08/03/2020 - 06:47

Liên kết phát triển không gian đô thị 

Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên lĩnh vực đô thị, thành phố đã và đang phấn đấu khẳng định vị trí, phát huy vai trò là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, một đô thị văn minh, hiện đại, trình độ tiên tiến. Trong năm 2020, thành phố khẩn trương lập nhiệm vụ Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, định hình không gian đô thị để huy động và phát huy tối đa các nguồn lực là trọng tâm trong quá trình lập nhiệm vụ, xây dựng quy hoạch để đi vào triển khai, thực hiện.

Khu đô thị Nam Cần Thơ được đầu tư khang trang, hiện đại.

Khu đô thị Nam Cần Thơ được đầu tư khang trang, hiện đại. 

Nhu cầu tất yếu

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, giai đoạn 2011-2020, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn ODA... cho đầu tư cải tạo, chỉnh trang đô thị. Một số công trình, dự án đang thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần tạo nên điểm nhấn đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp” cho thành phố. Trong tổ chức không gian đô thị, thực hiện quy hoạch, thành phố tiếp tục mở rộng đô thị theo trục chính đô thị dọc sông Hậu, theo hướng tạo thành chuỗi đô thị (các khu đô thị tương đối độc lập, hoàn chỉnh), gắn kết với nhau một cách hài hòa, hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững.

Trên địa bàn thành phố đã hình thành các khu đô thị với các chức năng đặc trưng, nổi trội: Chỉnh trang khu đô thị trung tâm (quận Ninh Kiều) và mở rộng sang quận Bình Thủy. Mở rộng Khu đô thị Cái Răng (Khu đô thị công nghiệp- cảng). Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện khu đô thị - công nghiệp cũ Trà Nóc và Khu đô thị mới Ô Môn; hình thành và phát triển khu đô thị dịch vụ - công nghiệp Thốt Nốt. Về mạng lưới đô thị tại khu vực ngoại thành và các vành đai xanh, thành phố đang triển khai thực hiện gồm hình thành các vành đai xanh giữa các khu đô thị, dải cây xanh dọc theo sông Hậu, các con sông, kinh, rạch. Phát triển, mở rộng các đô thị Vĩnh Thạnh, Thạnh An, Cờ Đỏ,... xây dựng đô thị sinh thái Phong Điền.

Theo đánh giá của các sở, ngành hữu quan, thời gian qua, chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế, việc tổ chức triển khai quy hoạch chậm. Đặc biệt, quy hoạch phát triển đô thị còn thiếu tầm nhìn dài hạn. Phát triển đô thị chưa thật hiệu quả, chưa hình thành được chiến lược phát triển đô thị hóa đồng bộ: đô thị thông minh, đô thị bền vững, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, các giải pháp công trình, phi công trình tiến hành chậm. Chưa gắn kết giữa khai thác, quản lý sử dụng và khả năng huy động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai, lợi thế về vị trí, vai trò. Một số điểm nghẽn về đô thị chưa được giải quyết tốt như: Ùn tắc giao thông cục bộ, ngập diện rộng lúc triều cường vào mùa mưa; sụt lún đô thị, tình trạng ô nhiễm ở một số địa bàn; tình trạng xây dựng không phép, trái phép làm mất mỹ quan đô thị. Đây là những vấn đề đặt ra cho thành phố cùng các sở, ngành hữu quan khi lập nhiệm vụ Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tạo liên kết

Thời gian qua, hệ thống giao thông chính đã thúc đẩy quá trình phát triển các khu đô thị mới: Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, Khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, khu đô thị mới Cồn Khương. Các khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt, khu đô thị sinh thái Phong Điền cũng đang hình thành… Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, thành phố luôn quan tâm kết nối các đô thị (thị trấn), các khu đô thị mới với đô thị trung tâm bằng việc quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông từ trung tâm thành phố đến các quận, huyện trên địa bàn. Để tạo đà phát triển nhanh, mạnh hơn, thành phố rất cần Trung ương quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, thúc đẩy liên kết vùng.

Đề xuất nhiệm vụ Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung đề xuất phương án phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, hệ thống các khu chức năng. Cụ thể là xác định các vùng, khu vực dành cho mục tiêu phát triển đô thị trên địa bàn thành phố theo từng giai đoạn quy hoạch; định hướng bố trí sử dụng đất phát triển hệ thống đô thị; đề xuất danh mục dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đô thị… Đồng thời xác định các vùng, khu vực dành cho mục tiêu phát triển các khu dân cư nông thôn trên địa bàn theo từng giai đoạn quy hoạch.

Theo ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, xu thế phát triển đô thị của thành phố sẽ mở rộng ra các địa bàn ven: Ô Môn, Thới Lai thay vì tập trung ở khu vực trung tâm. Do đó, quận cũng đề xuất các sở ngành có hướng bổ sung, điều chỉnh quy hoạch trong thời gian tới. Đồng thời, ở nội dung bảo vệ môi trường cần quan tâm quy hoạch các điểm tập kết, thu gom rác để đáp ứng yêu cầu tập kết, trung chuyển rác về nơi xử lý tập trung.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết những nội dung chi tiết của nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là yêu cầu đặt ra cho đơn vị tư vấn, song Sở Xây dựng cũng đề xuất thành phố chỉ đưa vào nội dung Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch của Thủ tướng những mục tiêu bao quát, tổng thể. Về nội hàm, sau khi nhiệm vụ hoạch được phê duyệt, vấn đề về quy hoạch sẽ đi vào nghiên cứu chuyên sâu. Chẳng hạn đối với lĩnh vực đô thị sẽ tập trung quy hoạch đô thị, các khu chức năng, xây dựng phương án phát triển các khu chức năng, vấn đề sử dụng đất trong các khu đô thị…Quá trình xây dựng các quy hoạch ngành cùng như việc tích hợp quy hoạch sẽ được vận hành theo nguyên tắc chung và có cơ chế linh hoạt với sự liên kết của các sở ngành thành phố và các quận, huyện.

Bài, ảnh: LÊ NGUYÊN

Chia sẻ bài viết