10/03/2024 - 20:55

Luật Đất đai 2024 - Cơ hội và thách thức  

So với Luật Ðất đai hiện hành, Luật Ðất đai 2024 mở ra nhiều cơ hội về quản lý và sử dụng đất hiệu quả hơn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình triển khai thi hành và áp dụng. Trong đó, nổi bật là vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội... 

PGS.TS. GVCC Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ trình bày ý kiến, trong đó có những ý kiến liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất, tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: C.H 

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện

Luật Ðất đai năm 2024 đã bổ sung một số điểm tiến bộ về lấy ý kiến nhân dân đối với kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện. Ðiều này là hết sức cần thiết, bởi kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện là căn cứ của hầu hết các phát sinh trong quan hệ pháp luật về đất đai giữa Nhà nước và người sử dụng đất, như: giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện phải được thực hiện trong phạm vi 2 năm. Nếu quá 2 năm liên tục xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất mà cơ quan có thẩm quyền không hủy bỏ, điều chỉnh, công bố lại thì người dân không còn bị hạn chế các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định. Việc thu hẹp từ 3 năm xuống còn 2 năm thể hiện quan điểm của Ðảng và Nhà nước ta hạn chế đến mức thấp nhất “quy hoạch treo”, làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.

Về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội

Luật Ðất đai 2024 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ðiểm tiến bộ của quy định này là đã đưa ra một khái niệm chung về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung các trường hợp thực sự cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được quy định trong Luật Ðất đai 2013; dẫn quy định thu hồi đất vùng phụ cận vào trong trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội để phù hợp với khoản 3, Ðiều 54, Hiến pháp 2013.

Bên cạnh những điểm tiến bộ, các quy định về thu hồi đất còn một số vấn đề cần phải được quy định chi tiết và có sự quản lý chặt chẽ như:

Khoản 8, Ðiều 78, Luật Ðất đai 2024 đã bổ sung trường hợp thu hồi đất làm khu “điều dưỡng, nghỉ dưỡng” của lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đây, Luật Ðất đai 2013 chỉ quy định thu hồi đất làm khu “an dưỡng” của lực lượng vũ trang nhân dân. Ðiều này đặt ra vấn đề quy hoạch mạng lưới các khu “điều dưỡng, nghỉ dưỡng” của lực lượng vũ trang nhân dân sao cho quản lý và sử dụng hợp lý, đúng công năng. Ðặc biệt, các khu của lực lượng vũ trang không do chính quyền địa phương quản lý vì liên quan đến bí mật quốc phòng, an ninh. Chính vì lẽ đó, yêu cầu về quản lý đặt ra cho các khu “điều dưỡng, nghỉ dưỡng” này càng phải chặt chẽ, khoa học.

Bên cạnh đó, một số quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cần phải được hướng dẫn chi tiết và giải thích rõ: các dự án thu hồi đất “vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển”.

Cho đến nay, các văn bản pháp luật không xác định rõ diện tích tối đa của các vùng phụ cận, phạm vi điểm kết nối giao thông sẽ được xác định như thế nào bởi vì tất cả các vùng ở đô thị và một số vùng ở nông thôn đều có các điểm kết nối giao thông. Nếu các quy định hướng dẫn không xác định rõ ràng, rất dễ dẫn đến tình trạng chính quyền địa phương lạm dụng quyền thu hồi đất đối với người sử dụng đất, có khả năng phát sinh thêm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, vốn đã khá phức tạp ở Việt Nam trong những năm gần đây. Mặt khác, cần quy định rõ công năng được sử dụng vào các diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận. Thực tế cho thấy, nếu việc thu hồi đất vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất làm các dự án thương mại, nhà ở… thì vô tình khoản 26, Ðiều 79, Luật Ðất đai 2024 đã mở rộng phạm vi thu hồi đất đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn cũng cần xác định rõ trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các án đầu tư xây dựng đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp” là như thế nào, phạm vi ra sao bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn về “chỉnh trang đô thị” tuy đã có từ Luật Ðất đai 2013, nhưng vẫn chưa được hướng dẫn một cách rõ ràng.

PGS.TS. GVCC PHAN TRUNG HIỀN, Trưởng Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ

 

Chia sẻ bài viết