05/09/2022 - 05:47

Mô hình canh tác lúa thông minh giúp nâng cao thu nhập cho nông dân 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Tiếp nối thành công từ hợp tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Công ty CP Phân bón Bình Ðiền trong Chương trình canh tác lúa thông minh (Chương trình CTLTM) năm 2016-2017 tại vùng ÐBSCL, hai bên đã tiếp tục triển khai Chương trình CTLTM thích ứng phó biến đổi khí hậu (BÐKH) vùng ÐBSCL giai đoạn 2021-2022. Qua 2 giai đoạn được triển khai, các mô hình CTLTM đã khẳng định hiệu quả thiết thực trong nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại tỉnh Sóc Trăng.

Chương trình CTLTM có mặt ở ÐBSCL đánh dấu một bước tiến trong định hướng xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả, an toàn và bền vững. Qua 2 giai đoạn, Chương trình CTLTM đã thực hiện 495 ruộng mô hình trình diễn, với diện tích 247,5ha tại 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Qua Chương trình, nhiều giải pháp canh tác đã được áp dụng có hiệu quả như giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 80kg/ha, giảm lượng phân bón và phù hợp theo từng điều kiện canh tác, quản lý nước tưới hiệu quả, quản lý sâu bệnh hại theo IPM,… đã giúp mang lại các hiệu quả thiết thực trong nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Các ruộng lúa trong mô hình không chỉ giảm mạnh chi phí tiền vật tư mà năng suất còn tăng vượt trội so với ruộng đối chứng từ 200-870 kg/ha, lợi nhuận bình quân tăng 3,5-5,9 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả ở các mô hình trình diễn, nông dân tại nhiều nơi đã áp dụng làm theo và cũng đạt được những kết quả tương tự. Quy trình và cách làm của Chương trình cũng được các địa phương áp dụng vào các dự án, chương trình lớn để phát triển cây lúa tại địa phương mình trong giai đoạn từ 2021-2025.

Ðể thực hiện Chương trình CTLTM, Công ty CP Phân bón Bình Ðiền cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tiến hành thực hiện rất nhiều buổi hội thảo, tập huấn với khoảng 7.000 lượt người tham dự. Xây dựng 25 video hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và xuất bản hàng nghìn tài liệu kỹ thuật, sổ tay Canh tác thông minh. Cung cấp cho lực lượng cán bộ kỹ thuật và nông dân máy phun phân bón, bút đo độ mặn tự động, các bộ test đo pH đất; cung cấp thiết bị kiểm soát ngập khô xen kẽ và trạm bơm thông minh… Ðặc biệt, năm 2021, Bình Ðiền đầu tư lắp đặt thêm 1 trạm giám sát sâu rầy, 13 trạm quan trắc nước mặn, nâng tổng số lên 22 trạm cho toàn vùng ÐBSCL. Bước sang năm 2022, Bình Ðiền tiếp tục đưa vào sử dụng App Canh tác thông minh nhằm có thể chăm sóc nông dân và các đại lý bán hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn. Chương trình CTLTM cũng đã thực hiện phân tích mẫu đất ở tất cả các mô hình trong từng vụ và phân tích mẫu lúa để đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm hỗ trợ kiểm soát chỉ tiêu an toàn cho sản phẩm đầu ra.

Chương trình CTLTM đang bước vào giai đoạn cuối vụ hè thu 2022 cũng là thời điểm kết thúc của thỏa thuận hợp tác thực hiện Chương trình giữa Công ty CP Phân bón Bình Ðiền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trong khuôn khổ sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 8-2022, hai bên đã phối hợp tổ chức hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả chương trình và chuẩn bị kế hoạch nhân rộng Chương trình trong giai đoạn tới. Ðồng thời, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Chương trình Canh tác thông minh trên cây lúa và các loại cây trồng khác giai đoạn 2022-2025.

Theo ông Ngô Văn Ðông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Ðiền, tới đây Công ty tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đẩy nhanh tiến độ đăng ký và báo cáo trình cấp có thẩm quyền công nhận Quy trình Canh tác lúa thông minh là Tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất để tạo điều kiện phổ biến rộng rãi đến tất cả bà con nông dân. Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các địa phương triển khai canh tác thông minh cho một số đối tượng cây trồng khác như cây ăn trái, cây cà phê, cây cao su hay một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðồng thời, cải tiến các chương trình kết hợp với những sản phẩm mang thương hiệu Ðầu Trâu của Bình Ðiền để góp phần vào sản xuất xanh, tiết giảm phát thải khí nhà kính và giúp bà con có sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Ðông cho rằng: "Trước sự cạnh tranh quốc tế rất mạnh và với mong muốn nâng cao chất lượng nông sản cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân thì chúng tôi cho rằng Chương trình CTLTM áp dụng trên các loại cây trồng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Ðây là một hướng đi mà chúng tôi cho là rất phù hợp trong bối cảnh như hiện nay".

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay sản xuất lúa gạo tại vùng ÐBSCL đã trở thành những thương hiệu rất lớn không chỉ trong nước mà còn là thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên, giải pháp canh tác thông minh để phát triển bền vững vẫn đang ở phía trước. Thông qua hợp tác với Công ty Phân bón Bình Ðiền, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn 13 tỉnh, thành ÐBSCL cùng vào cuộc để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, có được những quy trình công nghệ và giải pháp tốt nhất giúp nông dân ÐBSCL canh tác lúa thông minh.

Dự kiến, trong giai đoạn mới 2022-2025, Công ty CP Phân bón Bình Ðiền cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp các địa phương vùng ÐBSCL và các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất lúa gạo để nhân rộng có hệ thống quy trình canh tác lúa thông minh. Xây dựng các chương trình, dự án để tiếp tục thực hiện các mô hình trình diễn, thử nghiệm để cải tiến quy trình trên cây lúa, cũng như mở rộng trên nhiều loại cây trồng khác tại ÐBSCL và trong cả nước. Ðẩy mạnh ứng dụng tự động hóa, cơ giới hóa, canh tác thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo nông sản an toàn.

Chia sẻ bài viết