 |
Các kỹ sư, cán bộ khoa học Cần Thơ tham quan mô hình máy tách màu tự động (phục vụ cho nông sản) của Nhật tại Đại học Cần Thơ. |
Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, ĐBSCL có nhiều lợi thế và tài nguyên, nhưng thiếu liên kết vùng sẽ dẫn đến những bất cập trong khai thác và quản lý tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương và toàn vùng. Để khai thác tiềm năng kinh tế cũng như thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng phát triển bền vững, cần những giải pháp liên kết trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ trọng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL những năm gần đây gia tăng. Ngành thủy sản ĐBSCL có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng. Xây dựng chiến lược khoa học và công nghệ nhằm khai thác hiệu quả và bền vững ngành thủy sản ĐBSCL sẽ rất có ý nghĩa phát triển kinh tế toàn vùng trong hiện tại và tương lai. ĐBSCL cũng là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... thích hợp cho sự phát triển nhiều chủng loại cây ăn trái nhiệt đới và được xem là vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 30 chủng loại cây ăn trái khác nhau.
Hiện nay, việc áp dụng rộng rãi và đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch... trong sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL đã mang lại những hiệu quả nhất định. Bước đầu, đã hình thành các vùng sản xuất trái cây chuyên canh phục vụ xuất khẩu. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng rau quả ngày càng gia tăng ở thị trường trong và ngoài nước, mang đến những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành này ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Những cơ hội cũng đồng nghĩa với thách thức, đòi hỏi đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Viện Cây ăn quả Miền Nam, sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn mang tính tự phát. Đặc biệt là chưa phát triển sản xuất cây ăn trái theo định hướng và "tín hiệu" của thị trường. Việc sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ và phân tán; quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình. Một trong những nguyên nhân đó là chưa tạo được mối liên kết 4 nhà trong sản xuất (nhà khoa học, nhà nước, nông dân và doanh nghiệp) và tiêu thụ trái cây trên cơ sở tự nguyện và dựa trên lợi ích thiết thực giữa các bên. Đặc biệt, các nhà vườn trồng cây ăn trái chưa chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trái cây trong việc tiêu thụ sản phẩm. Các nhà khoa học cho rằng, về chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL, việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cần xem xét mối quan hệ qua lại giữa kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. Trong cái nhìn tổng thể này, đòi hỏi phải có cơ chế và tổ chức liên kết vùng và sự tham gia 4 nhà. Các giải pháp KH&CN cần chú tâm trong liên kết vùng. Việc chủ động liên kết và phát triển KH&CN nhằm hỗ trợ chiến lược phát triển tam nông, nhất là hàng hóa có lợi thế so sánh vùng như lúa-gạo, cây ăn trái, thủy sản.
Những tiềm năng và cơ hội đã đặt ra cho hoạt động KH&CN của vùng không ít thách thức. Nguồn lực phục vụ nghiên cứu khoa học (con người, cơ sở vật chất, kinh phí) chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: "Trở ngại lớn nhất hiện nay là quá trình phát triển kinh tế của vùng chưa gắn liền với hoạt động phát triển KH&CN. Cụ thể, thiếu sự liên kết giữa Viện-Trường để phát huy thế mạnh của từng đơn vị, nhằm giải quyết các nghiên cứu liên quan đến từng lĩnh vực kỹ thuật, tự nhiên và kinh tế-xã hội, tránh sự chồng chéo nhau giữa các đơn vị nghiên cứu. Mặt khác, hàng năm, các tỉnh, thành ở ĐBSCL chỉ dành ra 2% trong tổng chi ngân sách của địa phương cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Việc đầu tư thiếu và yếu, lại thiếu tổ chức liên kết, dẫn đến việc phối hợp và điều phối chức năng KH&CN trong vùng còn lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao".
Các nhà khoa học cũng đã cảnh báo, thiếu liên kết vùng sẽ dẫn đến hoạt động khai thác và quản lý tài nguyên bất hợp lý. Bằng chứng là thời gian qua, có nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ĐBSCL để khai thác tiềm năng nêu trên, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế và kém bền vững. Mặt khác, thiếu liên kết vùng cũng chính là nguyên nhân của việc phát triển kinh tế theo chiều rộng và dàn trải giữa các địa phương. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu đến vùng và hội nhập kinh tế của đất nước, cần có giải pháp liên kết vùng để tạo đột phá trong phát triển KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bài, ảnh: Thảo Mộc