27/09/2015 - 10:04

Lưu Văn Lang – nhà bác vật kỳ tài

"Bác vật" là từ thường dùng của người miền Nam đầu thế kỷ XX dành cho những kỹ sư, hoặc người tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật. Trong số những bác vật nổi danh ở miền Nam thời bấy giờ, bác vật Lưu Văn Lang nổi danh với những phát minh độc đáo và những giai thoại ly kỳ. Có thể nói, bác vật Lang đã có công lớn trong phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Kỹ sư Lưu Văn Lang (1880-1969), sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Do ham học lại thông minh, Lưu Văn Lang được gia đình cho lên Sài Gòn, học ở ngôi trường danh tiếng Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn – TP Hồ Chí Minh). Đỗ tú tài hạng ưu, ông được học bổng sang Pháp học tại trường École centrale de Paris. Năm 1904 ông tốt nghiệp từ ngôi trường này và trở thành vị kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương.

Bác vật Lang có lòng yêu nước nồng nàn. Sách "Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh", cố Giáo sư Trần Văn Giàu ghi nhận: "Hằng trăm trí thức lớn ở Sài Gòn có đủ các ngành nghề, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, chuyên gia, quản lý kinh doanh, nhiều lần ký tên vào những bản tuyên ngôn, kiến nghị yêu cầu chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh… Mỗi lần như vậy, người ta đều thấy nhà bác vật Lưu Văn Lang đứng đầu sổ". Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, bác vật Lang được vua Bảo Đại mời tham gia nội các Trần Trọng Kim, giữ chức bộ trưởng Công Chánh nhưng ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho rằng chỉ là một công cụ của người Nhật.

Độc đáo đồng hồ đá

Ngay trung tâm TP Bạc Liêu, đối diện trụ sở Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu có một di tích được công nhận Di tích kiến trúc cấp tỉnh mang tên "Đồng hồ Thái Dương", mà bà con quen gọi là đồng hồ đá.

 Đồng hồ Thái Dương do bác vật Lưu Văn Lang xây dựng tại Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khôi

Đồng hồ này không dùng bất kỳ loại máy móc và không có kim mà chỉ toàn bằng gạch, xi măng có chiều cao khoảng 0,8m, rộng 1m. Trên bề mặt đồng hồ kẻ 12 chữ số La Mã phân định đều nhau, giữa mặt đồng hồ xây đường "gờ" nhô lên. "Gờ" này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số, phân chia đồng hồ thành hai phần sáng - tối. Phần ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào có màu tối, phần còn lại do không bị gờ che ánh sáng nên có màu sáng. Nơi tiếp giáp giữa hai màu đó chỉ giờ trong ngày.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đồng hồ này do nhà bác vật Lưu Văn Lang xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Lý lịch của di tích này còn ghi nhận: "Hồi đó, ông Thông, ông Phán, ông Huyện (các chức danh trong bộ máy nhà nước thời thuộc Pháp) đều ghé xem giờ trước khi vào trình giấy cho tỉnh trưởng. Cả các quan Tây cũng thường xuyên ghé xem đồng hồ Thái Dương để... chỉnh giờ đồng hồ đeo tay của mình theo cho chuẩn". Năm 1994, nền đất của đồng hồ đá bị sụp khiến đồng hồ "chạy" không còn chính xác nên ngành văn hóa Bạc Liêu đã cho nâng nền giúp đồng hồ chính xác như thuở bác vật Lang mới xây dựng. Năm 2006, UBND tỉnh Bạc Liêu đã công nhận đồng hồ đá Thái Dương là Di tích cấp tỉnh. Hiện nay, đồng hồ đá là điểm tham quan của nhiều du khách khi đến Bạc Liêu.

Nói thêm về việc tại sao bác vật Lang có mặt tại Bạc Liêu vào những năm đầu thế kỷ XX, bên cạnh nguyên nhân đi công tác thì thời điểm ấy ông làm ở Sở Công Chánh Sài Gòn. Theo nhiều tài liệu, năm 1927, bác vật Lưu Văn Lang với ý tưởng phát triển tài chánh nước nhà đã cùng những người bạn là Huỳnh Đình Khiêm (người Gò Công) và Trần Trinh Trạch (Bạc Liêu, tức cha Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy) mở "Việt Nam ngân hàng" với 2 hội sở chính ở Sài Gòn và 1 ở Cần Thơ. Bởi thế, ở Bạc Liêu còn nhiều công trình do bác vật Lang thiết kế.

Những giai thoại về bác vật Lang

Đi trên đoạn quốc lộ 1A, đoạn cuối của trung tâm TP Bạc Liêu, khách sẽ ngang qua cầu Dần Xây mà người dân vẫn quen gọi là cầu Sập. Gần khu vực đó, người dân vẫn mặc định các địa danh khác là chợ Cầu Sập, xóm Cầu Sập… Địa danh cầu Sập có liên quan đến bác vật Lưu Văn Lang.

Đương thời, kỹ sư Lưu Văn Lang nổi tiếng giỏi nghề xây dựng, kiến trúc và địa chất nên người Pháp rất nể trọng. Riêng người dân Nam bộ hay truyền tụng nhau chuyện bác vật Lang "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", nắm giữ "thiên cơ", chẳng hạn như vùng đất nào sẽ sụp lở, chiếc cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt... Khi ông bác vật xuống Bạc Liêu thì thấy cầu Long Thạnh (tức cầu Sập sau này) do Pháp xây dựng gần xong, sắp thông xe. Ông bác vật lấy cây gõ nhẹ vào thành cầu, quan sát địa thế… rồi phán rằng: "Một tháng nữa cầu sẽ sập!". Viên kỹ sư người Pháp từ giận dữ chuyển sang thán phục bởi đúng ngày giờ ông bác vật đã nói, cầu bị sập! Địa danh cầu Sập ra đời từ đó.

Một giai thoại khác kể rằng, khi ông bác vật Lang về quê hương Đồng Tháp, ngang qua mũi Cần Dố (Sa Đéc), sau khi quan sát tình hình liền báo với bà con địa phương nên tìm nơi ở mới vì khu vực này nay mai sẽ sạt lở vô hàng chục công đất. Quả nhiên sau đó không lâu, mũi Cần Dố bị sụp! Cũng nhờ tài năng của bác vật Lang mà nhiều công trình khác đã được cứu nguy. Tiêu biểu là cầu Khánh Hội (nay thuộc TP Hồ Chí Minh), khi cầu thông xe thì bị rung rinh. Mặc cho kỹ sư Pháp sửa thế nào cũng vẫn "đung đưa" khiến người qua lại rất sợ hãi. Họ tìm đến ông bác vật. Ông đã hướng dẫn đội ngũ kỹ sư này làm kiềng treo trên cầu nên chuyện qua lại "êm ru". Một số cây cầu khác như cầu An Hữu (nay thuộc Tiền Giang), cầu ngang Tòa bố Sa Đéc… bị sụp móng cũng được bác vật Lang cứu nguy bằng sở học và tài năng của mình.

Thật ra, những tiên đoán của ông bác vật ngày nay không còn được xem là "thiên cơ", "kỳ bí" mà đơn giản là bởi cụ am tường và có kiến thức về thiên văn học, xây dựng, trắc địa - thăm dò địa chất… nên mới có khả năng "đoán việc như thần". Nhưng không thể phủ nhận tài năng tinh thông của cụ bác vật.

Trên núi Cấm (An Giang), trong vô vàn hang động, có một hang mang tên hang Bác vật hay hang Bác vật Lang. Trước đây, hang này không tên, rất bí ẩn bởi tăm tối, lạnh lẽo và ngột ngạt do thiếu không khí. Kỹ sư Pháp sau nhiều lần thám hiểm đều "bó tay" với những cách như thả một con khỉ, một con chó bằng dây xuống đáy hang nhưng những con vật ấy luôn mất tích. Bác vật Lang đã tình nguyện cho người cột mình vào dây thả xuống hang. Sau một đêm cứ ngỡ ông bác vật đã "thôi rồi" thì tờ mờ sáng, cụ leo ra khỏi miệng hang, tuyệt nhiên không nói câu gì khiến mọi người không khỏi tò mò. Tò mò đến mức vùng núi Cấm đặt mấy câu vè: "Đàn kêu tích tịch tình tang /Đố ai biết được trong hang là gì?/Đàn kêu tích tịch tì tì /Đố ai biết được cái gì trong hang?". Từ đó, nhiều lời đồn đoán rằng, dưới hang toàn là cung vàng điện ngọc, ai có có căn duyên thì Trời hưởng đãi nhưng không được nói ra. Bà con đặt tên hang là hang Bác vật từ câu chuyện này.

*

* *

Hiện nay, tên nhà bác vật Lưu Văn Lang được đặt cho nhiều con đường, ngôi trường ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp… Đó là sự ghi công của hậu thế dành cho một nhà khoa học kỳ tài đất Nam Kỳ.

Đăng Huỳnh

Tài liệu tham khảo:

- Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu (chủ biên), NXB TP Hồ Chí Minh, 1987.
- Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Q. Thắng, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2014.

Chia sẻ bài viết