09/09/2019 - 22:35

Minh bạch hóa thông tin, tạo dựng niềm tin cho khách hàng 

Nằm trong nhóm các mặt hàng mang lại tỉ đô trong kim ngạch xuất khẩu hằng năm, ngành sản xuất và chế biến thủy sản nước ta đã và đang được đầu tư khá bài bản từ khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu. Trong đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc để minh bạch hóa thông tin sản phẩm ngày càng được quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ phía nhà nhập khẩu cũng như khách hàng khó tính.

Xu hướng hiện nay, người tiêu dùng trong và ngoài nước đều mong muốn biết thông tin về quá trình nuôi trồng, chế biến đối với sản phẩm đang sử sụng. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa.

Xu hướng hiện nay, người tiêu dùng trong và ngoài nước đều mong muốn biết thông tin về quá trình nuôi trồng, chế biến đối với sản phẩm đang sử sụng. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa.

Đòi hỏi từ thị trường

Theo ông Lê Đại Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Icheck, yêu cầu về hệ thống truy xuất nguồn gốc không mới, nhưng đến nay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam đều đang áp dụng các công nghệ cũ, lạc hậu và thủ công như: Ghi chép bằng tay, lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách; các bộ hồ sơ truy xuất nguồn gốc được quản lý bằng mã số truy xuất nguồn gốc nội bộ của doanh nghiệp, thông tin truy xuất được thực hiện thông qua việc tổng hợp giấy tờ... Phương pháp này bộc lộ nhiều nhược điểm như: tốc độ chậm; dễ gây sai sót, nhầm lẫn; đáp ứng thông tin kém; xử lý (triệu hồi, hủy bỏ) không kịp thời... Đứng trước thực trạng trên, một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thu nhận và lưu trữ dữ liệu tự động, an toàn là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Thực tế cho thấy, hiện nay, người tiêu dùng, các chuỗi phân phối và bán lẻ, người sản xuất, nhà quản lý đều có nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nêu dẫn chứng: “Chẳng hạn, nhà sản xuất cần xây dựng thương hiệu riêng tới tay người tiêu dùng; Nâng giá trị của sản phẩm; Giảm phụ thuộc vào thương lái, khâu trung gian; Tăng kiểm soát thực hành chu trình tốt; Giảm thất thoát, hư hỏng trong toàn bộ chu trình sản xuất; Chứng minh được chất lượng, các tiêu chuẩn của khách hàng. Còn nhà quản lý mong muốn xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia, địa phương; Kiểm soát các chứng chỉ theo yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế; Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân; Chống hàng giả; Có thông tin vùng sản xuất, sản lượng để cân bằng cung cầu…”.

Riêng đối với thị trường xuất khẩu, theo nhiều chuyên gia kinh tế dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó có yêu cầu về minh bạch hóa thông tin sản phẩm. “Vừa qua, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố tôm chính thức được đưa vào Chương trình giám sát thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Theo đó, kể từ ngày 31-12-2018, các nhà nhập khẩu phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP như đáp ứng đầy đủ thông tin về thu hoạch, đánh bắt và hành trình di chuyển đến khi cập cảng Hoa Kỳ và có thể truy xuất lại trong vòng 2 năm. Điều này cho thấy, để đứng vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt doanh nghiệp phải có giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu từ thị trường”-ông Trịnh Đặng Khánh Toàn, Tổng Giám đốc điều hành T.C Group chia sẻ.

Tích hợp nhiều tính năng ưu việt

Theo nhiều chuyên gia, các hộ nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần phải xây dựng giá trị nhận diện và niềm tin với khách hàng thông qua chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc. Bởi phương pháp quản trị và truy xuất nguồn gốc điện tử mang lại những lợi ích thiết thực cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cơ quan quản lý phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu chung của ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng cho các doanh nghiệp chế biến và sản xuất dễ dàng kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử của Bộ, tạo nên một sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp tham gia. Đối với doanh nghiệp, thông tin được số hóa lưu trữ trên hệ thống mạng máy tính, bảo mật thông tin, tránh mất thông tin, tài liệu; Mã số truy xuất nguồn gốc cho từng lô hàng, theo các tiêu chuẩn quốc tế và đơn nhất trên toàn cầu; Tiết kiệm thời gian, nguồn lực để tiếp nhận và xử lý thông tin; Đáp ứng các yêu cầu Hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc tế. Đối với người tiêu dùng, các xuất khẩu có thể yêu cầu triệu hồi và nhanh chóng nhận được các thông tin cần thiết về sản phẩm; Quyền lợi của người tiêu dùng cuối được đảm bảo, có quyền yêu cầu truy xuất mọi thông tin liên quan đến sản phẩm, xử lý bồi thường thiệt hại nếu có vấn đề xảy ra.

Ông Trịnh Đặng Khánh Toàn, Tổng Giám đốc điều hành T.C Group, cho biết: “Việc ứng dụng thiết bị đo kiểm giám sát tại chỗ cũng giúp ích cho chính nhà nhập khẩu có thể giám sát được chất lượng, nguồn gốc và đánh giá được trực tiếp tình trạng môi trường tại hồ nuôi. “Hệ thống giám sát chất lượng nguồn nước online” với thương hiệu T.C Chek nhằm giúp cho bà con nông dân, các công ty có được một công cụ thống kê, giám sát, đo lường trực tiếp và cảnh báo, báo động nhanh chóng, kịp thời cho người có trách nhiệm để ra lệnh can thiệp bằng các biện pháp xử lý để đưa môi trường nuôi trồng thủy sản về mức độ an toàn trong thời gian nhanh nhất”. Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đề xuất phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử TE-FOOD kiểm soát chuỗi cung ứng tôm theo từng giai đoạn (Từ con giống tới nhà máy chế biến; Từ trại nuôi, Hợp tác xã tới nhà máy chế biến; Từ nhà máy chế biến-xuất hàng; Từ tôm bố mẹ tới người tiêu dùng) và theo từng mô hình ưu tiên thực hiện (Mô hình cho các trang trại riêng; Mô hình các trang trại liên kết; Mô hình hợp tác xã; Mô hình mua tôm bên ngoài…).

Ông Lê Đại Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ICheck, cho rằng, để việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử vào thực tế đạt kết quả như kỳ vọng cần tuân thủ 5 yêu cầu: Xem được đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định lưu hành và công bố sản phẩm; Truy xuất được chuỗi liên kết tạo ra giá trị sản phẩm (Các cá nhân và tổ chức có tham gia hoặc liên quan đến quá trình sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm); Xem được chỉ dẫn địa lý của vùng sản xuất ra sản phẩm; Xem được các giấy tờ và các chứng nhận về thành phần, chất lượng và các công nhận về sản phẩm; Chứng minh được lịch sử sản xuất - chế biến - phân phối sản phẩm thông qua nhật ký hoạt động điện tử được đóng góp bởi tất cả các thành viên trong chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Khi 5 yêu cầu trên được thực hiện đồng bộ mới đảm bảo chuỗi giá trị thủy sản trở nên minh bạch và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết