22/03/2024 - 22:26

Lựa lời mà nói... 

Nhiều gia đình rất coi trọng cách cư xử, lời ăn tiếng nói và xem đó là một trong những bí quyết giữ gìn sự yên ấm. Ðối đãi với nhau nhẹ nhàng, cùng hỗ trợ khắc phục khiếm khuyết, sẵn sàng khen ngợi khi người thân làm chuyện tốt không chỉ thể hiện sự tôn trọng, ghi nhận đúng lúc mà còn giúp thắt chặt thêm tình cảm.

 Tăng cường giao tiếp giúp vợ chồng thấu hiểu nhau hơn. Trong ảnh: Gia đình hạnh phúc của chị Nguyễn Quỳnh Như. Ảnh: CTV

Chị Diễm Thúy ở quận Ninh Kiều, có 3 cô con gái ngoan hiền, học giỏi. Con gái lớn chị Thúy vừa tốt nghiệp đại học, con gái giữa du học ở nước ngoài, con gái út đang học lớp 8. Chồng chị Thúy làm giám đốc công ty tư nhân, kinh doanh các mặt hàng gia dụng. Bên cạnh việc nội trợ, chị Thúy còn phụ làm kế toán cho chồng. Các con của chị Thúy ngoài giờ học ra cửa hàng phụ giúp cha mẹ, vừa được trả lương vừa học hỏi kinh nghiệm mua bán. Các con hiểu chuyện, tự lập sớm cũng nhờ có cha mẹ làm điểm tựa, tận tình hướng dẫn những điều con chưa đúng, trang bị nhiều kỹ năng xã hội, động viên, khen thưởng khi có thành tích. Hiện gia đình chị Thúy rất vui vẻ, các con tin tưởng, tâm sự mọi chuyện với cha mẹ, còn chồng chị thì luôn nỗ lực thể hiện vai trò “soái ca” của cả nhà.

Chị Thúy kể, lập gia đình gần 30 năm, cũng có không ít mâu thuẫn, sóng gió. Nhờ chị kịp thời áp dụng cách “nói ngọt lọt tới xương”, bao dung, kiềm chế bớt cái tôi của bản thân mà trong ngoài được thuận hòa. Trước đây, chồng chị Thúy rất mê các thú vui câu cá, đánh tennis, bida, nhậu lai rai… Sau giờ làm, chồng chị thường đi chơi tới khuya, một mình chị vất vả với công việc nhà, chăm sóc con. Có thời điểm chồng chị vướng vào “lưới tình” của một cô tiếp viên, chưa tròn trách nhiệm với gia đình. Cãi vã, hờn giận, đôi lúc thiếu kiềm chế, chị Thúy thốt những lời “sát thương”, khiến tình cảm vợ chồng lợt lạt. Làm dữ không hiệu quả, chị Thúy thay đổi chiến thuật. Thay vì nổi nóng, cáu gắt, chị nói chuyện lịch sự, nhỏ nhẹ, thường xuyên nhắn chồng về ăn cơm, nhờ đưa rước con, khen các ưu điểm của chồng trước mặt bạn bè, người thân… Thấy vợ bỏ qua chuyện cũ, chồng chị Thúy dần thay đổi, chấm dứt tình cảm ngoài luồng, dành thời gian quan tâm, bù đắp cho vợ con.  Chỉ cần chồng làm điều gì, dù mang giá trị vật chất hay ý nghĩa tinh thần, chị Thúy đều trân trọng, khiến chồng càng thêm thương.

Nhắc đến chồng, chị Nguyễn Quỳnh Như ở quận Ninh Kiều, không tiếc lời khen người bạn đời hết mực chu đáo. Hơn 7 năm bên nhau, hạnh phúc anh chị thêm đong đầy với 2 con trai, gái xinh xắn. Sống chung với người điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ như chồng, chị Như cũng sửa dần sự nóng tính, đáp ứng mong muốn của chồng: “Chỉ cần em dịu dàng thêm chút nữa, cực khổ cỡ nào anh cũng chịu”. Cũng có khi vợ chồng bất đồng trong dạy con, nhưng nói dăm ba câu tranh luận rồi thôi, chồng chị Như sẵn sàng nhận lỗi nếu mình chưa đúng, không để hờn giận nhau. Biết công việc chồng áp lực, mỗi buổi chiều chồng đi làm về, chị hỏi han, chăm sóc, dọn cơm ăn chung, rảnh thì cả nhà đi hóng gió, ăn kem… Ðể phụ kinh tế với chồng, chị Như chế biến và bán thức ăn vặt online. Những lời động viên ân cần, chia sẻ việc nhà của chồng như tiếp thêm sức lực, giúp chị vơi đi vất vả đời thường. Chị Như tâm sự: “Tôi rất thương chồng vì anh ấy luôn mang niềm vui đến cho gia đình bằng cách ăn nói, cư xử khéo léo. Tôi cũng học theo chồng nâng chất lượng giao tiếp với người nhà. Vật chất còn thiếu thốn nhưng chúng tôi mãn nguyện vì có sự thông cảm, thấu hiểu”.

Mấy tuần nay, má chồng chị M ở quận Cái Răng ra sức hàn gắn tình cảm gia đình cho con dâu. Do mâu thuẫn, vợ chồng chị M tránh mặt nhau, chặn luôn điện thoại, khi nào cần trao đổi thì nhắn qua con cái. Chị M quyết định ly hôn vì không chịu đựng nổi cú sốc chồng xưng hô “mày - tao”, nói những câu tuyệt tình khi đôi bên cãi vã. Lúc trước, chồng từng nói năng thô lỗ, văng tục, chị M góp ý, chồng hứa sửa nhưng đụng chuyện thì lại như cũ và lần này như giọt nước tràn ly. Cha mẹ lục đục, các con cũng bị vạ lây. Chuyện con điểm kém, chơi game, làm biếng… chị M lôi ra chửi khiến các con không dám về nhà, tá túc bên nội. Má chồng chị M biết chuyện, kêu vợ chồng lại nói phải trái, bắt con trai cam kết không tái diễn cảnh “mày - tao” với vợ. Nghe lời má, chị M rút đơn về, cho chồng thêm cơ hội.

Nhiều người cho rằng lịch sự là để đối xử với người ngoài, còn trong nhà sao cũng được nên đôi lúc nói năng tùy tiện, vô tâm, khiến người nghe buồn phiền. Giao tiếp là thể hiện văn hóa ứng xử trong gia đình. Vợ chồng phải tôn trọng nhau, cư xử tế nhị, còn đối với con cái thì cần bao dung, hướng dẫn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khi gặp vấn đề mọi người phải hiểu nhau để cùng góp ý, sửa chữa sai lầm, thúc đẩy điều tốt đẹp, đừng để mích lòng vì những phát ngôn thiếu suy nghĩ. “Lời nói không mất tiền mua”, đối với người thân lại càng phải xem trọng vì đó là những người gắn bó trên đường đời, cùng ta chia ngọt sẻ bùi. Hãy cân nhắc, lựa lời trao nhau sao cho người nghe, người nhận đều cảm thấy vui, có thêm động lực phấn đấu và trân quý hơn mái ấm thân thương của mình.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết