn tôi, bàn tay nắm lấy bàn tay, lời chúc an lành gởi nhau không ngớt.

- Các em ở lại mạnh giỏi, học chăm nhé!

- Chúc cô đi đường bình an, luôn mạnh khỏe và ngập tràn niềm vui.

- Em chúc cô và gia đình luôn hạnh phúc- Tiếng tôi lí nhí, nghèn nghẹn.

Rồi xe lao nhanh vội vã. Cuối cùng, khuất sau bụi cây, chấm đỏ sau xe chiếu sáng mỗi lúc một xa. 

Chia sẻ bài viết