Vùng nuôi tôm ven biển ở ĐBSCL đang vào mùa. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay diễn biến hạn mặn khắc nghiệt cùng với ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 sau nửa tháng cách ly xã hội, người nuôi tôm và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn chưa dứt nỗi lo phía trước.
Thu hoạch tôm nuôi ở Sóc Trăng. Ảnh: X.T
►Vùng tôm dè dặt vào mùa
Một chủ trang trại nuôi tôm quy mô lớn ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Đến nay tiến độ thả tôm nuôi còn chậm. Có lẽ chờ qua đầu tháng 5, đợi mưa, nhiệt độ ôn hòa hơn nhiều hộ nuôi tôm bên ngoài mới tập trung thả tôm giống.
Suốt hơn một tháng qua, từ tháng 3-2020, nắng nóng gay gắt khắp vùng ven biển, từ cửa biển Trần Đề kéo dài tới ven vùng nuôi tôm thâm canh Vĩnh Châu-Sóc Trăng, Bạc Liêu… cả một vùng nuôi tôm rộng lớn nhưng không khí vào mùa tôm trầm lắng. Chị Ly, một chủ hộ nuôi tôm ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, có 40 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, kể: Mấy năm trước mặn ít, độ chừng từ tháng 3 đã có lác đác bà con nuôi thả tôm vào vụ. Nhưng năm nay hạn, mặn gay gắt chưa từng thấy, bà con lo sợ rủi ro. Đã có người thả tôm nôn nóng thả sớm, tôm chỉ sống được chừng hơn 20 ngày, hư phải xổ bỏ.
Ngoài chợ nông thôn thấy bán tôm thẻ non cỡ 200 con/kg, có người nói đó là tôm nuôi được hơn 1,5 tháng nhưng vì không "mạnh giỏi", sợ bị hư nên vớt vát mong gỡ bớt lỗ lã. Bởi vậy nhiều hộ nuôi tôm nấn ná chờ mưa, hạ bớt độ mặn mới vào vụ. Theo chị Ly, hồi giữa tháng 3 một số hộ nuôi tôm đo mặn ngoài sông định lấy nước vào ao, độ mặn lên tới 30‰. Trong khi theo khuyến cáo của cán bộ thủy sản địa phương và kinh nghiệm nuôi tôm nuôi thả tôm từ 10-12‰ là thích hợp.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố thời tiết khắc nghiệt, người nuôi tôm chậm thả giống là do giá tôm thấp quá. Hiện nay, tôm cỡ 100 con/kg giá nhà máy thu mua 76.000 đồng/kg. Nhà máy chế biến thu mua cầm chừng, trữ kho. Đó là do tình hình xuất khẩu chưa mạnh. Trong khi Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi tôm: Thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao dễ sinh dịch bệnh gây tổn thất: bệnh đốm trắng, đỏ thân, bệnh gan tụy cấp và lo nhất là bệnh mới vi bào tử trùng nuôi tôm hoài không lớn. Ở vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng thời vụ nuôi tôm chính vụ năm 2020 khởi đầu từ ngày 20-1 đến ngày 30-9 kết thúc. Đến nay diện tích thả nuôi tương đương so với cùng kỳ. Phần lớn diện tích còn lại người nuôi tôm còn lo cải tạo ao, lấy nước vào ao lắng.
►Dự liệu khả năng phục hồi
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng đến kinh tế nhiều ngành nghề, khó dự đoán. Trong đó, xuất khẩu thủy sản qua 2 tháng đầu năm tuy vẫn giữ nhịp xuất khẩu đều, nhưng từ tháng 3-2020 tình hình phát tín hiệu báo động.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho rằng: Tình huống ngày càng xấu hơn. Các đơn hàng nguyên năm lùi ngày thảo luận, bởi do lo phòng chống COVID-19. Nghe thông tin thì khách hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc có yêu cầu lùi ngày giao hàng. Riêng Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chưa bị ảnh hưởng. Trong tháng 4 và tháng 5 sắp tới tôm vào mùa nhưng diễn biến thị trường tôm hiện thời chưa nói lên điều gì khi COVID-19 chưa có dự báo lúc nào kết thúc. Hiện nay tình hình thị trường xuất khẩu đang vô cùng khó khăn. EU đóng cửa biên giới, dân ở trong nhà. Nhà hàng không khách, sức tiêu thụ giảm. Tình hình thị trường Hoa Kỳ khả năng tương tự. Riêng thị trường Nhật Bản còn ổn định.
Thực tại sau hơn nửa tháng cách ly xã hội người nuôi tôm vẫn chưa thể dứt bỏ lo âu. Thị trường tiêu thụ tôm nguyên liệu dạng tôm tươi có phần bị ảnh hưởng là do hạn chế bởi nhu cầu tiêu dùng. Song, do người nuôi tôm ở ĐBSCL chưa vào mùa nuôi thả nhiều nên thu hoạch chưa nhiều. Nguồn cung tôm nguyên liệu chưa tạo áp lực lớn đến khả năng tiêu thụ các nhà máy, do đó, tôm nguyên liệu chưa có tình trạng ứ đọng, tồn kho. Nếu như thị trường Trung Quốc sớm hết dịch sẽ có lợi. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi.
Trong khi đó, theo ông Lực, hiện nay Ấn Độ kéo dài phong tỏa toàn quốc đến ngày 5-5 chắc chắn thêm tác động không tốt tới chuỗi nuôi, chế biến tôm, do sẽ giảm lượng. Riêng ở Trung Quốc, theo thông tin vừa qua xuất hiện virus mới trên tôm có tác hại rất lớn, với những dấu hiệu bệnh tương đồng virus đốm trắng từng có. Tuy vậy, cánh cửa lạc quan vẫn mở. Theo dự báo thời tiết thuận lợi từ tháng 5, người nuôi tôm trong vùng tính toán vào vụ thả nuôi sẽ yên tâm hơn.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Trong tình hình căng thẳng giữa mùa đề phòng dịch bệnh, vấn đề căn bản là làm thế nào giữ ổn định cho doanh nghiệp trụ vững, vượt qua. Hiện nay công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19, kiểm tra hằng ngày, xây dựng kịch bản ứng phó tình huống xấu nhất xảy ra nhằm hạn chế tối đa thiệt hại”.
HỮU ĐỨC