17/07/2009 - 21:35

Liên kết nuôi cá tra

Mô hình giảm chi phí và rủi ro

Sự phát triển tự phát, thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất con giống, thức ăn, đến nuôi trồng, thu mua và chế biến cá tra xuất khẩu đã làm cho nghề nuôi cá tra tại ĐBSCL phát triển không bền vững. Có lúc giá cá rớt xuống dưới mức giá thành sản xuất làm người nuôi bị lỗ nặng. Để trụ được với nghề, nhiều nông dân tại TP Cần Thơ đã liên kết để giảm chi phí và rủi ro trong việc nuôi cá tra…

* ĐIỆP KHÚC THỪA HÀNG, RỚT GIÁ

Trong tháng 6-2009, người nuôi cá tra ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL lại lao đao vì tình trạng cá tới lứa nhưng không bán được, trong khi giá cá đã bị rớt xuống dưới mức giá thành sản xuất.

Giá cá tra nguyên liệu đang tăng trở lại do được nhiều doanh nghiệp thu mua. Trong ảnh: Một doanh nghiệp đang thu mua cá tra ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt.  

Giá cá giảm mạnh do nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ thu mua hàng cầm chừng, thay vào đó các DN tập trung chế biến lượng cá do DN tự nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2009, diện tích nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước do người nuôi cá bị lỗ trong năm 2008 đã nghỉ nuôi. Trong khi đó, dù việc xuất khẩu cá tra vẫn đang chịu sự tác động của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng do lợi thế về chất lượng và giá cả nên thị trường xuất khẩu cá tra tiếp tục được rộng mở. Vì vậy, giá cá tra giảm một cách thất thường đã làm cho nhiều người nuôi cá tra không khỏi bị sốc và cho rằng có sự “làm giá” của các DN xuất khẩu. Vào thời điểm khoảng nửa cuối tháng 6-2009, giá cá tra loại tốt chỉ còn ở mức 14.000-14.200 đồng/kg. Nhiều người nuôi cá tra bị lỗ trên 1.000 đồng/kg cá thương phẩm.

Đầu tháng 7-2009 đến nay, do các DN đang đẩy mạnh thu mua cá tra nguyên liệu trở lại và lượng cá tới lứa xuất bán cũng giảm nên giá cá tra có dấu hiệu phục hồi trở lại. Hiện giá cá tra đã tăng trở lại khoảng 600-800 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần. Tại TP Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu loại tốt, thịt trắng ở mức 14.700-15.000 đồng/kg. Với mức giá này, những DN sản xuất thức ăn trực tiếp nuôi cá hoặc những người nuôi cá bằng thức ăn tự chế theo dạng thô hay liên kết với những người sản xuất con giống và thức ăn để nuôi thì có thể có lời 200-300 đồng/kg. Còn những người nuôi đơn lẻ theo kiểu tự mua con giống, thức ăn (đặc biệt là thức ăn công nghiệp viên nổi) hầu như đều bị lỗ do giá thành sản xuất cá trên 15.500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Minh, nuôi cá tra ở cồn Tân Mỹ, thuộc cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, giải thích: “Do giá thức ăn và các chi phí đầu vào tăng, hiện giá cá tra phải từ 16.000 đồng/kg người nuôi mới đảm bảo có lời. Hiện nuôi cá tra bằng thức ăn dạng thô tự chế có thể có lời nhưng mức lời cũng rất ít và có nhiều rủi ro. Nguyên nhân, do nuôi cá bằng thức ăn dạng thô tự chế nếu không đúng cách cá dễ bị vàng thịt, khó bán, trong khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi cá thường đạt chất lượng cao, dễ bán”.

* LIÊN KẾT TRỞ THÀNH YÊU CẦU CẤP THIẾT

Theo nhiều người nuôi cá tra, mặc dù giá cá tra đã phục hồi trở lại, nhưng rủi ro trong nuôi cá từ việc giá cá tăng giảm thất thường đang rất lớn. Chính vì vậy, nhiều người nuôi cá vẫn tái thả nuôi lại nhưng thận trọng hơn trước. Họ không tái nuôi lại một lượt nhiều ao mà nuôi với số lượng ít hơn theo dạng trải đều, tránh thu hoạch dồn một lúc nhiều ao. Đồng thời, tự làm các loại thức ăn tự chế theo dạng thô để nuôi cá nhằm giảm chi phí thức ăn. Song, như vậy vẫn chưa hết rủi ro và chưa giảm được đáng kể các chi phí đầu vào. Vì vậy, việc liên kết với các DN thu mua xuất khẩu cá tra và các nhà sản xuất con giống, thức ăn để nuôi cá thịt đã và đang trở thành sự lựa chọn của nhiều người nuôi cá tra tại TP Cần Thơ.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, nuôi cá tra ở cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Giá cá tra từ 14.100 đồng/kg tăng lên 14.700 đồng/kg đã giúp người nuôi cá có lời. Tôi vừa bán một ao cá được 183 tấn cá, lời hơn 350 triệu đồng. Ao cá của tôi nuôi có lời do nuôi đạt tỷ lệ cao và giảm được chi phí sản xuất vì cho cá ăn thức ăn tự chế, chứ ở đây nhiều hộ nuôi cá bằng thức ăn viên nổi bán cá với mức giá trên đều bị lỗ. Do có ao sẵn nên tới đây gia đình tôi cũng nuôi tiếp tục, nhưng dự định sẽ tìm một công ty để liên kết nuôi theo đơn đặt hàng của họ, chứ không dám làm ăn theo kiểu đơn lẻ, vì rất nhiều rủi ro. Cụ thể, đợt rồi tôi bán ao cá cho một công ty vốn quen biết nên không làm hợp đồng. Lúc đó, giá cá ở mức 15.600 đồng/kg nhưng sau đó giá cá giảm mà công ty không cho hay, cũng không đến bắt cá, cá rớt giá xuống còn 14.200 đồng/kg, tính ra tôi bị mất mấy trăm triệu đồng”.

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều người nuôi cá tra tại TP Cần Thơ tiến hành việc liên kết và phát huy được hiệu quả, giúp giảm chi phí do có nguồn con giống và thức ăn giá rẻ vì không phải mua qua trung gian. Mặt khác, đầu ra sản phẩm lại ổn định theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, không phải “bán tháo bán đổ” cá khi thấy có dấu hiệu “dội hàng”.

Hợp tác xã (HTX) Thới An ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có 19 xã viên, với diện tích nuôi cá tra là 22 ha, sản lượng cá đạt 15.000-16.000 tấn/năm. Thời gian qua, nhờ liên kết lại với nhau và liên kết với các doanh nghiệp trong việc nuôi và tiêu thụ cá nên các xã viên trong HTX giảm được các chi phí sản xuất và có đầu ra ổn định. Cụ thể, có lúc giá cá tra tuột xuống thấp nhưng giá bán cá tra của các xã viên trong HTX luôn ở mức 15.500 đồng/kg do được Công ty Nuôi trồng Hùng Vương (ở Tiền Giang) bao tiêu sản phẩm.

Ông Lê Văn Suốt, Kiểm soát HTX Thới An, bộc bạch: “Năm 2009, để việc làm ăn của HTX đi vào ổn định hơn, chúng tôi tiếp tục liên kết với Công ty nuôi trồng Hùng Vương nhưng theo hướng mới là hợp đồng nuôi cá gia công, người nuôi được Công ty Hùng Vương trả 2.500 đồng/kg cá thương phẩm. Nuôi theo dạng này, có thể không có lời nhiều nhưng đảm bảo có thu nhập ổn định”.

Ông Trương Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, nhận định: “Ngày càng có nhiều người nuôi cá tra và thủy sản nói chung quan tâm đến việc liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất con giống đến thức ăn, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu hàng nhằm giảm được các chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận vì không phải mua bán hàng thông qua nhiều trung gian. Hiện tại, thành phố đã có 10 HTX thủy sản với trên 200 xã viên và 314 ha diện tích nuôi thủy sản, tăng 4 HTX so với năm 2008. Điểm mạnh của các HTX hiện nay là tạo được sự gắn kết giữa nhiều người trong chuỗi mắt xích nuôi trồng thủy sản nên giảm được nhiều chi phí sản xuất và có điều kiện tiếp cận nhanh với các thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, dễ được DN bao tiêu đầu ra... Nhiều HTX đã tự sản xuất được con giống, thức ăn hoặc liên kết với những người sản xuất con giống, thức ăn để mua hàng tận gốc với giá rẻ. Nhưng điểm yếu là các HTX đều chỉ mới làm một vài mắt xích trong chuỗi sản xuất, chưa có HTX nào “đủ lực” để có thể đảm trách khâu chế biến, xuất khẩu hàng...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết