07/09/2020 - 14:28

Microsoft ra mắt công cụ phát hiện hình ảnh và video giả mạo 

Microsoft vừa tung ra công cụ mới có tên Video Authenticator nhằm giúp phát hiện các hình ảnh và video bị làm giả bằng công nghệ thông minh deepfake để lừa người xem tin tưởng vào những thông tin sai sự thật trên Internet. 

Công cụ Video Authenticator của Microsoft có thể phân tích một ảnh tĩnh hay một video để cho biết mức độ bị chỉnh sửa. Đối với video, nó có thể cho biết tỷ lệ làm giả theo thời gian thực trên từng khung hình khi video đang phát. Video Authenticator sử dụng kho dữ liệu cộng đồng của Face Forensic++ về nhận dạng giả mạo khuôn mặt.

Microsoft cũng cho biết đã có ít nhất 96 chiến dịch deepfake trên mạng xã hội nhắm vào người dùng ở 30 quốc gia từ năm 2013-2019. Một video deepfake là một video bị chỉnh sửa nhằm làm cho nhân vật nói ra những điều mà họ không nói hay xuất hiện ở những nơi mà họ không hề đến. Các chiến dịch Deepfake thường được thực hiện trên mạng xã hội, nhằm hạ uy tín của những người nổi tiếng, thuyết phục hay dẫn dắt cộng đồng mạng theo một ý đồ riêng khi có sự kiện xã hội lớn.

Microsoft cũng tung ra một công nghệ mới khác để giúp người xem phát hiện nội dung bị làm giả, và xác định nó có thật hay không. Theo đó, các nhà sản xuất nội dung sẽ được cấp một chứng chỉ để đảm bảo rằng nội dung là thật. Bên cạnh đó, một tiện ích mở rộng trình duyệt web sẽ được phát hành để đọc các chứng chỉ đó, và xác nhận với người dùng video mà họ đang xem có phải là phiên bản thật hay không.

Tuy nhiên, do công nghệ deepfake không ngừng phát triển, Microsoft cũng khuyến nghị người dùng nên nâng cao hiểu biết để phân biệt giữa tin thật và tin giả. Để hướng dẫn người dùng phát hiện deepfake, Microsoft cũng tung ra trang web SpotTheDeepFake.org.

LÊ PHI (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết