10/12/2013 - 09:03

SÓC TRĂNG:

Liên kết phát huy tiềm năng, lợi thế cây màu

Tiềm năng phát triển cây màu ở Sóc Trăng là rất lớn nhưng hạn chế, thách thức cũng không nhỏ. Đây là vấn đề đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm tìm giải pháp, để biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh của ngành trong lộ trình tái cơ cấu.

* Tiềm năng lớn

Theo ước tính, tổng diện tích màu năm 2013 của tỉnh Sóc Trăng trên 50.000ha; trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là các loại rau, củ với trên 29.000ha, kế đến là hành tím với gần 7.600ha, bắp 4.164ha, khoai các loại 3.884ha, dưa hấu 1.944ha, còn lại là các loại đậu. Các vùng chuyên canh màu tập trung chủ yếu tại các xã: Đại Tâm, Tham Đôn (Mỹ Xuyên); An Hiệp, Phú Tân (Châu Thành); Phú Mỹ, Thuận Hưng (Mỹ Tú); phường 4 (TP Sóc Trăng) và thị xã Vĩnh Châu.

Hành tím có diện tích, sản lượng lớn và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nhưng đầu ra vẫn khó khăn.

Đầu tư phát triển rau màu ngày càng được nông dân chú trọng nhờ thu nhập ổn định và cao hơn so với một số loại cây trồng ngắn ngày khác. Kinh nghiệm thực tiễn kết hợp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác…đã giúp cho nghề trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế ngày một cao hơn. Vì vậy, ngoài những vùng màu chuyên canh, đã xuất hiện những mô hình trồng màu dưới chân ruộng, trên bờ bao vuông tôm, bờ kênh thủy lợi… với diện tích lên đến hàng ngàn héc - ta mỗi năm. Trên cơ sở định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung cây màu đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát, xác định vùng có đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các kết quả lấy mẫu tại 14 điểm, đại diện cho 5 vùng chuyên canh màu của tỉnh (TP Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu và các huyện Mỹ Tú, Châu Thành và Mỹ Xuyên), hầu hết các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu và có thể xem đây là vùng chọn lựa để phát triển cây màu đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, phân tích, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã tập trung chuyển giao và ứng dụng mô hình tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất cây màu. Hiện nay, ngành đã xây dựng được 13 quy trình sản xuất cho từng loại màu (sà lách, tần ô, khổ qua, cải ngọt, cải xanh, cải phụng, bắp thảo, cải bắp, cải bông, dưa leo, dưa hấu, đậu cô ve và củ hành tím) cùng hàng trăm lớp tập huấn IPM, sản xuất rau an toàn cho hàng ngàn nông dân. Các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: xây dựng vùng sản xuất hành tím đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở Vĩnh Châu để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn từ nước nhập khẩu với diện tích gần 1.800ha; mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP phục vụ nội địa…

* Thách thức không nhỏ

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, khó khăn hiện nay đối với cây màu chủ yếu là chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, thiếu chợ đầu mối để thu gom sản phẩm từ người sản xuất. Hiện nay, việc sản xuất rau màu ở Sóc Trăng chủ yếu mang tính truyền thống, tiêu thụ tại chỗ là chính và một phần cung cấp cho thị trường một số tỉnh trong khu vực nên tình trạng "được mùa, thất giá" vẫn thường xảy ra. Đối với sản phẩm hành tím, dù có đến 70% sản lượng xuất khẩu, nhưng tình trạng giá cả bấp bênh, cùng các rào cản kỹ thuật gần đây từ các nước nhập khẩu đã làm cho sự phát triển của loại cây màu chủ lực này thiếu đi tính bền vững. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa gắn kết được sản xuất với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau màu; chi phí sản xuất còn cao; chưa phát triển ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nông dân và doanh nghiệp hình thành vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng và đảm bảo về sản lượng; công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại còn hạn chế, nên rủi ro của người sản xuất vẫn còn cao…

Ông Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng, cho biết: Hiệu quả từ trồng màu là rất cao, nhưng rủi ro đến từ thị trường cũng khá lớn. Chênh lệch giá rau màu từ nơi sản xuất đến tay người tiêu thụ thường là gấp đôi. Vì vậy, nếu không tạo được sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, nông dân sẽ rất thiệt thòi. Thời gian qua, Trung tâm chưa có nhiều khảo nghiệm về giống rau màu, trong khi nông dân còn hạn chế trong tiếp cận với thành tựu giống rau màu mới. Tới đây, Trung tâm sẽ phục tráng một số giống rau màu địa phương và tiến hành khảo nghiệm thêm một số giống lai F1 để giới thiệu cho nông dân.

* Quy hoạch tạo liên kết

Hằng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu một khối lượng lớn đậu nành, bắp lai để chế biến thức ăn gia súc; trong khi vùng ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển hai loại cây màu này, nhưng chưa được khai thác đúng mức để đưa vào cơ cấu sản xuất, nhất là trong mùa khô để giảm dần diện tích lúa 3 vụ/năm. Việc sản xuất màu ở Sóc Trăng hiện tại chỉ ở quy mô nhỏ, chưa có trang trại trồng màu đúng nghĩa, cũng chưa có cánh đồng mẫu cho cây màu vì thiếu sự liên kết 4 nhà. Ông Lý Thâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng, đề xuất: "Muốn phát triển cây màu bền vững phải nắm được nhu cầu, giá cả thị trường để từ đó có định hướng phát triển phù hợp. Vấn đề này, ngành công thương phải hỗ trợ ngành nông nghiệp, để ngành nông nghiệp tập trung cho nhiệm vụ chính là quy hoạch vùng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất và tham mưu lãnh đạo tỉnh, Trung ương ban hành các cơ chế chính sách đặc thù". Bà Châu Thị Kim Chi, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Do thiếu liên kết thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo một quy trình và sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn quy định nên việc xúc tiến thương mại cho rau màu là rất khó khăn. Vì vậy, tới đây, cần xây dựng những hợp tác xã làm đầu mối, gắn với việc ban hành cơ chế chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia và tạo thuận lợi cho công tác xúc tiến thương mại.

Nói về tiềm năng phát triển cây màu của tỉnh, ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, khẳng định: Sóc Trăng rất có điều kiện để phát triển rau màu nhờ vào lợi thế những giồng cát cao, các tuyến dọc theo những trục giao thông lớn và cả trên đất lúa. Vì vậy, cần phải tập trung rà soát, đánh giá để đưa vào quy hoạch trong quá trình tái cơ cấu ngành, nhằm phát huy thế mạnh từ những vùng chuyên canh truyền thống và chuyển dịch một phần diện tích lúa sang cơ cấu lúa-màu. Ông Quách Văn Nam nhấn mạnh: "Các đơn vị trực thuộc ngành cần tập trung quan tâm đến công tác giống, tổ chức lại sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết có hiệu quả, đẩy mạnh công tác khuyến nông, tăng cường quản lý, kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lãnh đạo ngành sẽ cùng với lãnh đạo Sở Công Thương bàn bạc, tìm giải pháp cho công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để sản xuất được hiệu quả, an toàn và bền vững".

Bài, ảnh: Xuân Trường

 

Chia sẻ bài viết