19/12/2014 - 13:28

Mình ta với Yên Tử

Mùa lễ hội của Yên Tử bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng ba âm lịch. Nhưng với một số người, lên Yên Tử cuối năm, thời điểm được xem là vắng vẻ nhất tại đất thiêng của Phật giáo Việt Nam - nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ bỏ cuộc sống quyền quý để lên núi tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm - mới cho khách hành hương sự thanh tịnh tuyệt đối để cảm nhận một Yên Tử bình yên, thiêng liêng và tuyệt đẹp .

Yên Tử cách Hà Nội khoảng 125km, từ bến xe Gia Lâm, du khách có thể bắt các tuyến xe đò đi ngang thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, xuống xe ở Đền Trình Yên Tử, tại đây có xe đưa đón du khách từ Ban Quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, hoặc khách có thể đi xe ôm hay taxi đến chân núi. Cũng còn một tuyến đường được nhiều người chọn là đến TP Hải Phòng, đi qua thị trấn Núi Đèo rồi lên Yên Tử.

Đặt chân đến chân núi, đã thấy xa xa mây phủ trắng đỉnh non xanh, đúng như tên Bạch Vân Sơn mà nhiều người còn gọi Yên Tử. Từ chân núi, có hai cách để lên đến đỉnh núi cao 1.068 mét (chùa Đồng): thứ nhất là dùng cáp treo (gồm 2 đoạn) và cách thứ hai được rất nhiều khách hành hương lựa chọn là leo những bậc đá với tổng chiều dài 6km len lỏi trong rừng thông rừng trúc, ghé thăm hàng trăm kiến trúc Phật giáo được xây dựng qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Trên đỉnh Yên Tử.

Yên Tử là một quần thể kiến trúc Phật giáo nép mình giữa đại ngàn và núi non trên diện tích khoảng 2.686 hécta, trong đó có 1.736 hécta rừng. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã kiến tạo hệ thống am, chùa đầu tiên để tu hành và thuyết giảng Phật pháp, sáng lập dòng Phật giáo riêng của Việt Nam. Sau đó các đời tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm trải qua 700 năm giữ gìn, phát triển Trúc Lâm Yên Tử.

Hành trình lên Yên Tử chính thức bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá cổ dài 10 mét bắc ngang. Vẻ đẹp cổ kính hiển hiện từ màu đá, kiến trúc không cầu kỳ nhưng vững chắc. Cách đó không xa là Chùa Giải Oan. Tương truyền tên Giải Oan có nguồn gốc từ việc Vua Trần Nhân Tông thoái vị lên núi tu tập, các cung tần không thể thuyết phục ông trở về, đã gieo mình xuống suối tự vẫn, Phật Hoàng Nhân Tông đã lập chùa để giải oan siêu độ cho họ. Chùa Giải Oan nằm ngay cửa ngõ vào Yên Tử, được phục dựng trên nền móng ngôi chùa cũ thời Trần, kiến trúc cổ kính trầm mặc hòa cùng cảnh sắc tĩnh lặng của vườn hoa, rừng cây xung quanh.

Đi qua những bậc đá xuyên qua Đường Tùng hoặc Đường Trúc, là đến quần thể chùa Hoa Yên (535 mét so mặt nước biển), còn gọi Chùa Cả, Chùa Vân Yên. Đây là trung tâm của toàn khu Di tích. Tương truyền nơi đây thế đất tựa đầu rồng nên được Phật hoàng Trần Nhân Tông lập Am Vân Yên để tu hành và giảng đạo, đến đời Tổ sư thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm – Thiền sư Pháp Loa – Am Vân Yên được xây dựng thành ngôi chùa vững chãi, uy nghiêm giữa non cao, với kiến trúc đậm dấu ấn thời Lý, Trần. Hơn 100 năm sau, chùa được Vua Lê Thánh Tôn đổi tên thành Hoa Yên. Đến nay chùa đã được trùng tu nhiều lần trên nền được xây dựng vào thời Trần và lưu giữ nhiều cổ vật quý. Sân chùa có 3 cây Đại trên 700 năm tuổi. Trên đường đến Chùa Hoa Yên, khi vừa vượt qua Đường Tùng, là Vườn tháp Huệ Quang, với Tháp Tổ Huệ Quang làm trung tâm, là nơi giữ xá lợi của các vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm. Riêng Tháp Tổ Huệ Quang được xây dựng vào năm 1309, một năm sau ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông qua đời. Đến được đây, bao mệt mỏi của hành trình leo núi dường như tan biến. Khách hành hương như lạc vào chốn khác với mây trắng bồng bềnh ngang núi, những tầng tháp, mái chùa thâm nghiêm, những cây cổ thụ 700 năm tuổi thân gồ ghề rêu phong vươn cành giữa mây gió.

Từ Hoa Yên, lên thêm khoảng 200 mét và lên cao nữa là những ngôi chùa lẩn khuất trong mây bên triền núi như Chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái, Chùa Vân Tiêu… Từ đây nhìn xuống, sẽ thấy cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng, trời mây Yên Tử. Tiếp tục lên cao sẽ bắt gặp tượng đá An Kỳ Sinh, hình dáng như một vị đạo sĩ với nhiều truyền thuyết xoay quanh xuất xứ và thân thế của bức tượng. Khi còn hơn 700 mét nữa là đến đỉnh, không còn những bậc thang, mà còn chỉ còn những tảng đá nhỏ để khách hành hương hướng về Chùa Đồng. Có người ví Chùa Đồng tọa lạc trên một tòa sen bởi đỉnh Yên Tử như một đóa hoa, mỗi phiến đá là một cánh sen. Chùa Đồng được dựng vào thời Lê, sau do thiên tai chùa không còn và trải qua nhiều lần phục dựng. Năm 2006, Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử tổ chức Đại lễ khởi công đúc Chùa bằng đồng có trọng lượng 70 tấn, chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, chiều cao 3,35m. Lên đến đây, khách hành hương sẽ không khỏi lâng lâng bay bổng với cảm giác như chạm đến mây trời, những hôm thời tiết tốt, có thể phóng mắt nhìn bao quát của vùng Đông Bắc Bộ, thấp thoáng là những đảo nhỏ của Vịnh Hạ Long, xa xa là sông Bạch Đằng mờ ảo.

Dọc đường xuống, nếu còn thời gian, còn có rất nhiều di tích khách phải viếng thăm, như Chùa Bí Thượng, Chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực, Chùa Lân, Hòn Ngọc, Cổng Trời, Bia Phật… Tất cả đều cổ kính, đều gắn liền với truyền thuyết, với lịch sử khai sáng dòng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết