07/07/2015 - 20:42

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN VĨNH THẠNH

LỢI ÍCH CHO NGƯỜI DÂN LÀ ĐÍCH ĐẾN CUỐI CÙNG

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Vĩnh Thạnh xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới là đích đến cuối cùng. Mục tiêu này được huyện xuyên suốt bám sát trong những năm qua và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Tiếp nối những thành quả đạt được, Vĩnh Thạnh đang nỗ lực để trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần

 Xã Thạnh Lợi đang gấp rút hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuẩn bị công nhận xã nông thôn mới trong năm 2015.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM huyện Vĩnh Thạnh, hiện Vĩnh Thạnh có 2/9 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Thạnh Thắng và Vĩnh Trinh); 4 xã đạt từ 11-13 tiêu chí (Thạnh Quới, Thạnh Lộc, Thạnh Mỹ và Vĩnh Bình); 3 xã đạt từ 14-18 tiêu chí (Thạnh Lợi, Thạnh An và Thạnh Tiến). Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, đánh giá: "So với thời điểm năm 2013, các xã đều tăng từ 1-8 tiêu chí. Có được kết quả này, trước hết là nhờ công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM. Song song đó, công tác quy hoạch và xây dựng đề án về XDNTM được các xã hoàn thiện từ rất sớm làm cơ sở tuyên truyền và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị. Bài toán khó về nguồn vốn XDNTM được huyện uyển chuyển lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, nước sạch nông thôn; công tác làm thủy lợi; xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn…".

Qua rà soát, đánh giá thực trạng theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới, một số tiêu chí các xã đạt tỷ lệ cao. Điển hình như: cung ứng dịch vụ công, văn hóa, giáo dục (9/9 xã); bưu điện (8/9 xã); y tế, môi trường (6/9 xã)... Ông Nguyễn Minh Cần, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lợi, cho biết: "Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới là chuẩn để xã phấn đấu. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng mà Thạnh Lợi muốn vươn tới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Chính vì vậy, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại. Đến nay xã đã xây dựng và triển khai được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất lúa theo "Cánh đồng lớn" ở Tổ hợp tác Khiết Tâm, ấp D2 là bước thành công vượt bậc. Hiện toàn xã có 4 "Cánh đồng lớn" với diện tích hơn 1.800ha, góp phần nâng cao mức sống người dân". Năng suất lúa tại các "Cánh đồng lớn" cao hơn từ 4,6-7,46%, lợi nhuận tăng 28,38%, chi phí giảm từ 600.000 đồng/ha đến 2 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình...

Theo ông Hà Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, phần lớn người dân đều nhận thức XDNTM là trách nhiệm của mỗi người, từ đó đi đến sự đồng thuận cao trong đóng góp sức lực, vật lực để cùng thực hiện các tiêu chí. Trong đó, đáng kể nhất là công tác giảm nghèo, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng ấp văn hóa, giữ vững an ninh trật tự xã hội… Các biện pháp giảm nghèo cũng được xã khác ở Vĩnh Thạnh triển khai đồng bộ, thông qua hỗ trợ vốn vay từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với các xã cung cấp tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 3,06% (giảm 1,44% so với năm 2013), hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 5.06% (giảm 0,95%). Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện là 69.738 người, chiếm trên 60,4% dân số. Số hộ sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh là 26.417/27.429 hộ, đạt gần 98,8%. Công tác dạy nghề được quan tâm hơn trước, đặc biệt chú trọng đến chất lượng dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường, cơ cấu nguồn lực phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu người học…

Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới

Theo kế hoạch, năm 2015, Vĩnh Thạnh phấn đấu công nhận thêm xã Thạnh Lợi đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, huyện phấn đấu 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020. "Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo huyện yêu cầu các xã bám sát đề án XDNTM được phê duyệt; tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy tốt vai trò của các bên để hoàn thành các tiêu chí. Đối với 2 xã được công nhận xã nông thôn mới tiếp tục nâng chất, hoàn thiện các tiêu chí theo hướng bền vững. Huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để người người, nhà nhà đều có thể chung sức XDNTM như: lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn XDNTM với nguồn vốn từ các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn; phát huy nội lực thông qua việc vận động đóng góp từ người dân; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn…"- ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh nói.

Ông Nguyễn Minh Cần, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lợi, chia sẻ: Thạnh Lợi đang vào giai đoạn nước rút để được công nhận xã nông thôn mới. Vì vậy, xã đang dồn sức huy động, xã hội hóa nguồn lực, ưu tiên ngân sách cho mục tiêu này. Trong đó, chú trọng phát huy nội lực trong dân. Bởi người dân vừa chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng chính từ chương trình. Thạnh Lợi tạo mọi điều kiện để người dân phát triển sản xuất, có tích lũy để tái đầu tư và mở rộng sản xuất, tạo tiền đề đóng góp XDNTM. Công tác đào tạo, tập huấn về nông thôn mới tiếp tục được chú trọng nhằm hình thành đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trước, trong và sau khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Hà Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, thời gian tới, xã tập trung cho công tác an sinh xã hội (người dân tham gia bảo hiểm y tế; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vận động xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, đại đoàn kết…) thông qua việc thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới (tiêu chí về nhà ở nông thôn, y tế, điện…).

Mới đây, trong buổi làm việc về tình hình XDNTM trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng chỉ đạo: Trên cơ sở những thành quả đạt được, huyện tập trung tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch đã đề ra trong năm 2015. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải được thực hiện theo chiều sâu, đa dạng về hình thức và đi vào từng tiêu chí cụ thể để nâng cao nhận thức, vai trò của người dân. XDNTM mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Do đó, huyện phải tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; chú trọng công tác tạo nghề, giải quyết lao động theo nhu cầu của địa phương, từng bước giải quyết triệt để lao động nông nhàn...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết