22/06/2009 - 20:43

"Mở rộng cửa" phía Tây

Khánh thành hành lang kinh tế Đông Tây tại Đà Nẵng. Ảnh: Danang.gov.vn

C ùng với thông tin đầu tháng này, ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan đã cấp phép cho 1.200 xe tải (400 xe mỗi nước) được lưu thông trao đổi hàng hóa qua biên giới theo hành lang kinh tế Đông Tây, mới đây chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp vốn xây dựng hệ thống đường cao tốc nối Thái Lan với Campuchia và Việt Nam. Những dự án giao thông đường bộ trên đang mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh giao thương với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Với tuyến đường cao tốc nối Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập nhóm nghiên cứu chung với Thái Lan để soạn thảo khuôn khổ tài chính và pháp lý cho việc xây dựng hệ thống này. Nhật dự kiến cấp 67 tỉ USD vốn viện trợ phát triển, bảo hiểm thương mại và các hỗ trợ khác cho dự án. Tuyến đường sẽ đi từ thành phố Hồ Chí Minh, qua Thủ đô Phnom Penh của Campuchia và Bangkok của Thái Lan, rồi tới tận bờ biển Ấn Độ Dương ở Đông Nam Thái Lan. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch hỗ trợ khu vực tăng gấp đôi tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2020 theo cam kết của Thủ tướng Nhật Taro Aso hồi tháng 4-2009.

Trong khi đó, xe tải thương mại từ Thái Lan, Lào và Việt Nam lần đầu tiên có thể đi vào lãnh thổ lẫn nhau để chuyển giao hàng hóa, sau khi ba nước chính thức giới thiệu hệ thống trao đổi quyền tham gia giao thông và đưa vào sử dụng hệ thống hải quan quá cảnh hàng hóa giữa 3 nước hôm 10-6. Hành lang kinh tế Đông Tây, một phần trong dự án đường cao tốc xuyên Á, đi từ Đà Nẵng qua Savannakhet của Lào tới lãnh thổ Thái Lan, hiện có thể vận chuyển trực tiếp đường bộ từ Thái Lan đến Việt Nam và ngược lại. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ phát triển hành lang kinh tế Đông Tây thông qua vốn vay 57 triệu USD hồi năm 1999, chủ yếu là cấp quỹ xây dựng và nâng cấp các tuyến đường ở Việt Nam và Lào.

Song song đó, ADB còn hỗ trợ dự án trị giá hơn 1 triệu USD về mặt kỹ thuật nhằm giúp tiểu vùng sông Mekong hoàn thiện hành lang kinh tế biển phía Nam. Hành lang này nối liền ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam thông qua cảng biển.

Các dự án trên góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa trong tiểu vùng sông Mekong. Do vậy, trong khi một số thị trường xuất khẩu truyền thống đang bị giảm sút, thì các nước láng giềng được xem là rất tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn như, một nghiên cứu cho thấy hơn 50% dân số ở Campuchia có nhu cầu thấp, quan tâm trước hết của họ là mẫu mã và giá cả. Hiện các sản phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu qua Campuchia là vật liệu xây dựng, phân bón, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng. Năm 2008, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đạt 1,7 tỉ USD. Theo ông Thon Virak, Vụ trưởng Vụ buôn bán quốc tế Bộ Thương mại Campuchia, với việc hai nước ký thỏa thuận thương mại song phương và hiệp định miễn thị thực nhập cảnh cuối năm ngoái, giá trị thương mại song phương đã tăng mạnh trong quý I/2009, và có thể đạt 2 tỉ USD năm nay. Tuy nhiên, hàng hóa Việt vào Campuchia phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc và Thái Lan, hiện đang có thị phần lấn lướt. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam ở Campuchia còn hoạt động nhỏ lẻ và chưa hình thành mạng lưới phân phối vững chắc.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa Thái Lan và Việt Nam đạt 6,2 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2007. Hai nước đã đặt mục tiêu nâng buôn bán hai chiều lên 10 tỉ USD vào năm 2010. Thái Lan cũng là một trong những nước đầu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam giai đoạn đầu mở cửa. Hiện Thái Lan đứng thứ 8 về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với 182 dự án, tổng số vốn hơn 5,6 tỉ USD. Tuy nhiên, hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, những dự án giao thông đường bộ nối liền các nước trong khu vực sẽ là tiền đề để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

N.KIỆT

Chia sẻ bài viết