04/02/2008 - 20:32

Mối tình vượt biển Đông

HOÀNG THANH

Một buổi chiều đầu thu năm 1964, bên bờ biển Cà Mau… Bão vừa tan, những cơn sóng dội vào ghềnh đá không còn bạc đầu hung dữ, nhưng phút chia tay làm lòng người dậy lên những cơn sóng lớn. Khi mặt trời lặn khuất, người con trai khoác chiếc ba lô trên vai bước xuống tàu, vẫn kịp nghe lời người yêu thảng thốt: “Em chờ anh. Dẫu 10 năm, 20 năm hay suốt cả cuộc đời, em cũng chờ…”. Và trải qua bao sóng gió, cuối cùng họ cũng trùng phùng bên nhau. Đó là chuyện tình của Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Đắc Thắng và bà Sáu Thùy, một nữ du kích địa phương.

“Thỉnh thoảng ngồi ôn lại chuyện của mình, nhất là những lần đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, tôi nghiệm ra rằng: Điều quý nhất trong cuộc đời này chính là tình yêu. Tình yêu tạo nên sức mạnh giúp con người vượt qua những gian khổ, mất mát hy sinh”... Ông bắt đầu câu chuyện với tôi vào một buổi chiều cuối năm, khi tôi tìm đến căn nhà nhỏ bình dị ở phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, nơi vợ chồng ông vui sống những tháng ngày tuổi già bên con, cháu. Khác với vẻ hoạt bát thường ngày, gương mặt Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đắc Thắng thoáng vẻ trầm ngâm khi ký ức thời gian quay về với những “huyền thoại” đã gắn với cuộc đời mình...

Lời thề bên bến Cà Mau

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đắc Thắng (Tư Thắng) sinh ra ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. 12 tuổi, ông đã làm liên lạc cho du kích địa phương. Năm 1954, vừa tròn 19 tuổi, ông tập kết ra Bắc. Năm 1960, khi ông chuẩn bị hành quân về Nam chiến đấu thì được cấp trên chọn đi học sĩ quan hải quân. Khóa học kết thúc, ông được đưa về Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn hải quân 125), gia nhập đội quân làm nhiệm vụ trên “Đoàn tàu không số” vận chuyển vũ khí vào miền Nam.

 Vợ chồng Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đắc Thắng. Ảnh: HOÀNG THANH  
Hồi ấy, miền Nam rất cần sự chi viện cả về nhân lực, vật lực của hậu phương miền Bắc. Vì thế, cùng với việc “xẻ dọc Trường Sơn” để làm một con đường vận tải đường bộ, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định “rạch biển Đông” để mở ra con đường chở vũ khí vào Nam. “Người ta gọi đơn vị chúng tôi là “Đoàn tàu không số”, nhưng thật ra tàu nào cũng có số. Có điều do tính chất đặc biệt bí mật và nguy hiểm, nên không tàu nào mang số hiệu thật. Không chỉ tên tàu, trước khi rời bến miền Bắc lên đường vào Nam, mọi đồ dùng, vật dụng trang bị trên tàu đều được kiểm tra để xóa mọi dấu tích miền Bắc” – Ông Tư Thắng nhớ lại. Được chọn tham gia trong “Đoàn tàu không số”, một nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, nhưng ông mừng rơi nước mắt. Vì bao năm xa quê hương, khát vọng được trở về miền Nam lúc nào cũng cháy bỏng trong tim ông...

Tháng 9-1963, ông Tư Thắng đi chuyến đầu tiên vào miền Nam, với chức danh là thuyền phó tàu 56. Chuyến tàu chở 50 tấn vũ khí, đi suốt 7 ngày đêm thì cập vào bến Kiến Vàng ở Cà Mau. Chuyến thứ hai, thứ ba đến Trà Vinh cũng cập bến trót lọt. Năm 1964, ông Tư Thắng được phân công làm thuyền trưởng tàu số 43. Chuyến thứ tư vượt biển, tàu ông lại cập vào bến Kiến Vàng. “Và tại đây, tôi đã gặp được tình yêu của đời mình”- Ông Tư Thắng cười tủm tỉm, kể lại. “Bà là Sáu Thùy, chiến sĩ nuôi quân ở địa phương, năm ấy vừa tròn 20 tuổi, xinh đẹp, hát hay, nổi bật nhất trong số các nữ chiến sĩ. Người ta hay nói “tiếng sét ái tình”, có lẽ là trường hợp của tôi đấy! Mới gặp bà ấy vài lần, tôi biết mình đã yêu rồi. Bà ấy cũng chăm sóc tôi rất đặc biệt, ngày nào cũng làm bánh mang xuống tàu để mời. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ của mình quá gian nan, có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên tôi cố nén tình cảm trong lòng. Ngày tàu chuẩn bị rời bến để quay ra miền Bắc, nhìn ánh mắt đau đớn của bà ấy, tôi như bị cắt từng khúc ruột”- Ông bộc bạch. Thế nhưng, đúng lúc chuẩn bị khởi hành thì nghe tin bão khẩn cấp, tàu 43 phải neo lại bến Kiến Vàng. Một tuần, hai tuần, rồi hơn một tháng... thời gian đủ làm tình yêu vốn đã sôi sục trong lòng chàng thuyền trưởng đẹp trai và cô thiếu nữ miền sông nước bùng lên thành ngọn lửa. Trước lúc chia tay, bạn bè, đồng đội tổ chức cho 2 người buổi tiệc nhỏ, xem như lễ đính hôn. “Đính hôn rồi, nhưng tôi vẫn canh cánh lo, vì lỡ mình hy sinh thì dở dang cả cuộc đời cô ấy. Hôm chia tay, chúng tôi ngồi bên nhau suốt cả buổi chiều. Khi tàu chuẩn bị rời bến, tôi lấy hết can đảm nói: “Hay là em suy nghĩ lại, lỡ anh không quay về...”. Cô ấy nhìn tôi, ánh mắt vừa trách, vừa thương, nói: “ Em chờ anh. Dẫu 10 năm, 20 năm hay suốt cả cuộc đời, em cũng chờ. Nếu anh hy sinh, em thề ở vậy suốt đời...”.

Những chuyến tàu huyền thoại...

Về đến đơn vị, ông mang lý lịch của Sáu Thùy báo cáo với tổ chức và được cấp trên chấp thuận cho hai người xây dựng gia đình với nhau. Thế nhưng, những biến cố liên tục trên con đường vận chuyển xuyên biển Đông đầy sóng gió đã khiến ngày hẹn trở về bãi Kiến Vàng gặp nhiều trắc trở...

  Tàu không số của Đoàn 125 trên đường vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nguồn: “Từ Điện Biên Phủ đến Dinh Độc lập”; NXB Quân đội nhân dân - 1995
Tháng 2-1965, tàu 143 khi vào đến bến Vũng Rô, nơi tiếp nhận vũ khí để chi viện cho chiến trường các tỉnh duyên hải miền Trung, thì bị địch phát hiện và tấn công. Từ sự kiện này, địch phát hiện ra con đường vận chuyển vũ khí của ta trên biển. Chúng ráo riết phong tỏa các cảng miền Bắc và tìm mọi cách để khóa chặt các đường biển vào miền Nam, thành lập các “lực lượng đặc nhiệm” và huy động các phương tiện chiến tranh hiện đại... để ngày đêm lùng sục tàu ta. Đó cũng là giai đoạn gian nan nhất của “Đoàn tàu không số”. Nhiều chuyến tàu ra đi đã không thể cập bến, và cũng rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh... Ông Tư Thắng kể: “Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, mỗi con tàu không số đều cài sẵn bộc phá, trong trường hợp khẩn cấp không thể chống trả được sẽ giật kíp phá hủy tàu, xóa mọi dấu vết. Vì vậy, mỗi chiến sĩ khi lên đường, đều chuẩn bị sẵn cho mình tâm lý làm một người lính cảm tử. Mỗi chuyến tàu trước lúc lên đường được anh em tiễn đưa rất long trọng, bởi rất có thể đó là lần gặp gỡ cuối cùng”. Giọng ông chùn xuống khi nhắc sự anh dũng của những người đồng đội đã hy sinh. Cam go nhất là đợt vận chuyển vũ khí chuẩn bị cho trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Khi ấy, 4 tàu được huy động chở vũ khí vào Nam, ngoại trừ tàu 56 bị địch phát hiện phải trở về, 3 tàu còn lại đều chịu nhiều mất mát. Toàn bộ chiến sĩ trên tàu 165 vào Vàm Lũng (Cà Mau), đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi, trở thành một huyền thoại bất tử. Tàu 253 chưa kịp vào Hòn Hèo (Nha Trang) bị địch phát hiện, nhiều chiến sĩ trên tàu hy sinh. Riêng tàu 43 do ông Tư Thắng chỉ huy, chở 43 tấn vũ khí vào Đức Phổ (Quảng Ngãi), xuất phát ngày 27-2-1968, đến tối ngày 29-2 thì bị địch bao vây. “Tôi cho tàu vào sát bờ và tổ chức chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay, làm hư hỏng nặng 1 tàu của địch. Lúc này, 3 đồng chí của ta là đồng chí Ruệ - lái tàu, đồng chí Tòng - y tá kiêm pháo thủ và Kiểm - thủy thủ, đã hy sinh. Tình thế nguy cấp, tôi tổ chức cho mọi người rời tàu và điểm hỏa. 14 người còn lại bơi vào bờ, được bà con cưu mang và đưa về trạm xá Đức Phổ”. Ông Tư Thắng dừng thật lâu như để kìm nỗi xúc động khi nhắc đến người đã chữa trị, chăm sóc mình và các đồng đội hơn một tháng trời: nữ anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm chưa được mọi người biết đến, năm 1994, khi nhà văn Nguyên Ngọc làm bộ phim tài liệu Đường mòn trên biển Đông, ông Tư Thắng đã từng bộc lộ sự biết ơn chân thành của mình với Thùy Trâm và không giấu niềm khâm phục người nữ bác sĩ gan lì “đến kỳ lạ, kỳ quặc khi suốt gần chục năm trời bám trụ trên vùng đất hẹp bị đánh nát như băm ấy”! “Đến khi quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” được phát hành, tôi càng khâm phục hơn khi giữa những giằng xé, những đau đớn nội tâm ấy mà Trâm vẫn giữ được tinh thần lạc quan, thái độ ân cần, tận tụy, hết lòng vì các bệnh binh... Nhất là khi đọc những dòng về tình cảm quý mến, trân trọng mà cô ấy đã dành cho các anh em trong Đoàn tàu không số, tôi đã không cầm được nước mắt”...

Xuyên rừng, vượt biển tìm nhau...

“Những ai đã trải qua ranh giới của sự sống và cái chết, mới hiểu giá trị của tình yêu. Và có lẽ, tình yêu khi trải qua ranh giới sinh tử sẽ càng thêm mãnh liệt...” – ông trầm giọng, ánh mắt lại hướng về những tia nắng đang nhảy nhót ngoài sân, nói như đang độc thoại.

Sau khi rời Đức Phổ, ông Tư Thắng cùng các đồng chí vượt Trường Sơn trở ra miền Bắc, tiếp tục với những chuyến tàu chở vũ khí vượt biển Đông. Để tránh sự chú ý của địch, nhiều chuyến tàu phải lựa lúc bão tố để ra khơi, điều đó cũng đồng nghĩa với sự gian nan, nguy hiểm tăng thêm gấp bội phần. “Gian khổ như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ sợ hãi, chưa bao giờ chùn bước, vì đất nước, vì miền Nam, và... vì bà ấy. Tính đến cuối năm 1970, tôi và Sáu Thùy xa nhau đã hơn 6 năm. Trong đó có gần 5 năm bặt tin tức, trong khi thời gian tôi và bà ấy gặp gỡ, yêu nhau rồi đến ngày chia tay chỉ hơn 1 tháng. Cũng có lúc tôi nghĩ: “Miền Nam ác liệt, nhỡ đâu bom đạn chiến tranh...”, nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn tin bà ấy sẽ chờ mình”.

Hơn cả những gì ông tưởng, đằng sau sự đằm thắm, dịu dàng của người con gái miền Tây là một tình yêu mạnh hơn phong ba, bão táp. Cuối năm 1967, bà Sáu Thùy quyết định đi tìm ông. Ông bộc bạch: “Hồi ấy, “Đoàn tàu không số” là một đơn vị đặc biệt, và chúng tôi cũng là những người lính đặc biệt nên dù đã đính hôn, bà ấy cũng chẳng biết nhiều về tôi. Đã vậy, bà ấy thừa biết tôi là lính biển, thời gian ở đất liền chẳng mấy hôm. Vậy mà bà ấy vẫn đi!”. Từ mũi Cà Mau, nơi tận cùng đất nước, có người con gái một thân một mình băng qua khói lửa, đạn bom, quyết xuyên rừng để tìm người yêu. Bà xin chuyển hết đơn vị này sang đơn vị khác, miễn sao được đi dần ra phía Bắc. Năm 1968, đang cùng đơn vị chiến đấu ở Lộ Vòng Cung thì bà nhận được tin sét đánh: Có một chuyến tàu không số bị nổ tung, thuyền trưởng trên tàu tên là “Tư Thắng”. Tột cùng đau đớn, bà lên gặp cấp ủy, xin được để tang chồng... “Thế nhưng, cũng như tôi, trong lòng bà ấy vẫn linh cảm là tôi chưa chết, vẫn đang chờ bà ấy. Và thế là bà ấy vẫn tiếp tục tìm. Chúng tôi một người vượt rừng, một người xuyên biển, tìm nhau giữa bom đạn chiến tranh”...

Suốt thời gian chúng tôi trò chuyện, bà bận rộn với việc nhà, chăm sóc các cháu nội, ngoại. Đến lúc này, bà mới nhẹ nhàng đến ngồi cạnh chồng. Đã hơn tuổi 60, khuôn mặt của bà Sáu Thùy vẫn giữ nét đẹp đằm thắm, dịu dàng... “Giữa lúc ước mơ được gặp lại nhau gần như vô vọng, thì chúng tôi bất ngờ gặp lại nhau”- Họ bồi hồi nhớ lại... Đó là khi “Tàu không số” tách ra thành lập đoàn 371, áp dụng chiến thuật hoạt động công khai, ngụy trang thành tàu đánh cá, nhưng đáy tàu có hai lớp dùng để chứa súng đạn. Đầu năm 1972, ông Tư Thắng được điều về đơn vị này. Còn Sáu Thùy sau nhiều năm không được tin tức của ông cũng quay về Cà Mau, xin vào công tác trong hệ thống bến của “Đoàn tàu không số”, chờ đợi ông trở về. Và một ngày cuối tháng 9-1972, chuyến tàu của ông Tư Thắng đến Cà Mau, cập bến Đầm Cùng... “Cái đêm tàu cập bến, tôi ngồi như ngây dại. Bao năm rồi mới quay lại Cà Mau, tôi nhớ đến lời thề bên bờ biển, nước mắt cứ chảy dài”- ông Tư Thắng hồi tưởng. Nào ngờ sáng hôm sau, tổ chức cho mời ông Tư Thắng lên hỏi chuyện, các anh cho biết Sáu Thùy đang ở Cà Mau, nhưng ở hệ thống bến khác. Hôm ấy, bà Sáu Thùy cũng được thủ trưởng “lệnh” đi công tác, không hề biết trước tổ chức đang “bí mật” cho hai người gặp nhau. “Đến khoảng 4 giờ chiều, tôi đang ở trong đồng thì nghe tin có khách. Tôi biết là bà ấy đến nên chèo xuồng ra, vừa mừng vừa lo vì bao năm phơi mình trên biển, tôi vừa đen, vừa già, râu ria xồm xoàm. Vậy mà cách một quãng đồng xa, bà ấy đã nhận ra tôi. Sáu Thùy băng ra bờ ruộng, vừa chạy vừa khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt, buông chèo, lao đến... Khó có thể diễn tả sự vui mừng của hai chúng tôi trong ngày hội ngộ ấy. Tính đến khi ấy, chúng tôi đã xa nhau hơn 8 năm. Chừng ấy năm chờ đợi, tìm kiếm, hạnh phúc cuối cùng cũng đã mỉm cười! Ngay hôm sau, lễ cưới của chúng tôi được 2 đơn vị đứng ra tổ chức ”... Khi ông Tư Thắng nói những điều ấy, tôi thấy hai người nắm chặt tay nhau, dường như cảm xúc về niềm hạnh phúc của ngày hội ngộ hôm nào vẫn còn vẹn nguyên trong lòng họ...

* * *

Năm 1973, ông Tư Thắng rời “Đoàn tàu không số” và chuyển sang nhiều đơn vị hải quân khác, trong đó có hơn 4 năm phục vụ ở chiến trường Campuchia. Tình yêu của họ là chuỗi dài nhớ nhung, mong đợi, mãi đến khi nghỉ hưu, ông bà mới được chính thức ở gần nhau. Bây giờ, trong căn nhà nhỏ ấy, vợ chồng anh hùng Nguyễn Đắc Thắng hàng ngày vui vầy bên con, cháu. Thỉnh thoảng, bạn bè đến chơi lại hay đòi họ kể lại câu chuyện tình yêu của mình. Một chuyện tình đẹp như huyền thoại, xuyên qua cả biển Đông đầy bão tố...

Chia sẻ bài viết