16/08/2020 - 07:14

Miếu Gia Long và mộ ông Bõ: Dấu tích của vua Gia Long ở miền Tây  

Miếu Gia Long và mộ ông Bõ (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là một trong những nơi còn lưu dấu tích của vua Gia Long ở Nam bộ. Nơi đây gắn liền với địa danh “Cây đa bến ngự” cùng với một số phế tích có liên quan đến cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh ở đất Nam bộ. Miếu được nhân dân xây dựng trên nền đồn cũ Hồi Oa (Nước Xoáy) để lưu dấu thuở bôn đào của vị vua mở đầu triều đại nhà Nguyễn. Và ngôi mộ ông Bõ thì do vua Gia Long cho xây dựng để nhớ công lao người từng giúp mình thuở trước.

Tương truyền, vào năm 1787, chúa Nguyễn Ánh sau một thời gian lưu vong bên Xiêm La đã trở về nước và đồn trú ở Hồi Oa, tục gọi là Nước Xoáy (nay thuộc ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A). Từ đây, với nguồn hậu cần dồi dào, lại thu phục được nhân tâm, chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, lần lượt thu giang sơn và lập ra triều đại nhà Nguyễn.

Miếu Gia Long được xây dựng kiên cố vào thời điểm nào đến nay vẫn không được rõ. Tuy nhiên qua khảo sát nền cũ của miếu với kết cấu bằng gạch thức, có thể đoán định Miếu được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Miếu được xây bằng gạch trên nền cao 0,3m, kích thước 5,35x3,3m, trước miếu có cặp sư tử đá được tạc từ năm 1922. Bên trong bày trí đơn giản bàn thờ và bài vị vua Gia Long cùng với bàn thờ Tả Ban – Hữu Ban bắt trên tường.

Từ sau ngày vua Gia Long băng hà, người dân nơi đây đã dựng miếu và cúng giỗ hằng năm vào ngày 18-19 tháng Chạp (ngày mất của vua Gia Long) và giữ lệ này từ đó đến nay.

Cách miếu Gia Long không xa là quần thể mộ ông Bõ (ông Nguyễn Văn Hậu). Theo các bậc cao niên tại địa phương, thời gian đóng quân ở đồn Hồi Oa, Nguyễn Ánh đã tạo được nhiều thiện cảm đối với dân chúng, nhiều nhà đã không tiếc của, sẵn sàng góp gạo nuôi quân và người có công rất lớn trong việc này là ông Hậu. Sau này được Nguyễn Ánh nhớ ơn xem như cha nuôi.

Năm 1809, ông Hậu mất, nhớ công lao thuở trước, vua Gia Long phong cho ông tước Hầu và lệnh cho Bộ Công đưa người và vật tư từ kinh đô vào xây mộ cho ông.

Cạnh mộ ông Bõ là mộ Hoàng Cô (con gái út của ông Hậu tên Nguyễn Thị Ngọc Mai). Nguyễn Ánh say mê sắc đẹp của cô, có ý muốn lấy cô làm thứ phi nhưng cô từ chối với lý do ông đã là con nuôi của cha cô.

Hiện ngôi mộ ông Bõ đã hư hỏng phần nấm, còn mộ của Hoàng Cô cũng đã xuống cấp, sụt lún nhiều chỗ. Hoa văn, họa tiết trên các ngôi mộ theo thời gian hầu hết đã bị bào mòn, sứt mẻ.

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết