20/08/2020 - 10:17

Mong chờ Giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc 

Theo kế hoạch, Giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc năm 2020 chia làm 2 đợt thi đấu: đợt 1 là các môn Cầu lông, Cử tạ, Bóng bàn, Cờ vua, Boccia, Judo cho người khiếm thị sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 16-8, tại Hải Dương; đợt 2 tổ chức môn Điền kinh và Bơi lội dự kiến vào tháng 11 tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo thông báo mới đây từ Tổng cục Thể dục thể thao, do dịch bệnh COVID-19, sự kiện thể thao nói trên phải tạm hoãn, chưa xác định thời điểm sẽ tổ chức lại.

VĐV Nguyễn Thành Trung (đường đua số 5) đội tuyển Bơi lội khuyết tật Cần Thơ thi đấu tại Giải Bơi lội và Điền kinh dành cho người khuyết tật năm 2019.

Chuẩn bị cho cuộc tranh tài này, đầu tháng 7, đoàn thể thao người khuyết tật Cần Thơ đã tập trung lực lượng các môn Cờ vua và Cầu lông, tích cực tập luyện chuẩn bị cho đợt ra quân đầu tiên. Môn Ðiền kinh và Bơi lội cũng đã chốt danh sách VÐV, lên kế hoạch tập luyện... Tuy nhiên, ngay khi có thông tin giải tạm hoãn vào cuối tháng 7, các VÐV đã ngừng tập luyện, trở về với công việc mưu sinh hằng ngày. VÐV Trần Thới Thiệt của đội tuyển Bơi lội khuyết tật Cần Thơ, cho biết: “Tôi rất mong chờ đến ngày được đi thi đấu. Các năm trước, việc tập luyện và thi đấu giúp tôi thêm sức khỏe, tự tin hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khi đoạt được HCV, ngoài thưởng huy chương còn có thưởng nóng giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt. Năm nay, nếu không thi đấu thì buồn và tiếc lắm. Mấy tháng nay, bán vé số bấp bênh quá, tôi phải đi từ sáng sớm, đi nhiều nơi hơn mới mong bán được”.

Trần Thới Thiệt là một trong những VÐV chủ lực của đội Bơi lội khuyết tật Cần Thơ. Các kỳ tranh tài gần đây, anh đóng góp ít nhất 2 HCV, chưa kể HCB và HCÐ ở các nội dung cá nhân và đồng đội. Trường hợp VÐV Ðiền kinh Huỳnh Quốc Trung, ngoài bán vé số, còn nhặt banh ở các sân quần vợt, mới đủ xoay xở chi phí cá nhân và nuôi mẹ già. Trong đội Ðiền kinh, Trung là VÐV kỳ cựu, gắn bó với thể thao khuyết tật Cần Thơ nhiều năm qua. “Năm trước tôi đã “đoạt lại” tấm HCV nội dung sở trường nhảy 3 bước, nên đặt mục tiêu sẽ bảo vệ thành tích ở cuộc thi năm nay. Khi nhận thông báo được đi thi đấu tôi rất phấn khởi và chờ đợi tới ngày tập trung, nhưng sau đó được biết giải đã hoãn. Mong là giải sẽ được tổ chức trở lại”, VÐV Huỳnh Quốc Trung trải lòng.

Theo HLV Bùi Thanh Tâm, các VÐV chủ yếu mưu sinh bằng bán vé số dạo. Có một vài VÐV làm công việc khác nhưng hầu hết cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trước thi đấu khoảng 1 tháng, các VÐV tạm gác việc hằng ngày, tập trung tập luyện. “Ðối với các VÐV người khuyết tật, việc góp mặt ở các giải thể thao là cơ hội để giao lưu, thể hiện năng lực, tìm niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống, nên ai cũng hăng hái”, HLV Bùi Thanh Tâm cho biết. Bên cạnh yếu tố tinh thần, còn có sự hỗ trợ thiết thực từ các ngành, các cấp của thành phố: thời gian tập luyện các VÐV sẽ được tiền ăn và tiền công tập luyện, khi thi đấu nếu đoạt thành tích cao ngoài tiền huy chương còn có thưởng nóng, giúp các VÐV trang trải cuộc sống. Vậy nên khi có thông báo tập trung là các VÐV đều có mặt, tập luyện chăm chỉ, tích cực, trong thi đấu luôn cố gắng hết mình.

“Các VÐV nỗ lực tập luyện, chỉ mong đến ngày được tranh tài, nhưng tình hình dịch bệnh buộc phải tạm ngưng giải đấu và chưa biết khi nào sẽ được tổ chức trở lại. Khi nào có thông báo mới thì Ban huấn luyện phải tính lại kế hoạch luyện tập luyện phù hợp hơn, giúp cho VÐV đảm bảo được thành tích”, HLV Bùi Thanh Tâm chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: AN CHI

Chia sẻ bài viết